Đóng BHXH phải đúng với chức danh nghề
Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng (Bình Dương) có một số công nhân khai thác mủ lớn tuổi đã được chuyển sang làm công việc khác như: Chăm sóc vườn cây, bảo vệ lô, bốc vác... Công ty vẫn giữ nguyên mức lương khai thác mủ và đóng BHXH trên mức lương này mà không chuyển sang mức lương thấp hơn theo chức danh ngành nghề mới.
Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động đã gắn bó làm việc tại Công ty, qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đề nghị cơ quan BHXH cho người lao động tại Công ty được hưởng chế độ trên cơ sở mức lương đã tham gia đóng BHXH (giữ nguyên mức lương không đúng với chức danh nghề) mà không phải điều chỉnh giảm xuống.
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương; Khoản 1, Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì tiền lương ghi trong hợp đồng lao động theo công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng và quyết định; trường hợp trước Nghị định số 49/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì tiền lương theo chức danh quy định tại Khoản 3, Điều 5, Điều 6 Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương, chế độ phụ cấp lương trong công ty nhà nước.
Điều 94 Luật BHXH năm 2006, Điều 89 Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động ghi trong hợp đồng lao động.
BHXH Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BHTN; tổ chức thu các khoản đóng BHXH, BHYT của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động và cá nhân theo quy định của pháp luật, không có thẩm quyền giữ nguyên tiền lương đã đóng BHXH bắt buộc không đúng với chức danh nghề để làm căn cứ tính hưởng chế độ BHXH sau này như đề nghị của Công ty.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.