Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
Đi lên từ gian khó
Tạm gác lại công việc để tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm khiêm tốn tại một góc của khu đất rộng gần hơn 20.000m² tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), người cựu chiến binh già kể lại câu chuyện về cuộc đời mình và việc bén duyên với nghề. Năm 1979, khi vừa tròn 17 tuổi, cũng như bao thanh niên yêu nước thời điểm đó, ông Phan Nhân Lợi tình nguyện nhập ngũ và được điều vào đóng quân tại Đại đội 16, Trung đoàn 169, Sư đoàn Bộ binh 311, chiến đấu ở mặt trận Cao Bằng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau 4 năm, ông phục viên, trở về địa phương, tham gia Hội Cựu chiến binh xã và tập trung phát triển kinh tế gia đình. Thời điểm đó, ông làm đủ mọi việc nhưng kinh tế gia đình vẫn không cải thiện được nhiều.
Đến năm 2003, gia đình ông nhận thầu khu đồng trũng của xã, quanh năm ngập nước để đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp. Ông Lợi tâm sự: “Lúc bấy giờ, cả gia đình tôi đã dùng toàn bộ số tiền tích góp được, lại vay mượn thêm từ bên ngoài nên tôi cũng lo lắng lắm. Thành công thì cả nhà thoát nghèo nhưng nếu thất bại chỉ còn nước chết đói”.
Phương pháp nuôi cá “sông trong ao” không chỉ giúp gia đình ông Lợi nâng cao thu nhập mà còn góp phần cải thiện môi trường, tạo ra nguồn thủy sản sạch. |
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên ông còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên với ý chí quyết tâm, vừa học, vừa làm, hiện nay, tổng diện tích trang trại của ông đã lên tới hơn 20.000m² với nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như: Bưởi Diễn, ổi, nhãn...
Ngoài ra, ông cũng dành một phần diện tích để xây dựng 4 ao nuôi baba, hàng năm cho thu nhập gần 300 triệu đồng. Được biết, ông Lợi bắt đầu nuôi ba ba từ năm 2011, đến nay đã được 8 năm. Gia đình ông cũng là hộ gia đình duy nhất trong xã theo đuổi và nuôi ba ba thành công. “Baba rất dễ bán, khi nào đến lứa đều bán được, nhiều khi tôi còn không có đủ nguồn để cung ứng ra thị trường. Giá ba ba thường ổn định từ 450.000 – 500.000 đồng/kg. Hiện tại, gia đình tôi có 4 ao đều đang nuôi các loại baba gai và baba Sông Hồng với tổng số 1.300 con. Hàng năm, tôi nhập giống 1 ao và xuất 1 ao, điều đó đảm bảo năm nào gia đình tôi cũng có ba ba để bán” - ông Lợi cho biết.
Nuôi cá chép ứng dụng công nghệ “sông trong ao"
Điều đáng ghi nhận ở cựu chiến binh Phan Nhân Lợi là ông đã phát huy được phẩm chất, truyền thống bộ đội Cụ Hồ, dám nghĩ, dám làm và luôn học hỏi, tìm tòi cái mới. Cuối năm 2017, ông Lợi và một số hộ nuôi trồng thủy sản được Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân xã cho đi tham quan mô hình nuôi cá bằng công nghệ “sông trong ao” tại Hưng Yên, Hải Dương và một số huyện như Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thường Tín. Nhận thấy đây là công nghệ nuôi cá mới rất tiên tiến của Mỹ, cho năng suất cá có thể đạt 30 - 40 tấn/bể, cao gấp nhiều lần so với cách nuôi hiện tại của gia đình nên ông Lợi đã thực sự bị cuốn hút và quyết tâm phải làm được như vậy.
Đến đầu năm 2018, ông đã làm đơn xin tham gia mô hình nuôi cá chép ứng dụng công nghệ “sông trong ao” và được lựa chọn. Mặc dù là mô hình thí điểm nhưng ông Lợi đã mạnh dạn xây 2 bể với kích thước: Rộng 5m, dài 20m, sâu 2.5m, dốc về phía đuôi và có hệ thống xử lý phân ở cuối bể. Số lượng cá nuôi tối đa 5.000 con/bể (chủ yếu là cá chép và cá trắm). Chi phí đầu tư mỗi bể khoảng 150 triệu đồng.
Cựu chiến binh Phan Nhân Lợi |
Chỉ sau một thời gian nuôi, ông đã cảm nhận được sự khác nhau khi nuôi cá theo phương pháp mới với khi nuôi truyền thống, sản lượng nuôi được tăng lên, sản phẩm đảm bảo vệ sinh thực phẩm do không phải dùng đến thuốc kháng sinh, cá nuôi phát triển rất nhanh do được vận động thường xuyên, định kỳ có sử dụng chế phẩm sinh học. Đặc biệt, nhờ tuân thủ rất nghiêm túc những quy định trong phương pháp nuôi trồng thủy sản mới như xử lý nước ao định kỳ, cho ăn theo 4 đúng (đúng lượng, đúng liều, đúng lúc, đúng cách) nên từ khi thả đến nay cá nhà ông không bị xảy ra tình trạng chết như trước kia.
Theo ông Lợi, cái khó nhất của mô hình nuôi cá “sông trong ao” là phải luôn đảm bảo cung cấp đủ ô-xy cho cá 24/24 giờ. Nếu mất điện, phải có máy phát dự phòng, đảm bảo hệ thống thổi khí luôn hoạt động. Nguồn thức ăn cho cá là cám viên tổng hợp. Bình quân, cho cá ăn 3 lần/ngày, mỗi lần hết một bao cám. Nếu như trước đây, cũng loại cá này nhưng nuôi trong ao đất theo cách truyền thống, cho ăn bằng cám ngô, gạo phải hơn một năm mới được một lứa thu hoạch thì nay khoảng 7 tháng được một lứa. “Ưu điểm của mô hình nuôi cá “sông trong ao” là dễ quản lý môi trường, dịch bệnh và thu hoạch không vất vả.
Chỉ cần 2 người là có thể thu hoạch toàn bộ lượng cá trong ao; nhờ vậy giúp giảm chi phí nhân công, chủ động được thời gian, số lượng cá khi thu hoạch, không gây ảnh hưởng đến lượng cá còn lại trong ao, từ đó không bị thương lái ép giá. Sau thu hoạch, có thể thả con giống nuôi mới ngay mà không mất nhiều thời gian xử lý đáy ao, giúp rút ngắn chu kỳ nuôi. Mặt khác, cá nuôi trong bể sạch, được sục khí, hút phân thường xuyên nên không có mùi tanh” - ông Lợi chia sẻ.
Nhận xét về hội viên của mình, ông Nguyễn Tuấn Văn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sài Sơn cho biết: “Ông Phan Nhân Lợi là một trong những hội viên thuộc Hội Nông dân xã Sài Sơn làm kinh tế giỏi, thu nhập từ kinh tế trang trại luôn ổn định, làm giàu bền vững, là một trong những người đi tiên phong trong việc tiếp thu khoa học kỹ thuật, được coi là khung hình trang trại kiểu mẫu cần được tuyên truyền nhân rộng trên toàn xã, toàn huyện”.
Đặc biệt, dù công việc bận rộn nhưng ông Phan Nhân Lợi vẫn luôn dành thời gian để chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ người dân trong thôn, xóm về kỹ thuật chăn nuôi làm giàu chính đáng từ vườn cây, ao cá của mình.
Đầu năm 2018 Trung tâm khuyến nông phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tổ chức khảo sát, kiểm tra chọn điểm cho hộ tham gia mô hình. Kết quả đã chọn được 05 hộ tham gia mô hình với quy mô 5 ha tại các huyện, trong đó: Quốc Oai (2 ha), Thường Tín (1 ha), Phú Xuyên (2 ha). Mỗi hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cá giống (tương đương 15.000 con cá chép giống V1), 30% thức ăn và chế phẩm sinh học.
Mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng hệ thống sông để luôn duy trì dòng chảy trong ao nước tĩnh với việc thổi khí và quạt nước liên tục 24/24h hàm lượng oxy luôn đạt trên 5 mg/l, mật độ cao 60 con/m3 cao gấp 20 lần so với nuôi thông thường. Tỷ lệ cá sống cao khoảng 87%, cá lớn đều, tăng trưởng cao hơn 2-3 lần so với nuôi thông thường.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.