Đình Vuông: Tự hào di tích lịch sử cách mạng
2016-05-03 09:32:23
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Đình Vuông, xã Giao Phong (Giao Thủy, Nam Định) là di tích có giá trị lịch sử - Nơi tri ân công đức của đức thánh Triệu Việt Vương. Nơi đây còn là cơ sở cách mạng tại địa phương những năm kháng chiến…
Giá trị văn hóa, lịch sử…
Căn cứ theo các nguồn chính sử của tư liệu hiện đang lưu giữ tại di tích thì: Triệu Việt Vương, tên thật là Triệu Quang Phục, con ông Triệu Túc người huyện Chu Diên phủ Tam Đái (Vĩnh Phúc).
Công lao của đức thánh Triệu Việt Vương đã được các triều đại phong kiến ghi nhận và ban tặng nhiều sắc phong, hiện di tích còn lưu giữ 10 đạo sắc, trong đó có 8 đạo sắc từ thời vua Thiệu Trị nguyên niên (1841) đến thời vua Khải Định thứ 9 (1924). Trong đó, tiêu biểu nhất là nội dung đạo sắc thời vua Thiệu Trị nguyên niên (1841) ban tặng cho thần, với nội dung:
“Sắc chỉ cho thôn Thượng cùng toàn bộ các thôn thuộc Trang Quất Lâm (Giao Thủy, Nam Định) theo nếp xưa phụng thờ đức Triệu Việt Vương, giúp nước, cứu dân, công đức lớn lao, linh thiêng sáng tỏ. Nay trẫm kế thừa mệnh sáng của đức Thánh tổ Nhân hoàng đế làm cho đất nước bền vững cũng là một phần ơn nhờ các thần phù trợ, nay duyên lành đưa tới có quan sở tại tỉnh Nam Định đã đệ trình lên ban tặng, xét tặng sắc phong cho nên chấp thuận các sắc chỉ một đạo, lại chuẩn cho toàn thôn được phụng thờ thần như cũ, lấy đó làm niềm vui, bày tỏ lòng thành kính với bậc trên vậy”.
Qua các nguồn tư liệu như sắc phong, câu đối, đại tự có nội dung liên quan đến đức thánh Triệu Việt Vương tại đình Vuông, Giao Phong, không những làm sáng tỏ ý nghĩa thờ ông tại nơi đây, mà còn làm nổi bật hơn những giá trị về địa lý, văn hóa của mảnh đất Nam Định qua các thời kỳ lịch sử.
Cái nôi của cách mạng…
Đình Vuông, xã Giao Phong được xây dựng trên nền đất rộng 1.155 m2 - Đây là công trình tín ngưỡng có giá trị lịch sử hình thành và phát triển song hành với quá trình xây dựng làng xã, di tích là nơi đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của địa phương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo đó, ngày 28/8/1945, tại di tích đình Vuông, Ủy ban cách mạng lâm thời xã Quất Hải (nay là xã Giao Phong) được thành lập, người dân khẩn trương bắt tay ổn định cuộc sống, tham gia xây dựng, bảo vệ chính quyền.
Ngày 8/9/1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Bác Hồ về phong trào “diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm”, di tích đình Vuông cũng là địa điểm tổ chức các lớp học về xóa nạn mù chữ; ngày 6/1/1946; là nơi để đông đảo cử tri trong xã tham gia bầu cử ĐBQH đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Mặc dù nằm trong vùng bị địch tạm chiếm, nhưng di tích đình Vuông vẫn là địa điểm an toàn cho Tiểu đoàn 66 - bộ đội huyện về nằm vùng, chống địch càn quét. Trong những năm 1950 - 1951, nơi đây trở thành địa điểm hoạt động của đường dây liên lạc “Thái Loan” (địa danh liên lạc của 3 xã: Giao Phong, Giao Yến, Giao Lâm).
Từ năm 1953 - 1954, đình Vuông là địa điểm để quân dân du kích họp bàn, tập trung tiêu diệt bốt Thức Hóa (căn cứ quân sự kiên cố của thực dân Pháp). Ngày 17/5/1954, bộ đội chủ lực được lệnh tiêu diệt bốt Thức Hóa, sau 8 ngày vây hãm, Trung đoàn 52 (Đại đoàn 320) cùng với bộ đội địa phương, dân quân du kích các xã đồng loạt tổng tiến công. Đến 3 giờ sáng ngày 25/5/1954, toàn bộ lực lượng của địch tại đây đã phải bỏ súng quy hàng.
Từ năm 1964 - 1972, đình Vuông là địa điểm tổ chức tiễn đưa thanh niên các xã Giao Phong, Giao Lâm, Giao Thịnh, Giao Tân, Giao Yến lên đường tòng quân, đồng thời nơi đây còn là kho cất giữ vũ khí đạn dược, phục vụ các đơn vị bộ đội chiến đấu tại chiến trường ven biển.
Theo ông Phạm Ngọc Khải, Chủ tịch UBND xã Giao Phong: “Đình Vuông là di tích mang tính lịch sử, nơi đây thờ đức thánh Triệu Việt Vương và bát hương của 49 dòng tộc đã sinh sống và lập lên mảnh đất này, cùng 125 liệt sỹ là con em của quê hương đã có công bảo vệ nền độc lập nơi đây. Việc tu tạo, gìn giữ, bảo quản di tích là trách nhiệm của chính quyền và nhân dân địa phương để giáo dục, truyền đạt lại cho các thế hệ mai sau”.
Để gìn giữ, tôn tạo khu di tích, từ tháng 8/2014, nơi đây đã thực hiện việc nâng cấp, tôn tạo, xây mới nhiều hạng mục với tổng kinh phí khoảng 4 tỷ đồng bằng vốn xã hội hóa. Dự kiến, công trình hoàn thành vào tháng 4/2016.
Năm 2005, Đảng bộ và nhân dân xã Giao Phong được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong đó, có phần đóng góp không nhỏ của di tích lịch sử đình Vuông…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Nguyễn Kiên