Đổi mới nhưng không đổi màu!

2022-04-17 09:41:47 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Hiện nay, trước sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động và yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đòi hỏi mỗi Đảng viên cần nỗ lực nâng cao nhận thức trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện công bằng xã hội - chủ trương lớn, quan điểm nhất quán

Trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để bảo đảm vừa tăng trưởng kinh tế vừa thực hiện công bằng xã hội, Đảng ta chủ trương phân phối theo lao động. Đến Đại hội Đảng lần thứ VII (năm 1991), nguyên tắc phân phối đã được bổ sung hoàn thiện và xác định: phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh là chính. Ba năm sau, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (tháng 1 năm 1994), Đảng nêu nguyên tắc “phân phối theo lao động là chủ yếu, khuyến khích và đãi ngộ xứng đáng các tài năng; đồng thời phân phối theo nguồn vốn đóng góp vào sản xuất, kinh doanh”. Đến Đại hội IX (năm 2001), Đảng tiếp tục bổ sung: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội”. Đây là nguyên tắc phân phối công bằng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn công cuộc đổi mới hơn 35 năm qua cho thấy, việc thực hiện các nguyên tắc phân phối ngày càng công bằng này đã kích thích mọi người, mọi nguồn lực tham gia sản xuất, kinh doanh, đó là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tăng trưởng kinh tế nhanh. Đây chính là ưu việt về sự thực hiện công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.


    Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng của đất nước được quan tâm đầu tư phát triển đã đảm bảo tốt an sinh xã hội.

Theo Văn kiện Đại hội X, để giúp các đối tượng chính sách hòa nhập với sự phát triển chung của xã hội, cần: “Tạo điều kiện và cơ hội tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản, vươn lên thoát đói nghèo vững chắc ở các vùng nghèo và các bộ phận dân cư nghèo. Khắc phục tư tưởng bao cấp, ỷ lại”. Đây là mục đích giúp nhóm này giảm bớt khó khăn, nhanh chóng thoát khỏi nghèo đói, có cơ hội vươn lên hội nhập với sự phát triển chung của xã hội nhưng trước hết bằng chính nỗ lực của mình.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục chủ trương: “Coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa”. Đồng thời, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu... Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII chủ trương: “Tiếp tục hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống... Đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả và tiếp cận phương pháp đo lường nghèo đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội cơ bản và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản”

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số”; “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển...”.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định rõ: “Chúng ta cần sự phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội” và cho rằng, phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là một trong những “giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.

Nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội

Trong suốt quá trình đổi mới kinh tế, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ quan tâm đến thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, mà luôn quan tâm đến nâng cao đời sống của mọi tầng lớp nhân dân và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Chỉ số HDI (so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của các quốc gia trên thế giới) của Việt Nam có nhiều cải thiện nhờ thành tựu của quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế. Nếu như năm 2000, chỉ số này của Việt Nam đạt giá trị 0,687; đến năm 2005 đạt 0,714; năm 2007 là 0,725. Năm 2008, chỉ số HDI được tính lại theo phương pháp mới (thay các chỉ số về tri thức bằng số năm đi học bình quân và kỳ vọng số năm đi học; thay đổi về chỉ số thu nhập - GNI). Theo đó, giai đoạn 2008-2010, chỉ số HDI của các nước hầu hết đều có sự thay đổi và thấp xuống. HDI Việt Nam năm 2008 là 0,572; năm 2012 tăng lên là 0,617; năm 2014 là 0,666; năm 2016 là 0,685; năm 2018 là 0,693; và năm 2019 là 0,704.

Thứ bậc HDI của Việt Nam so với các nước và vùng lãnh thổ nói chung ở vị trí trung bình, riêng năm 2019 thuộc nhóm phát triển con người cao. Cụ thể, năm 2010, HDI của Việt Nam xếp thứ hạng 113; năm 2015 xếp hạng 115/188; năm 2019 xếp hạng 117/189 quốc gia tham gia. Năm 2019, so với các nước trong khu vực thì HDI của Việt Nam thấp hơn của các nước như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore... và cao hơn Lào, Campuchia, phát Myanmar. Với chỉ số HDI hiện tại của Việt Nam.

Chỉ số tuổi thọ của Việt Nam tăng nhanh, tuổi thọ bình quân của Việt Nam đạt 73,7 tuổi, cao hơn mức tuổi của nhóm nước phát triển con người trung bình. Ngoài các yếu tố về tính tự nhiên, đây chính là kết quả của việc cải thiện mức sống, chăm lo sức khỏe của người dân. Sự cải thiện về chăm sóc sức khỏe người dân thể hiện ở các chỉ tiêu như tỷ lệ nghèo giảm, số cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập, số giường bệnh, số bác sĩ/10.000 dân... đều tăng. Nhiều chỉ tiêu quan trọng như: tỷ suất của trẻ em tử vong dưới 1 tuổi, của trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, số ca mắc/số người chết do bệnh truyền nhiễm gây ra... đã giảm.

Chỉ số thu nhập GNI thấp. Sau rất nhiều nỗ lực trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập... đã giúp Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình thập. Nhưng từ năm 2008 trở đi, tăng trưởng bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương với khoảng 4,3% so với 6,8% (hay ở mức 5.335 USD so với 12.125 USD tính theo PPP, năm 2015). Năm 2018, GNI của Việt Nam là 6.220 USD, hầu hết các nước trong khu vực đều cao hơn Việt Nam, như: Thái Lan 16.129 USD; Malaysia 27.227 USD; Indonesia là 11.256 USD; Philippines 9.540 USD; Hàn Quốc 36.757 USD; Lào 6.317 USD; có Campuchia và Myanmar thấp hơn, lần lượt là 3.597 và 5.764 USD; trong khi bình quân khu vực Đông Á và Thái Bình Dương là 14.611 USD.

GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 2.779 USD. Số năm đi học kỳ vọng của Việt Nam tương đương với mức bình quân của các nước có mức phát triển con người trung bình, đã tăng từ 7,8 năm vào năm 1990 lên 12,2 năm vào năm 2019. Năm 2019, số năm đi học bình quân của dân số Việt Nam là 9,0 năm, ngang bằng với mức bình quân của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội

Thực hiện công bằng xã hội là một chủ trương lớn, quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện bản chất nhân văn, tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng. Việc hoàn thiện quan điểm của Đảng về công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình lâu dài, vừa làm, vừa tìm tòi, khảo nghiệm, chọn lọc, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn để đề ra đường lối, chủ trương, biện pháp thực hiện theo hướng ngày càng đầy đủ, khoa học, sáng tạo và hiệu quả hơn.

Bên cạnh nguyên tắc phân phối ngày càng hài hòa giữa phát triển và công bằng xã hội, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thể hiện tính ưu việt, công bằng xã hội của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta khẳng định: “Hệ thống an sinh xã hội… có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ, bảo đảm bền vững, công bằng; Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi người có công và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội”.

Mô hình phát triển kinh tế nước ta lựa chọn hiện nay chính là mô hình phát triển toàn diện, với nội dung chính là thực hiện việc kết hợp tăng trưởng kinh tế nhanh với tiến bộ, công bằng xã hội ngay từ đầu và trong từng bước đi. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: “Phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Phát triển vì con người, tạo điều kiện cho mọi người, nhất là trẻ em, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người di cư hòa nhập, tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện các chính sách dân tộc bình đẳng, đoàn kết, cùng phát triển. Quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta chủ trương phát triển trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội là “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế hiện đại và hội nhập quốc tế có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Hơn 35 năm đổi mới, cùng với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, việc thực hiện tiến bộ xã hội ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu: Lực lượng sản xuất phát triển với hàm lượng khoa học ngày càng cao và với quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa; kinh tế tăng trưởng nhanh, chất lượng được cải thiện; quyền làm chủ của nhân dân đối với mọi mặt đời sống xã hội được bảo đảm; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ngày càng hoàn thiện theo hướng trong sạch, vững mạnh. Dân chủ được phát huy, kỷ luật, kỷ cương được bảo đảm; văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ được mở mang, trình độ dân trí phát triển; những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội được đấu tranh loại bỏ dần; môi trường sinh thái được quan tâm bảo vệ hơn; con người có điều kiện hơn để phát triển về thể chất, trí tuệ, đạo đức, nghề nghiệp, có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc; được cống hiến và hưởng thụ công bằng thành quả của sự phát triển. Đích hướng tới của tiến bộ xã hội nhằm phát triển toàn diện con người đã đạt được những bước tiến dài. Tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Đảng ta đánh giá: “Chính trị, xã hội ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam,… có nhiều chuyển biến tích cực, có mặt khá nổi bật.”

Ngày nay, yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới toàn diện và đồng bộ đất nước, cũng như quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam,... đòi hỏi lý luận của Đảng về tiến bộ và công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ đúng đắn, sáng tạo mà còn có sự đột phá và hiệu quả cao hơn nữa.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

CSGT Lào Cai dùng 'mắt thần' đặc biệt đối phó xe phóng ẩu

Quá trình làm nhiệm vụ, Tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai đã dùng "mắt thần" phát hiện, ghi hình hàng loạt tài xế ô tô lái xe chạy quá tốc độ.
2024-11-25 11:03:24

VPBankS khẳng định vị thế số 1 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam

Hai giải thưởng Top 1 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam ngành Dịch vụ tài chính khối Doanh nghiệp vừa và Top 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam khối Doanh nghiệp là kết quả của sự nỗ lực chung của cả tập thể hơn 500 nhân sự của VPBankS.
2024-11-25 10:21:02

Từ chiến trường đến thương trường

Trong số những doanh nghiệp làm ăn giỏi trên địa bàn Hà Nội, có một doanh nghiệp khá đặc biệt. Ðó là Công ty Bao bì 27-7 Hà Nội, đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, doanh nghiệp của những người thương binh và các đối tượng chính sách, do Tổng giám đốc là một thương binh năng động "chèo lái".
2024-11-25 09:47:14

Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh

Tối 23/11, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh), tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
2024-11-24 07:35:00

Phát hiện, xử lý nhiều thanh niên tụ tập gây rối trật tự công cộng

Công an thị xã Sa Pa đã kịp thời phát hiện, xử lý nhóm thanh thiếu niên có hành vi tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự.
2024-11-23 13:52:22

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00
Đang tải...