Dự án khu dân cư - Công viên giải trí Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức): Có dấu hiệu lấn sông Sài Gòn?!
Hiện trạng kết cấu kè bê tông của công trình bờ kè nằm dưới lòng sông, cách xa bờ hiện hữu khoảng 20 mét. |
Theo quan sát của chúng tôi tại công trình kè bảo vệ sông Sài Gòn tại dự án KĐT Vạn Phúc thì hiện nay, công trình kè này đang được thực hiện cách bờ hiện hữu của sông Sài Gòn, lấn ra phía lòng sông khoảng 20 mét. Công trình đang được các công nhân của Công ty TNHH xây dựng và khảo sát công trình Thanh Tuấn thi công bằng cách đổ cọc bê tông, tạo thành một hệ móng giằng bằng bê tông cốt thép ở dưới lòng sông Sài Gòn và nhô cao hơn mặt nước. Trên hệ thống móng cọc bê tông này, đơn vị thi công đã sử dụng các vật liệu rắn và cát để san lấp. Hiện công trình đã thi công được khoảng vài trăm mét chiều dài và đều nằm ở vị trí cách bờ hiện hữu khoảng trên dưới 20 mét. Ước tính, số diện tích mặt nước bị lấn chiếm có thể tạo thêm cho dự án này hàng ngàn mét vuông đất.
Trao đổi với chúng tôi, một người dân ở gần khu vực dự án hết sức bức xúc cho biết: "Chính quyền thì cứ hô hào không được lấn sông, yêu cầu các quận, huyện xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm sông, kênh, rạch nhưng dự án này ai cũng thấy bờ ở một nơi, kè ở một nẻo, nằm tít ngoài sông thế kia thì bảo sao mà nói dân nghe. Nếu các dự án ven sông Sài Gòn này, dự án nào xây kè lấn lòng một ít thì thử hỏi sau này con cháu chúng ta liệu có nhìn thấy con sông lớn như bây giờ? Trong khi đó, chức năng tiêu thoát nước của sông Sài Gòn rất tối quan trọng đối với TP này, bất kỳ một tác động nào để lấn chiếm lòng sông cũng đều mang lại những tác hại không thể lường được. Hệ thống sông Sài Gòn vừa đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giao thông thủy vừa giúp tiêu thoát nước nhằm hạn chế tình trạng ngập úng tại TP. Tuy nhiên, nếu cứ làm kè, đổ hàng chục ngàn mét khối đất đá để lấn lòng sông, làm dự án thì nguy cơ dòng sông bị “khai tử” cũng chẳng mấy chốc…”
Nhiều đoạn kè đã được các công nhân thi công hoàn tất |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, KĐT Vạn Phúc có diện tích 194 ha được Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt theo Quyết định số 4052/KTST.TP ngày 15-11-2001 và bản đồ vị trí khu đất tỷ lệ 1/2000 số 44SD/2002/ĐĐĐC-KT ngày 14-01-2002 do Công ty TNHH đo đạc Kiến Thiết lập và được UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 theo Quyết định 4337/ QĐ-UBND ngày 5-10-2010. Trong đó, UBND TP yêu cầu CĐT phải tuân thủ quy định về chỉ giới sông, rạch. Khu vực hành lang bờ sông, rạch cần tuân thủ theo Quyết định 150/2004/ QĐ- UBND. Quyết định số 1185/ QĐ-UBND ngày 16-3-2010 của UBND TP đều quy định rõ việc san lấp sông rạch trong khu vực lập quy hoạch cần có thỏa thuận của các cơ quan có thẩm quyền… Tham khảo quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo QĐ 150 thì rõ ràng việc xây kè lấn lòng sông Sài Gòn của Công ty CP địa ốc Vạn Phúc đã có dấu hiệu vi phạm Tôn trọng và bảo vệ hiện trạng tự nhiên của bờ sông, kênh, rạch đã vi phạm điểm C, Điều 4 quy định về nguyên tắc quản lý, bảo vệ hành lang bờ sông, rạch vì đã không tôn trọng và bảo vệ hiện trạng tự nhiên của bờ sông Sài Gòn.
Các xà lan, phương tiện bơm hút cát đang đổ hàng chục ngàn mét khối đất đá xuống lòng sông để phục vụ việc xây kè lấn sông. |
Được biết, trong năm 2017, UBND TP đã từng kiên quyết xử lý nhiều trường hợp lấn sông Sài Gòn. Trong đó có việc xử phạt hàng tỷ đồng đối với Công ty cổ phần TDS - chủ đầu tư dự án khu dân cư thấp tầng Thảo Điền (Thảo Điền Sapphire) do lấn sông Sài Gòn và rạch ông Hóa. Do đó, với hiện trạng xây dựng có dấu hiệu xây dựng lấn lòng sông Sài Gòn có thể nhìn thấy bằng mắt thường tại dự án khu đô thị Vạn Phúc này thì việc xây dựng của CĐT tại công trình này được cơ quan chức năng cấp phép và đơn vị nào là nơi đã cấp phép cho việc xây dựng lấn lòng sông một cách nghiêm trọng như trên? Dư luận đang rất quan tâm và chờ một câu trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng?
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.