Chung tay giúp đỡ, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam
CCB Đinh Công Chất - Chủ tịch Hội CĐDC/dioxin thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang
1. Thảm họa da cam ở Việt Nam:
Thực tế chứng minh, cuộc chiến tranh sử dụng chất độc hóa học…do quân đội Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam đã gây nên hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Căn cứ vào tài liệu: Ngày 31-11-1961, Tổng thống Kenerdi đã thông qua việc sử dụng chất độc hóa học tại chiến trường Miền Nam. Ban đầu chúng sử dụng 6 chiếc máy bay để phun rải chất độc, giai đoạn đỉnh cao nhất vào năm 1969, chúng sử dụng đến 25 chiếc để phun rải chất độc với các loại máy bay như: H34, C47, T28-B26 và C-123.
Đến ngày 07/01/1971, chiếc máy bay C-123 rải chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, đến ngày 31 tháng 10 năm 1971, cùng năm cũng là chuyến bay cuối cùng của quân đội Mỹ rải chất độc hóa học tại Miền Nam Việt Nam.
Trong 10 năm, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành với 19.905 phi vụ rải chất độc hóa học xuống Miền Nam Việt Nam. Đây là cuộc chiến tranh đặc biệt mà tất cả các đời Tổng thống tiền nhiệm về trước không thực hiện, kể cả Đại chiến Thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai…
Chuyến đầu tiên là chiếc may bay trực thăng mang nhãn hiệu H34 rải chất độc hóa học từ Kon Tum dọc theo quốc lộ 14 đi Đắc Tô - Tân Cảnh.
Theo số liệu thống kê: Quân đội Mỹ đã rải chất độc xuống Miền Nam Việt Nam khoảng trên 80 triệu lít thuốc hóa học. Trong đó có chứa 61% là chất Da cam, có tới 366 kg là chất Dioxin. Đã được rải xuống trên 26 ngàn thôn bản, trên 3 triệu ha (3,06 triệu ha) chiếm 24,67% diện tích tự nhiên của Miền Nam Việt Nam. Trong đó có 86% diện tích bị phun rải hai lần, 11% bị phun rải 10 lần.
Chất độc Da cam (CĐDC)/dioxin đã tác động mạnh mẽ lâu dài tới môi trường sống, tới các hệ sinh thái và sức khỏe của con người. Với gần 25% diện tích toàn Miền Nam bị phun rải chất độc hóa học, bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng thấp ven biển đến vùng đồi núi cao thuộc Bắc Trung bộ, vùng duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên,, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Trong đó có vùng Đông Nam bộ là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, có khoảng 56% diện tích tự nhiên bị phun rải, 86% lượng thuốc chất độc hóa học được phun rải ở các vùng rừng rậm, 14% lượng thuốc còn lại dùng để phun rải, phá hoại hoa màu, ruộng vườn. Chủ yếu là đồng lúa và nương rẫy ở vùng đồi núi.
Theo số liệu phân tích của các nhà khoa học trong nước và trên thế giới, thông báo loại CĐDC/dioxin là loại hóa chất độc hại nhất. Với liều lượng một picogram (ppt, phần nghìn tỷ gram), có thể gây ung thư, tai biến sinh sản ở người và di truyền tới đời con, cháu. Với liều lượng vài chục nanogram (ng, phần tỷ gram), dioxin có thể gây lập tức chết người.
Chính vì vậy mà chiến tranh đã lùi xa 46 năm, vết thương chiến tranh đã lành theo năm tháng, song nỗi đau về thể xác và tinh thần vẫn chưa nguôi đối với hàng triệu gia đình Việt Nam là những nạn nhân CĐDC/dioxin.
Theo số liệu thống kê, cả nước ta có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất dioxin, trong đó có khoảng 3 triệu người là nạn nhân chất Da cam.
Theo số liệu của các cơ quan Y tế Việt Nam, ước tính có khoảng 400.000 người đã bị chết hoặc tàn tật. Có khoảng 500.000 trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bởi chất độc hóa học này.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ước tính có khoảng một triệu nạn nhân đã bị tàn phế hoặc bệnh tật bởi chất độc này.
Hầu hết những người bị nhiễm CĐDC/dioxin ở Việt Nam là cán bộ trong kháng chiến, đi bộ đội, đi thanh niên xung phong và nhân dân sống trong vùng bị rải chất độc hóa học, một số người đã từng tham gia phục vụ cho chính quyền Sài Gòn.
Hàng vạn các nạn nhân bị nhiễm độc CĐDC/dioxin trong chiến tranh đã bị ung thư và các bệnh nan y, nay đã chết, đồng thời có nhiều nạn nhân là thế hệ con (F1), cháu (F2) sinh ra với nhiều dị dạng, dị tật bẩm sinh. Nhiều gia đình có đến 3-4 người con bị mắc bệnh do nhiễm chất độc, vừa không có sức lao động, vừa lo duy trì cuộc sống nên hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Trong cuộc chiến tranh gian khổ, ác liệt ấy, tỉnh Bắc Giang đã có hàng vạn cán bộ chiến sỹ tham gia công tác và chiến đấu ở các vùng bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học. Sau khi rời quân ngũ đã bị ảnh hưởng nặng nề do CĐDC/dioxin của quân đội Mỹ rải xuống chiến trường Miền Nam, mà hệ lụy của nó không chỉ dừng đối với bản thân mà còn cả tới đời con, cháu, chắt…mai sau.
2. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học
Ngày 23/02/2000, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg “Về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam”.
Ngày 05/7/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg “Về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam”.
Đến ngày 29/6/2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 26/2005/PL- UBTVQH11 về ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có quy định người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật…
Ngày 16/7/2012, UB Thường vụ Quốc Hội ban hành pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH-13 về sửa đổi, bổ xung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Song song với các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, thì lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng được triển khai đồng bộ: Giai đoạn năm 2000-2010, có 30 đề án cấp nhà nước (10 đề án về y tế, 13 đề án về môi trường, 7 đề án về chính sách xã hội…); Giai đoạn 2010-2015, có 12 đề tài (6 đề tài về y tế, sức khỏe, 4 đề tài về chất độc, môi trường, 2 đề tài về khoa học xã hội nhân văn) trong chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị góp phần khẳng định tác hại, hậu quả CĐDC/dioxin đối với môi trường và sức khỏe con người.
Ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XI ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Do vậy mà hiện nay ngành Thương binh Xã hội vẫn tiếp tục chỉ đạo cho các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh rà soát, hướng dẫn kê khai cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm độc hóa học, làm hồ sơ được đi giám định theo Pháp lệnh Ưu đãi số 04 của UBTV Quốc Hội ngày 16/7/2012.
Qua hơn 20 năm thực hiện chế độ đối với các nạn nhân bị nhiễm CĐDC/dioxin, tính từ năm 2000 đến năm 2005 toàn tỉnh đã có 1.710 người được hưởng chế độ; đến năm 2010 nâng lên được hơn 4.200 người; đến tháng 5/2016 được 6.117 người; đến tháng 5/2017 là hơn 6.430 người và đến năm 2020, toàn tỉnh chỉ còn 5.413 người hưởng chế độ. Trong đó người hưởng chế độ trực tiếp là: 3.950 người, số người hưởng gián tiếp là 1.436 người. (Lý do giảm là do các bệnh nhân bị bệnh tật đã qua đời).
Riêng huyện nhà (huyện Lạng Giang), tính đến nay đã có 798 người được hưởng chế độ, trong đó số người hưởng trực tiếp là: 580 người, số người hưởng gián tiếp là 218 người.
Riêng thị trấn Vôi tính đến nay đã có 82 người hưởng chế độ, trong đó số người hưởng trực tiếp là: 62 người, số người hưởng gián tiếp là 20 người.
3. Công tác xây dựng, phát triển tổ chức Hội
Tính đến nay, tổ chức Hội nạn nhân CĐDC/dioxin đã được thành lập ở 63/63 tỉnh, thành phố với 612 quận, huyện, xã, phường, thị trấn với hơn 400 nghìn hội viên.
Tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội ở 10/10 huyện, thành hội, có gần 230 xã phường, thị trấn với 17.875 hội viên ở 1.353 Chi hội thôn bản, tổ dân phố.
Tính đến nay, huyện Lạng Giang, có 21 tổ chức Hội các xã, thị trấn, với 1.765 hội viên, có 225 Chi hội ở các thôn, bản, tổ dân phố.
Riêng thị trấn Vôi: Hiện nay có 109 hội viên không kể gần 50 hội viên đã qua đời..
4. Công tác hoạt động Hội
Kể từ khi thành lập Hội đến nay, Hội nạn nhân CĐDC/dioxin thị trấn Vôi đã tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Câu lạc bộ CCB liên các tỉnh thảnh, các cơ quan, công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp, các tổ chức tập thể, các cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, các cá nhân, các nhà hảo tâm và nhân dân trên địa bàn thị trấn, phối hợp với các cấp Hội, các ban ngành đoàn thể tặng quà cho các nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền là: 91.583.000 đồng. Trong đó số tiền quà tặng là: 58.550.000 đồng; số tiền thăm hỏi là: 33.033.000 đồng.
Phát huy những truyền thống của Hội đã làm được trong những năm qua, Hội nạn nhân CĐDC/dioxin thị trấn Vôi rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị tập thể, các xí nghiệp, doanh nghiệp, các cán bộ công chức viên chức, các nhà hảo tâm đóng trên địa bàn địa phương. Đặc biệt là Câu lạc bộ CCB liên các tỉnh thành, phối hợp với các ngành có liên quan phát động các phong trào từ thiện, ủng hộ xây dựng quỹ Hội, để tăng thêm nguồn kinh phí hoạt động và trực tiếp giúp đỡ các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.