Chuyện lạ ở Thủ đô: Học sinh nghỉ 2 buổi, giảm 8 tiết mỗi tuần
Học ngày nghỉ, nghỉ ngày học
Năm học này, Trường Tiểu học Chu Văn An chỉ có bốn lớp 5 ra trường nhưng lại nhận đến 23 lớp Một, với 1.149 học sinh, là trường có số lượng học sinh đông nhất Thủ đô. Số lượng học sinh lớp Một tăng đột biến đã gây áp lực lên cơ sở vật chất của trường, vượt quá số phòng học hiện có. Vì thế, để đảm bảo việc học cho học sinh, toàn trường phải giảm số giờ học.
Thay vì được học đủ 5 ngày, tương đương 10 buổi, mỗi tuần như chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tất cả các lớp chỉ được học 4 ngày/tuần với 8 buổi/tuần và phải học luân phiên cả thứ Bảy, nghỉ hai ngày giữa tuần.
Mỗi lớp đều bị giảm 2 buổi/tuần, tương đương với 8 tiết học, so với chương trình. “Con tôi học lớp Một. Lịch học của cháu là thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy. Có lớp lại học thứ Hai, thứ Ba, nghỉ thứ Tư, thứ Năm và học tiếp ngày thứ Sáu. Ngày đúng ra phải đi học thì con nghỉ, ngày nghỉ thì con đi học,” chị Thanh M. chia sẻ.
Nhiều phụ huynh của trường rơi vào cảnh “khóc dở, mếu dở” khi có đến hai con học cùng trường và phải nghỉ luân phiên đến 4 ngày. “Tuần có 5 ngày thì có 4 ngày con phải nghỉ học ở nhà, con nhỏ nghỉ thứ Hai, thứ Ba, con lớn nghỉ thứ Tư, thứ Năm, bố mẹ đau đầu tính toán vì không thể nghỉ việc ở nhà trông con,” chị Thu H. chia sẻ.
Vừa học tiểu học, vừa học mầm non
Việc học sinh nghỉ học luân phiên vào các ngày giữa tuần đã khiến cho các phụ huynh không khỏi đau đầu khi con nghỉ mà bố mẹ vẫn phải đi làm.
Xung quanh trường cũng mọc lên hàng loạt dịch vụ đưa đón, chăm sóc, dạy học trong những ngày nghỉ luân phiên của các trung tâm, các trường mầm non, để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh.
Giá dịch vụ một ngày dao động từ 130.000 đến 150.000 đồng.
“Hai ngày nghỉ, tôi đành cho con về lại trường mầm non cũ học cùng các em 5 tuổi. Đầu tuần học mầm non, cuối tuần học tiểu học. Giá mỗi ngày là 150.000 đồng. Mỗi tháng, ngoài tiền học tiểu học, bố mẹ lại phải chi thêm 1,2 triệu đồng cho con học lại mầm non,” chị Thu P., một phụ huynh học sinh lớp Một ngao ngán nói.
Bài toán kinh tế càng nặng nề hơn đối với những phụ huynh có đến hai con cùng học trường này. Chị Thu H. cho biết, chị phải gửi con ở một trung tâm với chi phí 150.000 đồng/ngày.
“Tưởng học trường công sẽ giảm bớt chi phí nhưng lại phát sinh thêm đến 2,5 triệu đồng mỗi tháng, bằng một phần ba tiền lương của mẹ, chưa kể tiền học ở trường, các khoản học thêm,” chị H. chia sẻ.
Cắt môn kỹ năng, chèn giờ học thêm
Cũng theo chị H., vấn đề khiến nhiều phụ huynh lo lắng nhất là với việc cắt bớt thời lượng học đến 8 tiết/tuần, liệu chương trình học của con có đáp ứng được yêu cầu hay không?
“Đặt câu hỏi này với giáo viên chủ nhiệm thì cô giáo cho biết các con sẽ vẫn được đảm bảo chương trình các môn học chính, nhưng sẽ phải cắt bớt giờ học các môn kỹ năng. Tôi thấy rất tội nghiệp cho con,” chị H. nói.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều phụ huynh bức xúc là dù giờ học chính của học sinh bị giảm xuống nhưng các tiết học thêm vẫn được nhà trường tự ý xếp vào thời khóa biểu chính thức mà không hề hỏi ý kiến phụ huynh.
“Tiếng Anh Bình Minh [học tiếng Anh liên kết với Trung tâm Bình Minh-PV] học hai tiết mỗi tuần và xếp xen vào các môn học chính, khiến phụ huynh không muốn cho con học cũng khó. Trường cũng có hai buổi ghi thời khóa biểu là Quản lý cuối ngày, là thời gian kết thúc giờ học chính thì giáo viên trông thêm ngoài giờ. Như vậy, học sinh có đến 4 tiết học thêm nhưng trường không hỏi ý kiến phụ huynh mà tự ý đưa vào lịch học. Vì sao có đến 4 tiết học thêm ngoài chương trình nhưng nhà trường lại cắt tới 8 tiết học chính của các con?” - chị Thanh N. bức xúc.
Cũng theo chị Thanh N., trường tự ý xếp lịch học các môn học thêm nhưng không công bố với phụ huynh đây là chương trình học thêm và không công bố học phí. Chỉ khi trao đổi với các phụ huynh khóa trên, chị mới mới biết đó là học thêm ngoài chương trình, phải mất phí.
“Khi đó, tôi hỏi lại giáo viên mới biết là phụ huynh không có nhu cầu thì không đăng ký. Giáo viên cũng không biết năm nay học phí mỗi tháng là bao nhiêu. Theo lời các phụ huynh khóa trên thì tiền tiếng Anh là 140.000 đồng/tháng, tiền quản lý cuối ngày là 240.000 đồng/tháng. Mỗi lớp trung bình 50 học sinh thì đây là khoản tiền không nhỏ,” chị N. cho biết.
Bức xúc của chị Thanh N. cũng là nỗi niềm của rất nhiều phụ huynh.
“Con tôi năm nay đã học lớp 3, bắt đầu có chương trình tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng trường vẫn tự ý xếp lịch học tiếng Anh Bình Minh. Sau hai năm lớp Một và Hai, tôi thấy chương trình này không hiệu quả, trong khi chương trình học của con lại bị cắt giảm vì phải nghỉ học luân phiên,” chị T. nói.
Cũng theo chị T., các vấn đề bức xúc sẽ được phụ huynh kiến nghị nhà trường giải quyết trong đợt họp phụ huynh đầu năm sắp tới./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.