Chung cư Tín Phong: Dân sống khổ vì quy hoạch trạm ép rác
Quy hoạch trạm ép rác 12 năm, người dân không biết…
Ông Nguyễn Trung Thông, Trưởng Ban quản trị (BQT) chung cư Tín Phong cho biết: “chung cư Tín Phong đã hoàn thiện và đưa dân vào ở từ năm 2014. Thế nhưng, dự án xây dựng trạm ép rác đối diện chung cư đã được quy hoạch từ lâu nhưng các cư dân tại đây và những hộ dân lân cận không hề hay biết”.
“Đến tháng 7/2018 vừa qua, một cư dân chung cư Tín Phong tình cờ phát hiện đơn vị thi công mang máy móc và vật liệu tới bãi đất trống đối diện Block A để chuẩn bị xây dựng công trình trạm ép rác. Biết được thông tin này, toàn bộ cư dân chung cư Tín Phong đều kịch liệt phản đối” - ông Thông bức xúc kể.
Hàng chục tấm băng rôn được người dân giăng kín ở 2 tòa nhà |
Ông Nguyễn Minh Hưng, Phó BQT cho rằng, việc quy hoạch khu dân cư gần khu vực xây dựng trạm ép rác là điều hết sức vô lý. “Nếu chính đã cho quy hoạch trạm ép rác thì không nên quy hoạch kế đó là xây dựng khu dân cư. Mà đã quy hoạch khu dân cư thì nên chuyển trạm ép rác đi một nơi khác. Dù công nghệ tiên tiến đến đâu, nhưng việc ô nhiễm là không thể tránh được”.
Ngoài ra, nhiều cư dân cũng bức xúc vì cho rằng chủ đầu tư và chính quyền đã che giấu thông tin quy hoạch xây dựng trạm ép rác. “Lúc mua căn hộ, chúng tôi không hề hay biết trạm ép rác được quy hoạch ngay trong khu vực này. Và nếu biết, thì chắc chắn không ai dám mua nhà ở đây. Chúng tôi có cảm giác chủ đầu tư và chính quyền địa phương bưng bít thông tin để lừa dối khách hàng. Họ thật sự đã không tôn trọng người dân.” - Ông Trần Khanh Hiệp, một cư dân sống tại tầng 14, Block B bức xúc.
Tương tự, bà Lê Hồng Thu, sống tại tầng 17, Block A cũng rơi vào tình trạng suy sụp kể từ khi biết được “hung” tin về trạm ép rác.
“Tất cả những Cư dân ở đây đều không đồng tình cho việc xây trạm ép rác đối diện chung cư. Khi nghe tin, tinh thần của cư dân như sụp đổ. Nên đổi trạm ép rác này thành một công trình nào khác để người dân có một bầu không khí sống trong lành. Còn xây trạm ép rác đối diện chung cư thế này thì làm sao chúng tôi sống nổi” - Bà Thu lo lắng.
Ngoài dự án chung cư Tín Phong, xung quanh đó còn có dự án nhà ở xã hội Topaz Home 1 với 1.100 căn hộ; dự án chung cư nhà ở thương mại Prosper Plaza với khoảng 500 căn hộ... và nhiều khu dân cư hiện hữu.
Khu vực dự kiến xây dựng trạm ép rác kín Tân Thới Nhất |
Dân tháo chạy vì sợ ô nhiễm
Cách gần 3km đường, tuy nhiên người dân vẫn dễ dàng nhận ra 2 tòa chung cư Tín Phong chằng chịt băng rôn đỏ. Nội dung của những tấm băng rôn này đều phản đối việc xây dựng trạm ép rác kín của 408 hộ dân với hơn 1000 cư dân sống tại đây. Ngoài động thái trên, tập thể cư dân đã đồng loạt ký đơn kêu cứu gửi đến các Sở, Ban ngành và UBND TP.HCM…
“Tuy nhiên, tới nay chúng tôi thấy rằng các cơ quan liên quan vẫn kiên quyết tiến hành dự án này. Điều này khiến sự lo lắng của cư dân ngày càng tăng cao. Nhiều người đã rao bán nhà để chuyển đi nơi khác. Họ bán giá rẻ nhưng cũng không ai mua. Bản thân tôi đã 3 lần rao bán nhà mà không bán được dù chỉ bán với giá gốc. Bởi, chẳng có ai muốn sống cạnh một cái trạm ép rác cả.
Chúng tôi đang lâm vào tình cảnh đi không được mà ở cũng không xong. Bất đắc dĩ, tất cả các cư dân đã căng băng rôn kín chung cư, để phản đối việc xây trạm ép rác trước mặt chung cư.” - Ông Thông buồn bã chia sẻ.
Cũng theo ông Thông, ngoài việc phê duyệt dự án xây dựng trạm ép rác kín đối diện Block A chung cư Tín Phong, khu vực xung quanh còn tồn tại nhiều nhà máy, xí nghiệp hoạt động 24/24 và xả thải nhiều khói bụi độc hại.
Cụ thể, “nằm trên đường Tân Thới Nhất 1A, có Công ty TNHH Long Vỹ, Công ty TNHH Trương Đô Thành và một số cơ sở sản xuất khác không có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực dệt nhuộm - định hình vải (một ngành công nghiệp không được phép hoạt động trong khu dân cư). Các cơ sở sản xuất này hàng ngày cho xả thẳng khói và nước thải công nghiệp trực tiếp vào khu dân cư.”
Trước những lo lắng trên, Hiệp hội Bất Động sản TP.HCM (HoREA) cũng có công văn kiến nghị các Sở, Ban ngành và UBND TP đề nghị xem xét giải quyết vấn đề không đặt trạm trung chuyển rác đối diện cụm nhà chung cư Tín Phong.
Theo đó, HoREA kiến nghị chuyển chức năng khu đất trạm trung chuyển rác phường Tân Thới Nhất thành khu công viên, cây xanh, thể dục thể thao, vui chơi giải trí phục vụ cộng đồng dân cư trong phường.
Khi phát hiện ra vụ việc, phần lớn các cư dân sống tại chung cư Tín Phong đều thắc mắc, vì sao đã tồn tại nhiều nhà máy, xí nghiệp và chính quyền đã có chủ trương xây dựng dự án nhà máy ép rác kín, nhưng vẫn đồng ý cho quy hoạch khu dân cư?
Việc tồn tại nhiều nhà máy công nghiệp trong khu dân cư thế này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm trước những tổn thất nặng nề này?
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.