Cục Y tế Giao thông vận tải “vẽ vời” dự án để... giữ đất vàng?
Hai lần bị thu hồi
Cơ quan chủ quản của Phòng khám là Cục Y tế GTVT, Bộ GTVT.
Ngày 25/8/2003, Phòng khám được UBND tỉnh Thanh Hóa giao 8.605,5m2 để sử dụng
vào mục đích xây dựng phòng khám đa khoa có giường bệnh. Do không triển khai
nên ngày 7/1/2009, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 59/QĐ-UBND thu
hồi 8.605,5m2 đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giao Trung tâm Phát triển
quỹ đất quản lý.
Phòng khám đa khoa GTVT Thanh Hóa |
Năm 2011, Phòng khám được UBND tỉnh Thanh Hóa “ưu ái” cho phép tiếp tục triển khai, song tới nay Phòng khám mới xây dựng được các hạng mục công trình, gồm: Nhà khám và điều trị 3 tầng, nhà để xe, nhà thường trực, cổng chính, cổng phụ, trạm điện và trạm bơm xử lý nước, tường rào bao quanh khu đất và đường nội bộ, điện chiếu sáng.
Theo Văn bản số 1147/STNMT-TTr ngày 5-3-2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thanh Hóa: Các hạng mục nói trên được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2012. Diện tích đã đưa vào sử dụng khoảng 3.611/8.605,5m2. Ngày 6/12/2017, Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét việc thực hiện dự án và sử dụng đất, đã yêu cầu Phòng khám báo cáo cơ quan chủ quản có phương án cụ thể về lộ trình sử dụng đất và cam kết hoàn thành đầu tư dự án trong năm 2018, gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở TN&MT trước ngày 30/1/2018 để xem xét nhưng Phòng khám không thực hiện.
Vì vậy, ngày 16/3/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định thu hồi 4.993,62m2 đất của Phòng khám do vi phạm điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.
Giao đất một đàng, thực hiện một nẻo
Phòng khám được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất để xây dựng phòng khám đa khoa có giường bệnh. Nhưng khi lập quy hoạch, đơn vị này lại bố trí 2.400m2 đất để xây 2 tòa nhà chung cư 10 tầng. Khó hiểu hơn cả là một bản quy hoạch không phù hợp với chức năng, mục đích sử dụng đất như vậy nhung Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa vẫn thẩm định, phê duyệt tại Văn bản số 657/SXD-TĐ ngày 4/5/2006. Điều này cũng được ông Đào Ngọc Quy, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa khẳng định tại Văn bản số 1147/STNMT-TTr.
Thứ nữa, theo Quyết định số 694/QĐ-BGTVT ngày 3/4/2012 của Bộ GTVT phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển hệ thống GTVT giai đoạn đến năm 2020, Phòng khám được cấp vốn đầu tư nâng cấp lên thành Bệnh viện Đa khoa hạng III trong giai đoạn từ 2012-2015 nhưng đến nay, đã hết thời hạn thực hiện lộ trình hơn 2 năm, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Ghi nhận của chúng tôi chiều 4/6/2018, khu đất Phòng khám được UBND tỉnh Thanh Hóa giao có vị trí vô cùng đắc địa, với 4 mặt tiền. Song phần lớn khu đất hiện chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí. Còn khu vực vỉa hè phía sau Phòng khám bị người dân chiếm dụng để làm nơi tập kết vầu; xung quanh rác thải vứt bừa bãi; có điểm cỏ, cây bụi mọc cao ngang bụng; một góc phòng khám thành... quán bia.
Quán ăn nhậu mọc xung quanh khu đất "vàng" trong đề án nâng cấp bệnh viện hàng III của Cục Y tế GTVT |
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Dung, Phó cục trưởng Cục Y tế GTVT cho biết: Kinh phí Nhà nước dành cho đầu tư còn hạn chế, Bộ GTVT phải bố trí nguồn vốn cho các công trình dự án trọng điểm của ngành nên dự án chậm triển khai so với thời gian. Còn việc xây dựng 2 tòa chung cư trên khu đất trong dự án không được Bộ GTVT chấp thuận. Một cán bộ Phòng khám cũng xác nhận với phóng viên hiện nay Bộ GTVT chưa bố trí được nguồn vốn.
Không bố trí được vốn, vẫn vẽ dự án để giữ đất?
Mặc dù dự án Phòng khám chưa bố trí được nguồn vốn, quy hoạch
sai mục đích, chậm thực hiện nhiều năm. Nhưng 14/2/2018, Cục Y tế GTVT vẫn “vẽ
vời” đề nghị được tiếp tục sử dụng đất, với lý do: “Phòng khám được Bộ GTVT quy
hoạch nâng cấp thành Bệnh viện Đa khoa hạng III với 100 giường bệnh. Nếu thu hồi
sẽ không đáp ứng được nhu diện tích xây dựng. Khu đất đã được UBND tỉnh Thanh
Hóa thống nhất để Phòng khám giữ lại tiếp tục sử dụng tại Công văn số
7776/UBND-KTTC ngày 5/5/2015. Cục Y tế GTVT đã xây dựng Đề án trình Bộ GTVT để
nâng cấp phòng khám lên Bệnh viện hạng III”.
Không bố trí được nguồn vốn đầu tư, nhưng Cục Y tế GTVT vẫn giữ đất như bãi hoang |
Điều này là bất hợp lý, bởi sát sườn Phòng khám đã có Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (bệnh viện hạng II) với 800 giường bệnh. Nếu Phòng khám được nâng cấp lên Bệnh viện Đa khoa hạng III, liệu có thể cạnh tranh? Trong khi chiều 4/6, khi mục sở thị phòng khám, chúng tôi thấy nhu cầu khám chữa bệnh tại Phòng khám không cao. Cả Phòng khám chỉ lèo tèo một hai bệnh nhân.
Một lý do khác là ngày 3/2/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 208/QĐ-TTg, quy hoạch: “Đến năm 2020, 16 đơn vị sự nghiệp y tế của Bộ GTVT sẽ hoạt động theo cơ chế tự chủ; thực hiện cổ phần hóa Bệnh viện Nam Thăng Long, Bệnh viện GTVT Vinh, Bệnh viện GTVT Đà Nẵng”. Trước đó, vào năm 2015, Chính phủ đã thí điểm chủ trương cổ phần hóa đơn vị Bệnh viện GTVT. Sau đó, Bộ GTVT đã mời và Tập đoàn T&T đã nộp hồ sơ đề xuất, được lựa chọn làm nhà đầu tư chiến lược theo đúng quy định và đã ký kết hợp đồng mua bán cổ phần vào ngày 6-10-2015.
Vậy Cục Y tế GTVT kiến nghị giữ lại đất để nâng cấp Phòng khám lên Bệnh viện Đa khoa cấp III nhằm mục đích gì, trong khi Chính phủ đang chủ trương cổ phần hóa bệnh viện, chuyển các đơn vị hoạt động theo cơ chế tự chủ? Dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng chỉ lấy cái cớ để... giữ đất vàng?
Cần xử lý trách nhiệm và kiên quyết thu hồi dự án
Ngày 19-4-2018, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 2226/STNMT-TTr gửi Cục Y tế GTVT, đề nghị cục này cung cấp Đề án nâng cấp phòng khám lên Bệnh viện hạng III về UBND tỉnh Thanh Hóa (gửi 1 bản về Sở TN&MT) trước ngày 25/4/2018 để được xem xét việc sử dụng đất của Phòng khám. Nếu Cục Y tế không cung cấp được Đề án nêu trên, Sở TN&MT sẽ lập hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đến ngày 09/05/2018, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa
vẫn chưa nhận được đề án từ Cục y tế GTVT. Song, thay vì lập hồ sơ, thủ tục
trình UBND tỉnh quyết định thu hồi thì Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa lại có phần
nể nang, khi tiếp tục gửi Công văn số 2672/STNMT-Ttr đề nghị Cục y tế GTVT gửi
đề án về UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở TN&MT trước ngày 20/05/2018.
Thiết nghĩ, đã đến lúc UBND tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo kiên quyết thu hồi dự án Phòng khám “rùa bò” của Cục Y tế GTVT, Bộ GTVT; đồng thời xử lý trách nhiệm của lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh thời kỳ 2006 khi thẩm định, phê duyệt một bản quy hoạch sai mục đích sử dụng đất. Về phía Bộ GTVT, cần trả lại dự án; đồng thời xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan khi để một dự án “rùa bò” suốt 15 năm không hoàn thành; xem xét, xử lý trách nhiệm của lãnh đạo Cục Y tế GTVT và Trưởng Phòng khám thời kỳ 2006 và các cá nhân liên quan khi lập quy hoạch sử dụng đất Phòng khám sai mục đích.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.