Điểm mới trong quy định đào tạo tiến sĩ
Nhiều quy định mới được đưa ra trong Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ |
Chặt chẽ từ đầu vào
Theo quy định mới, người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ phải đáp ứng các điều kiện có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ. Điều này đã chặt chẽ hơn so với quy định cũ, những người tốt nghiệp đại học loại khá cũng có thể ứng tuyển tiến sĩ.
Bên cạnh đó, người dự tuyển còn phải là tác giả 01 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn 03 năm (36 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
Ở quy chế này, ngoại ngữ được xác định là công cụ hỗ trợ không thể thiếu cho nghiên cứu sinh trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học. Vì vậy, ứng viên dự tuyển phải có trình độ ngoại ngữ đầu vào (đặc biệt là tiếng Anh) đạt chuẩn ở mức độ nhất định để đảm bảo có thể nghiên cứu, tham khảo tài liệu của nước ngoài trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học và hoàn thiện luận án. Cụ thể, người dự tuyển phải có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
Quy định mới cũng không sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn châu Âu hiện được 10 trường ĐH thi và cấp chứng chỉ như trước đây mà chỉ sử dụng các chứng chỉ quốc tế tương đương.
Ngoài ra, quy chế cũng yêu cầu nghiên cứu sinh phải công bố kết quả nghiên cứu của luận án trong các tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus hoặc báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc trong các tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện trước thời điểm luận án được thông qua ở đơn vị chuyên môn.
Người hướng dẫn phải là cán bộ cơ hữu
Quy chế cũng quy định người hướng dẫn độc lập phải là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo hoặc là nhà khoa học người nước ngoài, nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài có hợp đồng giảng dạy, nghiên cứu khoa học với cơ sở đào tạo.
Mỗi nghiên cứu sinh sẽ có tối đa hai người hướng dẫn, trong đó ít nhất phải có một người là giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở đào tạo.
Tiêu chuẩn người hướng dẫn chính và người hướng dẫn phụ cũng được quy định rõ trong trường hợp đồng hướng dẫn.
Các tiêu chuẩn, điều kiện đối với người hướng dẫn NCS cũng được nâng cao so với quy định hiện hành.
Cụ thể, người hướng dẫn chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư hoặc có bằng tiến sĩ khoa học hoặc tiến sĩ, chuyên môn phù hợp với đề tài luận án hoặc lĩnh vực nghiên cứu của NCS.
Đối với người chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư thì phải có tối thiểu 3 năm nghiên cứu hoặc giảng dạy kể từ khi được cấp bằng tiến sĩ khoa học hoặc tiến sĩ.
Bên cạnh đó, người hướng dẫn phải chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở trở lên.
Điểm quan trọng nhất đối với điều kiện của người hướng dẫn NCS chính là, họ phải có tối thiểu 1 bài báo đăng trên các tạp chí ISI hoặc Scopus hoặc 1 sách tham khảo của các nhà xuất bản nước ngoài có mã số chuẩn quốc tế ISBN.
Nếu không đạt điều kiện trên, người hướng dẫn cũng có thể có 2 báo cáo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện khác thuộc lĩnh vực nghiên cứu liên quan tới đề tài luận án của NCS.
Trường hợp người hướng dẫn độc lập là tiến sĩ nhưng chưa có chức danh GS, PGS thì phải có thêm 1 bài báo hoặc công trình đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI/ Scopus.
Ngoài ra, người hướng dẫn phải có năng lực ngoại ngữ để phục vụ nghiên cứu vào trao đổi khoa học quốc tế.
Quy định mới cũng cho phép các GS, PGS được hướng dẫn đồng thời nhiều NCS hơn so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, quy định mới yêu cầu người hướng dẫn không được nhận thêm NCS mới nếu trong vòng 6 năm tính đến thời điểm giao nhiệm vụ có 2 NCS không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc luận án không được hội đồng cấp trường/ viện thông qua.
Bên cạnh tiêu chuẩn đối với người hướng dẫn, quy định mới cũng đưa ra yêu cầu về công bố quốc tế đối với hội đồng đánh giá luận văn.
Cụ thể, ngoài chức danh GS, PGS, TS, thành viên hội đồng phải có công trình nghiên cứu, có uy tín và kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của NCS, trong đó người phản biện phải có tối thiểu 1 bài báo hoặc báo cáo khoa học đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện hoặc trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện.
Thời gian đào tạo không quá 5 - 6 năm
Bên cạnh “siết” các điều kiện đầu vào, quá trình đào tạo tiến sĩ cũng được quy định chặt chẽ theo hướng nâng cao chất lượng.
Theo đó, thời gian đào tạo tiến sĩ vẫn là 3 - 4 năm tùy từng đối tượng. Tuy nhiên, thí sinh chỉ được phép gia hạn tối đa là 2 năm.
Như vậy, tổng thời gian đào tạo tiến sĩ là theo quy định mới từ 5 - 6 năm kể từ khi có quyết định công nhận NCS.
Theo quy định hiện hành, tổng thời gian hoàn thành chương trình của NCS có thể kéo dài tới 7 - 8 năm.
Bên cạnh đó, quy định mới cũng nêu rõ, trong thời gian gia hạn (2 năm), NCS phải theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.