Chuyện dựng ‘tổ đại bàng’ ở Bến Tre
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Ngày hội Bến Tre – Đồng khởi khởi nghiệp 2017, ngày 19/7/2017. - Ảnh: VGP |
Gian nan còn lắm, công phu còn nhiều
Được xem là cái nôi của xứ dừa, kinh tế tư nhân tại Bến Tre dù vậy mới tập hợp được đội ngũ khoảng 3.150 doanh nghiệp (DN) - con số hãy còn khá khiêm tốn nếu so với các tỉnh lân cận ở đồng bằng sông Cửu Long (Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long …).
Có thể hiểu những thua kém ấy phần nào xuất phát từ lịch sử thiếu thuận lợi về giao thông. Ngày nay, Bến Tre đã khác xưa nhiều lắm, những khấp khểnh về hạ tầng dần được san phẳng cùng với hơi thở của kinh tế thị trường. Dẫu vậy, DN tại đây vẫn chưa tránh khỏi những khó khăn nhất định, mà điển hình nhất là chuyện thực thi chính sách.
Bà Võ Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, cho rằng khâu chuyển tải chỉ đạo và chủ trương từ các cấp quản lý nhà nước thành hành động cụ thể của cán bộ cơ sở chưa hiệu quả như mong đợi. Không nói đến thái độ nhũng nhiễu, nhưng rõ ràng những gút mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính cho DN, nhất là DN tư nhân - vốn chưa thông thạo đủ loại giấy tờ - cũng xuất phát từ sự hạn chế về năng lực cán bộ nghiệp vụ. “Họ lúng túng khi thực hiện quy trình, phải hướng dẫn DN làm đi, làm lại nhiều lần …”, bà Trang nhận xét.
Còn theo lý giải của ông Nguyễn Ngọc Thành Chung, Tổng thư ký Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại TPHCM, thì vẫn còn những thua thiệt khác khiến DN tư nhân tại đây cũng như trên cả nước gặp không ít gian nan. Bởi đa phần DN tư nhân chỉ mới ở quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính hạn chế. Dù Chính phủ có kêu gọi sự tham gia tích cực hơn của dòng vốn tín dụng dành cho nhóm đối tượng này nhưng “ngân hàng giờ vẫn quá quan tâm đến thế chấp”.
Vậy nên, nói về phát triển kinh tế một cách hình ảnh như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói là “muốn đón được đại bàng thì Bến Tre cần phải có tổ đại bàng”. Làm sao xây dựng “tổ đại bàng” từ những gian nan như thế? Hơn ai hết, lãnh đạo Bến Tre hiểu quá rõ về những bộn bề phía trước.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Bến Tre cho hay địa phương này đang tập trung hết sức để đầu tư cho hạ tầng, điện nước và hệ thống giao thông. Quỹ đất tại đây cũng đang được thống kê lại để có đánh giá chính xác nhất. Nhất là quỹ đất thuộc nhà nước quản lý. “Chúng tôi cần quỹ đất sẵn sàng cho kêu gọi DN đầu tư, nhất là với đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch”, ông Lập quả quyết.
Theo bà Võ Thị Thùy Trang, đầu năm 2017, địa phương này đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư. Trong đó có cả tổ tư vấn thủ tục thành lập DN cho startups, “không khó khăn gì để được tiếp xúc với lãnh đạo địa phương, thậm chí nếu DN bức xúc có thể gọi điện và lãnh đạo tỉnh sẽ có chỉ đạo tháo gỡ ngay những vướng mắc trong thẩm quyền địa phương”, bà Trang nói thêm.
Bến Tre cũng mạnh dạn cho lập Quỹ Khởi nghiệp cho startups từ nguồn xã hội hóa với nguồn vốn khởi động 12 tỷ đồng vào khoảng cuối năm 2017. Đây có thể chưa phải là con số lớn nhưng với một địa phương đi lên từ nông nghiệp thì một cánh cửa mới rõ ràng đang mở ra cho những ai đang khởi nghiệp nơi đây.
Với Ban quản lý quỹ là đại diện các DN, Sở Kế hoạch và đầu tư và Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp, cùng Hội đồng xét duyệt là các DN, chuyên gia trong và ngoài tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Thành Chung, Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp Bến Tre tại TPHCM hồ hởi cho hay hiện đã có hơn chục dự án của thanh niên tại Bến Tre được vay vốn từ Quỹ này với lãi suất 0%. Xa hơn nữa, với sự khuyến khích từ chính quyền, Quỹ sẽ kết nối với các quỹ đầu tư khác tại Hàn Quốc và Mỹ để thu hút thêm vốn cho các dự án tại Bến Tre, nhất là các dự án dành cho các DN ứng dụng công nghệ sinh học.
Khi DN không chỉ còn xông pha kiểu “du kích”
Nếu như những người đại diện các Hội nghề nghiệp kêu gọi sự liên kết để DN Bến Tre có thế và lực lớn hơn, để Bến Tre có thể tự lực tự cường trước khi chờ đợi dòng đầu tư từ nơi khác, thì từ phía đội quân hàng nghìn DN nhỏ tại đây, một cuộc xông pha khác cũng đang diễn ra sôi nổi.
Là đơn vị chế biến dừa hàng đầu của vùng cù lao sông nước, ông chủ Công ty Chế biến dừa Lương Quới Cù Văn Thành cho hay “năm qua dân Bến Tre bán dừa được giá cao nhưng túi lại không đầy vì cây ít trái, thiếu sản lượng cho chế biến, cung không đủ cầu”. Nhiều DN trong cộng đồng các DN chế biến dừa vì vậy đã phải dừng sản xuất 5-7 tháng liền. Tất nhiên, một phần lỗi cũng do các DN đơn điệu về sản phẩm, chưa có sự đổi mới quản trị và công nghệ cần thiết để thích nghi với thay đổi của nguồn cung. Nhưng dù sao, đại diện DN này cũng tin rằng với đà phát triển và cải tiến tích cực của DN hiện nay, những khó khăn này chỉ là trước mắt. Và 2018 sẽ là một năm thuận lợi hơn cho các DN xứ dừa.
Hay như câu chuyện của nhà xuất khẩu trái cây Chánh Thu. Tự vực dậy sau những điêu đứng do bị phá giá từ các kiểu làm ăn “chụp giựt”, hàng trái cây xuất khẩu từ Công ty này giờ đây đã có mặt ở nhiều thị trường như: Mỹ, Australia, Trung Đông. Dù các nhà máy đã được trang bị thêm máy móc, thiết bị chế biến đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường lớn nhưng bà Giám đốc Nguyễn Thị Hồng Thu cho hay vẫn chưa có ý định “thừa thắng xông lên”. Đơn giản vì “cũng cảm thấy cần thời gian để gọt giũa, đầu tư thêm cho sản phẩm”. Phải thận trọng từ lúc kết hợp nông dân chọn giống, trồng trọt đúng kỹ thuật, đến khi hình thành vùng trồng chuyên canh an toàn. “Nôn nóng chạy theo trào lưu lúc này càng rủi ro hơn cho DN mà thôi”, vị nữ giám đốc chia sẻ.
Sự cẩn trọng ấy của DN đi lên từ một địa phương thuần nông cũng có thể nhận thấy rõ qua từng bước đi của nhiều DN tư nhân khác nơi đây. Dẫu thừa nhận “DN tại Bến Tre hầu như chưa ứng dụng nhiều công nghệ vào quản trị và chế biến sản xuất, chủ yếu vẫn dựa vào tài nguyên bản địa là chính” nhưng bà Lê Thanh Trúc, Giám đốc Công ty Rượu Phú Lễ không che giấu ước vọng mang sản phẩm “cây nhà lá vườn” của mình ra thị trường thế giới. “Chúng tôi đang sắp xuất khẩu được sản phẩm đi Mỹ và Nhật rồi”, bà Trúc hào hứng tiết lộ.
Thật vậy, những tài nguyên bản địa đang được các thế hệ DN tại đây “thổi hồn” thành vô vàn sản phẩm với những màu sắc lung linh hơn. Gặp chàng trai trẻ Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch C2T sẽ thấy, câu chuyện làm du lịch của những startup “đời mới” không còn đơn giản là tổ chức tour khám phá miệt vườn, với các hoạt động phổ biến như cho du khách như tham quan, trồng rau, tát cá, làm kẹo…. Cách bán buôn truyền thống kiểu “tiền trao cháo múc” rồi “đường ai nấy đi” ấy dần dịch chuyển khi startup trẻ quyết tâm đầu tư cho khâu hậu mãi để du khách luôn có thêm động lực quay lại xứ dừa nhiều lần khác nữa.
Theo đó, những hình ảnh, trải nghiệm nơi xứ dừa sau mỗi chuyến đi đều được “vẽ” lại thành những kỷ niệm gửi đến từng du khách. Và cứ thế, đặc sản du lịch Bến Tre dưới bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng bay bổng của chàng kỹ sư công nghệ thông tin đã theo chân du khách khắp nơi vượt ra khỏi biên giới của dải đất hình chữ S để đến với những phương trời rất xa. Cách làm tưởng chừng rất giản đơn nhưng ngẫm ra là cả “một bồ” triết lý về cuộc làm làm ăn bài bản, lâu dài.
Giờ đây, thông qua các Hội nghề nghiệp, doanh nhân Bến Tre đã có thêm cơ hội kết nối với các nhà phân phối lớn như: Satra, Coopmart, Metro. Thậm chí một con đường riêng cho DN nơi này thâm nhập thị trường Hàn Quốc cũng đang được tích cực xây dựng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.