Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế TP.HCM

2018-06-24 10:52:13 0 Bình luận
Ngày 23/6, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội thảo. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)


Báo cáo tại hội thảo, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sau gần ba năm triển khai thực hiện chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016-2020, kinh tế Thành phố đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, môi trường đầu tư được cải thiện, niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư được nâng lên. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2017 kinh tế Thành phố duy trì được mức tăng trưởng bình quân là 8,2%/năm, đạt kế hoạch đề ra.

Nội bộ các ngành kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, phát huy lợi thế so sánh và điều kiện thuận lợi của từng ngành để phát triển và tăng cường hội nhập. Nguồn lực đầu tư được huy động, môi trường đầu tư được cải thiện, các chính sách khuyến khích phát triển của Nhà nước đã bắt đầu phát huy tác dụng. Doanh nghiệp, lực lượng sản xuất vật chất của cải cho xã hội tăng nhanh cả về lượng và vốn đầu tư, vai trò của doanh nghiệp tiếp tục tăng và đóng góp ngày càng nhiều cho phát triển.

Tuy nhiên, theo ông Sử Ngọc Anh, chất lượng tăng trưởng kinh tế của Thành phố nhìn chung chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế, tăng trưởng của khu vực dịch vụ và công nghiệp-xây dựng còn chậm; chính sách khuyến khích khoa học công nghệ chưa phát huy hiệu quả tối đa; hiệu quả sử dụng vốn, năng suất lao động có tăng nhưng chưa bền vững; cơ cấu sử dụng đất chưa phù hợp với cơ cấu kinh tế. Nội bộ các ngành sản xuất có sự chuyển biến nhưng hàm lượng giá trị gia tăng còn thấp, tỷ lệ sản xuất gia công còn cao do đó sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hàng hóa chưa mạnh.

Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Thành phố tăng nhưng so với cả nước đã giảm dần về tỷ trọng, hàng hóa truyền thống xuất khẩu chậm, thị trường xuất khẩu tập trung vào một số nước, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Hơn nữa, hệ thống hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng vẫn chưa đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố hiện nay.

Phát biểu định hướng thảo luận tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016-2020 là một trong bảy chương trình đột phá của Thành phố.


Hội thảo khoa học thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)


Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều không gian và nguồn lực phát triển như đất đai, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, khả năng thu hút nguồn vốn nhưng chưa phát huy hết hiệu quả để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, lãnh đạo Thành phố mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tập trung phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp cụ thể để Thành phố nghiên cứu, triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng để nâng cao chất lượng tăng trưởng Thành phố Hồ Chí Minh cần chuyển từ mô hình nền kinh tế chú trọng yếu tố đầu vào sang mô hình hiệu quả, đổi mới, sáng tạo hướng đến các mục tiêu dài hạn với các nguồn lực là công nghệ, cơ sở hạ tầng và thể chế. Đồng thời, nâng cao năng suất quản lý điều hành chung bằng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho các giao dịch công cũng như đầu tư cho con người để đảm bảo khâu thực thi hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh liên kết và mở rộng không gian phát triển bằng việc thúc đẩy hoàn thiện kết cấu hạ tầng gắn với các đô thị vệ tinh nhằm kéo giãn mật độ dân số khu vực trung tâm. Mặt khác, phải tái cấu trúc không gian sản xuất và kinh doanh trên địa bàn Thành phố và tập trung đào tạo lao động có kỹ năng, trình độ cao cho các ngành mà Thành phố đang và sẽ ưu tiên phát triển.

Giáo sư Nguyễn Thị Cành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế-Tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế-Luật Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, muốn nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế cần tập trung vào các yếu tố là vốn đầu tư, cơ cấu đầu tư; đào tạo lao động chất lượng cao và phát triển thị trường. Theo đó, cần thu hút các nguồn vốn và đầu tư hiệu quả vào các dự án phát triển chiều sâu, đổi mới công nghệ. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ vốn hữu hiệu hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần ưu tiên cho các dự án đầu tư công nghệ cao để giảm bớt các ngành thâm dụng lao động.

Trên phương diện quản lý Nhà nước, cần có mô hình kinh tế dịch chuyển theo hướng thúc đẩy tăng trưởng bền vững, phân bổ nguồn lực hợp lý. Song song đó, phải chú trọng đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu theo hướng nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm chi phí nhập khẩu. Mặt khác, cần có cơ chế phối hợp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu của các đơn vị doanh nghiệp, các cơ quan hành chính sự nghiệp với các cơ sở đào tạo, trường đại học, cao đẳng, nghề...

Tiến sỹ Lương Văn Khôi, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-Xã hội quốc gia nhận định về cơ bản, những yếu tố mang tính cốt lõi, động lực chính cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo tập trung vào ba nhóm yếu tố là khu vực kinh tế tư nhân, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động.

Vì vậy, để tạo đà và nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố cần dựa trên nền tảng kinh tế chia sẻ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cụ thể, Thành phố cần có chiến lược, chính sách tăng năng suất cho các doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất một cách cụ thể và có tính thực thi cao. Bên cạnh đó, cần xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu cho các ngành sản xuất theo hướng doanh nghiệp lớn đóng vai trò đóng dẫn dắt, doanh nghiệp vừa ở lớp thứ 2 và các doanh nghiệp nhỏ ở lớp cuối của chuỗi.

Một giải pháp khác được nhiều chuyên gia khuyến nghị là tăng cường sự kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận để mở rộng dư địa phát triển và phát huy tốt lợi thế của cả vùng. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất cơ chế liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò trung tâm tài chính, công nghệ cao và đầu mối thương mại.

Việc áp dụng cơ chế liên kết vùng chặt chẽ sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương xây dựng được các chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là điểm tập kết, sản xuất tinh chế hoặc xuất khẩu hàng hóa giải quyết bài toán đầu ra cho các sản phẩm công-nông nghiệp trong vùng, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng là 1 trong 3 điểm cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm ‘tập kết ra Bắc’

Theo kế hoạch, Hải Phòng sẽ là một trong 3 điểm cầu truyền hình trực tiếp chương trình kỷ niệm 70 năm “tập kết ra Bắc”. Đây là sự kiện nhằm ghi nhớ những mốc son lịch sử của dân tộc ta, được diễn ra vào lúc 20 giờ, ngày 16/11.
2024-11-08 19:48:51

Khẳng định quyền tiếp cận công bằng với kiến thức pháp luật dành cho người khiếm thị

Sáng ngày 8/11/2024, vòng chung khảo cuộc thi tuyên truyền viên pháp luật giỏi dành cho người khiếm thị đã được tổ chức thành công tại Hà Nội, với sự tham gia của các thí sinh xuất sắc từ vòng sơ khảo ngày 17/10.
2024-11-08 16:19:36

Quảng Ninh: Dân ca độc đáo Nghệ thuật hát Đúm được bảo tồn và phát triển

Loại hình dân ca độc đáo “hát Đúm” xuất hiện từ rất lâu đời ở vùng ven biển Quảng Ninh, đặc biệt tại thị xã Quảng Yên đang rất cần được bảo tồn. Việc lan toả nghệ thuật hát Đúm ngày một rộng rãi trong đời sống nhân dân, góp phần bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hoá truyền thống này là hết sức cần thiết.
2024-11-08 16:10:54

Quảng Ninh: Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV

Trong 2 ngày 8-9/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV-2024 long trọng được tổ chức với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”.
2024-11-08 16:06:14

Quảng Ninh: TP Uông Bí Xây dựng “Xã, phường sạch ma tuý”

Với nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy, qua đó góp phần đảm bảo ANTT, giữ vững địa bàn an toàn, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân đang được TP Uông Bí (Quảng Ninh) triển khai quyết liệt thời gian qua.
2024-11-08 16:02:55

Tạp chí Phổ biến Pháp luật Việt Nam có tân Tổng Biên tập

Sáng nay (8/11), Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Nhà báo Nguyễn Thành Đoàn giữ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Phổ biến Pháp luật Việt Nam.
2024-11-08 09:57:32
Đang tải...