Có hay không việc thầy giáo làm ngơ trước Quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo?
Sau khi nhận được thông tin, PV Tạp chí Điện tử Hòa nhập đã liên hệ và trao đổi thông tin hai chiều với ông Trương Ngọc Thắng tại Trường THCS Phát Diệm. Qua trao đổi ông Thắng cho biết: Những hình ảnh được ghi trong clip mà độc giả cung cấp đúng là nhà của mình và ông không tổ chức dạy thêm mà chỉ kèm gia sư cho một cháu tại nhà hàng xóm.
Trường THCS Phát Diệm - nơi ông Trương Ngọc Thắng đang công tác giảng dạy |
Cũng theo ông Thắng nói: Bọn mình vẫn được phép đi kèm gia sư chứ không dại gì thực hiện trái Thông tư. Bởi vì ở đây người ta cấm dạy thêm, học thêm, tất cả dạy thêm, học thêm phải có giấy phép, phải được cấp phép nhưng ngược lại không phải là người làm trong ngành…
Tuy nhiên, theo thông tin mà độc giả cung cấp thì sau giờ tan học thêm, học sinh đi ra từ nhà thầy Thắng tương đối đông, xe đạp để ở trong sân cũng nhiều. Hỏi về vấn đề này ông Thắng cho biết: Hôm đó, có một số học sinh đến nhà ông để chuẩn bị cho công tác Đại hội Chi đội.
Cổng nhà ông Trương Ngọc Thắng - nơi được cho là ông tổ chức dạy thêm cho học sinh?! |
Để làm rõ vấn đề này, PV Hòa nhập đã liên hệ với ông Đỗ Xuân Thụy, Hiệu trưởng Nhà trường để xác nhận lại thông tin. Trao đổi qua điện thoại ông Thụy cho biết: Nhà trường chỉ quản lý việc dạy thêm, học thêm ở trong nhà trường còn nếu ngoài nhà trường thì chỉ hướng dẫn cho người ta làm các thủ tục hồ sơ. Trường hợp của thầy Trương Ngọc Thắng là được Phòng Giáo dục cấp phép, hết thời hạn năm trước là hết tháng 5, đến năm học 2018-2019 thì bắt đầu từ tháng 9.
Học sinh tan học và theo hình ảnh ghi lại được thì trong sân vẫn còn rất nhiều xe đạp của học sinh đến tham gia học thêm?! |
Trước thông tin trái chiều giữa giáo viên và người quản lý tại Trường THCS Phát Diệm chúng tôi tìm đến ông Đỗ Như Đường, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Kim Sơn để xác nhận lại vấn đề nêu trên. Trao đổi với PV ông Đường cho biết: Đối với các thầy đang giảng dạy thì không được cấp phép dạy thêm và đối với trường hợp của thầy Thắng là không được cấp phép.
Qua tìm hiểu thông tin và ý kiến của phụ huynh (xin được dấu tên) có con học thêm tại nhà thầy Trương Ngọc Thắng thì được biết: Con tôi học thêm ở nhà thầy Thắng đã được mấy tháng và hiện tại vẫn đang học ở đấy. Theo tôi được biết thì thầy Thắng tổ chức dạy thêm cho gần 20 học sinh, mỗi buổi thu 30.000đ/một học sinh, một tháng 8 buổi là 240.000đ. Hiện tại, con của phụ huynh này đang theo học tại Trường THCS Phát Diệm.
Phụ huynh này cũng chia sẻ thêm: Con tôi đi học về có nói thầy Thắng dặn, đợt vừa rồi có báo chí vào nên hễ ai hỏi thì bảo không học, nếu học thì cất xe cất cộ cẩn thận và giờ ra chơi không được ra ngoài.
Với những gì mà chúng tôi tìm hiểu được thì đang có sự chênh lệch về thông tin. Hiệu trưởng Trường THCS Phát Diệm thì nói thầy Thắng được Phòng Giáo dục cấp phép dạy thêm và Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Kim Sơn lại khẳng định là không được cấp phép theo Thông tư 17 của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Như vậy, ở cấp độ quản lý ngành dọc giáo dục tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình đang làm cho độc giả khó hiểu và dư luận đặt ra câu hỏi: Nếu quản lý về vấn đề dạy thêm, học thêm tại đây đang có sự không đồng bộ như vậy thì liệu những chủ trương, chính sách của Bộ Giáo dục - Đào tạo có đi vào đời sống?! Và, ở một ngành được xã hội tôn vinh là “trồng người” thì liệu chất lượng ở đây sẽ như thế nào?! Liệu có hay không việc thầy giáo làm ngơ trước quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo?!
Những hình ảnh "đẹp" của một thầy giáo và là đảng viên khi tiếp khách đến Trường làm việc. |
Qua trao đổi thêm với ông Đỗ Xuân Thụy về vấn đề cán bộ thì được biết thầy Thắng là đảng viên, mới chuyển về dạy ở Trường hơn một năm nay. Như vậy, có một vấn đề mà PV chúng tôi cảm thấy rất e ngại trong cách cư xử của thầy giáo Trương Ngọc Thắng đối với khách đến liên hệ làm việc. Với hình ảnh ngồi tiếp chúng tôi mà chân đạp lên bàn và tay phì phèo điếu thuốc lá, dáng ngồi ngả nghiêng thì không biết học sinh nhìn vào sẽ học được gì qua cách ứng xử của thầy Thắng? Nhìn vào hình ảnh đó dư luận than rằng: Là một thầy giáo và là một đảng viên mà có cách hành xử như vậy thì liệu học sinh do thầy giáo dục sẽ như thế nào…?!
Trao đổi về vấn đề vừa nêu ông Thụy và Trưởng Phòng Giáo dục Kim Sơn khẳng định đó là điều không nên và không được dùng thuốc lá trong đơn vị, cơ quan. Và, lãnh đạo nhà trường cũng như lãnh đạo phòng giáo dục cho biết sẽ nhắc nhở và xử lý việc này.
Theo quan điểm của ông Đường về thông tin vụ việc nêu trên, ông Đường sẽ tổ chức cuộc họp triệu tập Hiệu trưởng THCS Phát Diệm cùng thầy Thắng lên Phòng để xử lý, kiểm điểm nghiêm việc dạy thêm, học thêm ở nhà và cách ứng xử thiếu văn hoá của thầy Thắng (nếu có sai phạm).
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.