Cô giáo “đặc biệt” ở lớp học đặc biệt
2017-08-30 15:41:06
0 Bình luận
Dù tuổi đời còn trẻ nhưng cô giáo H’Khuin, sinh năm 1988, ở Gia Lai lại là “người mẹ hiền” của gần 20 em nhỏ tại Trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam tỉnh Gia Lai.
Theo đuổi đam mê
Sinh ra và lớn lên trong ngôi làng Chuet 1, thành phố Plây Cu (Gia Lai), hơn ai hết H’Khuin thấu hiểu nỗi đau của những gia đình có con sinh ra đã mắc các chứng bệnh bại não, bại liệt, chậm phát triển trí tuệ, nhận thức yếu nên học hành kém… Khao khát được giúp đỡ các em có cuộc sống tốt đẹp hơn, H’Khuin đã nỗ lực quyết tâm trở thành giáo viên để mong một ngày chính bản thân có thể giúp các em vượt qua nghịch cảnh này.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, H’Khuin quyết định thi vào Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương (Nha Trang). Ngay từ đầu, H’Khuin gặp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình, bạn bè vì ngành học này được coi là một ngành khó khi ra trường xin việc. Nhưng bằng tình thương với các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn, cô đã chứng minh cho mọi người thấy tài năng và niềm đam mê vượt qua mọi khó khăn trở ngại để theo đuổi giấc mơ.
Sau khi tốt nghiệp sư phạm, cô trở về với mảnh đất quê hương thân yêu của mình để “gieo mầm” cho những em khuyết tật do chất độc da cam trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Năm 2012, H’Khuin tình nguyện xin vào Trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai và làm việc cho đến bây giờ.
Những ngày đầu nhận lớp, dù đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ, nhưng khi tiếp cận công việc, làm quen với các em, cô giáo H’Khuin không tránh khỏi những bỡ ngỡ, nhất là khi các em lên cơn động kinh, co giật, la hét, đập phá đồ đạc, không tự chủ được hành vi… Việc giao tiếp với các em đã khó, dạy chữ càng khó hơn. Lớp học đặc biệt này có nhiều lứa tuổi, nhiều hoàn cảnh, nhiều dị tật khác nhau. Có em bị tự kỷ, em bị chậm phát triển trí tuệ, khiếm thính, khiếm thị, vận động khó khăn… Để quá trình giảng dạy được hiệu quả, cô giáo H’Khuin đã kỳ công chuẩn bị nhiều giáo án, khi thì chương trình cho lớp một, lúc lại lớp hai, lớp ba thậm chí đến lớp sáu nếu có em nào tiếp thu được. Hơn nữa, ở lớp học này, việc dạy đi, dạy lại một bài là chuyện thường ngày, không có gì xa lạ. Vốn là lớp học với toàn học sinh “đặc biệt” nên mỗi khi thời tiết thay đổi, việc quản lý, nuôi dạy các em cũng trở nên đặc biệt hơn bình thường, vì nếu như có ngày nắng quá, một số em cứ ngồi cười miết không biết mệt. Những ngày như thế, thay vì dạy theo chương trình, cô giáo H’Khuin phải đáp ứng yêu cầu cho các em học hát, nghe nhạc. Bây giờ nắm được tính cách của từng em, trải qua nhiều tình huống nên cô H’Khuin không còn bị “sốc” như những ngày mới dạy.
Những học trò nhỏ đặc biệt
Nét mặt đượm buồn, giọng nói trở nên nghẹn nghào khi cô giáo H’Khuin nghĩ đến những đứa trẻ của mình. Nguyễn Thanh Tùng đã bước sang tuổi 12 nhưng đi đứng không vững, ngồi không thẳng, nói không thành tiếng, thậm chí cả việc cười, khóc cũng trở nên khó khăn. Tùng hiểu tất cả những gì mọi người nói và ý thức được việc làm của mình nhưng em không làm chủ được hành vi, với đôi bàn tay luôn cử động một cách vô thức. Khó khăn khi nói, thêm vào đó Tùng có chung sở thích với các bạn bốc đất trộn với nước và xà phòng trét đầy vào trong bồn cầu, hay em xin đi vệ sinh nhưng vào trong đó tắm, nghịch nước mãi không ra khiến việc dạy các em cách đi vệ sinh cũng là một quá trình rất khó khăn đối với cô giáo H’Khuin.
Hay em Lê Ngọc Trung (10 tuổi) đứng ngồi không yên, cứ khoảng hai đến ba phút em lại đi vệ sinh, khi nào nhớ thì chạy vào nhà vệ sinh, quên thì “đi” ra ngay lớp. Những ngày đầu, cả trung tâm đã phải vất vả liên tục đi tìm em, giờ đây, em đã thay đổi nhiều, em biết nghe lời, biết tự ăn cơm và không còn bỏ chạy như trước.
Cô giáo H’Khuin trải lòng: “Với tôi, để gần gũi các em, giúp các em thay đổi nhận thức, hành động, ngoài tình yêu thương thì bản thân luôn phải kiên trì, nhẫn nại vì các em tiếp thu còn chậm, lại nhanh quên. Ngay cả khi các em làm sai, cũng cần phải kiên trì dỗ dành, tâm sự giúp cho các em hiểu và nhận thức lại đúng sự việc. Ngoài những lúc dạy học, dạy viết, tôi còn chăm bón từng thìa cơm, miếng bánh và tắm giặt, vệ sinh cho các em. Hằng tuần, các em đều được y, bác sĩ tại trung tâm châm cứu, kiểm tra sức khỏe. Cùng với các bài luyện tập chân tay cũng được lồng ghép xen kẽ giữa các buổi học chữ, học hát. Cũng nhờ luyện tập, một số bệnh ở thể nhẹ như teo cơ, dị tật về chân tay, liệt bán thân của các em đã có nhiều chuyển biến tích cực”.
Qua thời gian được chăm sóc và học tập, giờ đây, các cô cậu học trò của cô giáo H’Khuin đều tiến bộ rõ rệt, sức khỏe tốt, lanh lợi hơn, tính tình cũng trở nên ôn hòa, cởi mở hơn. Các em không còn la hét, đập phá đồ đạc trong lớp học như trước và có ý thức trong sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh cá nhân… Đặc biệt, một số em bị tự kỷ, khó khăn về ngôn ngữ, tăng động giảm tập trung chú ý, không chịu ngồi yên một chỗ… đến nay đã từng bước chịu ngồi lắng nghe cô phát âm và bắt chước.
Sau gần năm năm đồng hành cùng các em nhỏ tại trung tâm, dù chặng đường chông gai và khó khăn là vậy, song mỗi ngày được làm công việc mình yêu thích, được chứng kiến các em biết thêm một việc, học thêm một chữ, được các em dành tình yêu mến, chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của cô giáo H’Khuin. Cô luôn cố gắng cống hiến sức trẻ, lòng nhiệt huyết của mình để nuôi dưỡng ước vọng cho các em có thêm nhận thức, hòa nhập với xã hội. Bản thân cô H’Khuin cũng luôn tìm tòi, học hỏi các phương pháp dạy mới, bài tập luyện phù hợp để xoa dịu nỗi đau da cam, những thiệt thòi, thiếu thốn, xua đi mặc cảm, ngăn cách để các em có thêm niềm tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Nhân Dân