Du lịch chiến trường xưa - Tiềm năng bị bỏ quên

2016-12-02 09:35:26 0 Bình luận
Cùng với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch chiến trường xưa ở Việt Nam cần được ngành du lịch chú ý, tiếp cận, tìm hiểu và khai thác tiềm năng.
Các hãng lữ hành quốc tế từ hơn 30 năm nay đã đưa vào Việt Nam tour du lịch DMZ- Demilitarized Zone với các cựu chiến binh Mỹ, dần trở thành “thương hiệu” du lịch của Quảng Trị. Và khái niệm “du lịch chiến trường xưa” với ngành du lịch Việt Nam dường còn bỏ ngỏ tiềm năng này, ít được khai thác…

Đất nước Việt Nam trải dài từ Bắc xuống Nam đã được thiên nhiên ban tặng nhiều kỳ quan cẩm tú tuyệt đẹp, nhiều di sản thiên nhiên thế giới. Nhưng có một thực tế, kể từ khi lập quốc, gần như không đâu trên mảnh đất Việt Nam là không có một dấu ấn kỷ niệm chiến trận của những cuộc chiến tranh từ thời dựng nước với nhiều chiến tích hào hùng.

Do đó cùng với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, thì du lịch chiến trường xưa ở Việt Nam cần được ngành du lịch chú ý, tiếp cận, tìm hiểu và khai thác tiềm năng.

Chiến trường xưa không chỉ là chiến trường

Từ vùng Tây Bắc với những di tích thời kháng chiến chống Pháp như các vùng Cao - Bắc – Lạng đến chiến khu Việt Bắc nổi tiếng với các ATK - An toàn khu thời kháng chiến chống Pháp cùng các địa danh Tuyên Quang- Thái Nguyên - Sơn La - Điện Biên - Hòa Bình, đến các vùng trung du như Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Bắc Giang - Bắc Ninh, đặc biệt là khu lòng chảo Điện Biên Phủ gắn với cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp lừng danh thế giới.

Du lịch chiến trường xưa - Tiềm năng bị bỏ quên
Du lịch ATK Định Hoá, Thái Nguyên. Ảnh: thainguyengov.

Rồi toàn bộ miền Trung, dày đặc những địa chỉ chiến trường xưa, chưa kể khu DMZ- Khu phi quân sự ở Quảng Trị đã từ lâu là điểm đến của các cựu binh Mỹ như Sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, hàng rào điện tử McNamara, địa đạo Vịnh Mốc, sân bay Tà Cơn, căn cứ Làng Vây, căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu, đường mòn Hồ Chí Minh, Thành Cổ Quảng Trị, Khe Sanh, Đường 9, đảo Cồn Cỏ…

Ngược về phía bắc Miền Trung thì có Hàm Rồng, Truông Bồn, Đồng Lộc…Xuôi về phía nam Trung bộ, không “dữ dội” như miền Trung “khói lửa”, cũng có nhiều địa danh lừng lẫy nhất là vùng Phan Rang, Phan Thiết, Khánh Hòa. Dịch sang hướng Tây là cả vùng rừng núi Tây Nguyên đầy huyền thoại, sự tích.

Và xuống phương Nam từ miền Đông “gian lao mà anh dũng”, cùng với TP. HCM “rực rỡ tên vàng” đến Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”…. Tất cả như một “liên mạng” chiến trường xưa không chỉ cảnh quan mà còn rất nhiều điều để khám phá, để hoài niệm, để tìm hiểu…, với những bản sắc văn hóa, con người, vùng đất riêng biệt, phong phú…

Vùng rừng núi Bắc- Tây Bắc là những khung cảnh núi non thiên nhiên hùng vĩ “trắng hoa ban”, “hồng hoa đào”, nơi có đỉnh Fanxipan “nóc nhà Đông Dương” ở Sapa - Lào Cai, cùng những điệu múa ô, điệu hát tỏ tình của trai gái H’Mông - Dao… ở các phiên chọ tình.

Hay Di sản công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn với đỉnh cực Bắc của Tổ quốc, đỉnh Lũng Cú - Hà Giang với những điệu khèn sau bờ rào đá. Và bao nhiêu người “Tay cầm bầu rượu nắm nem/ Mảng vui quên hết lời em dặn dò” ở mảnh đất Lạng Sơn địa đầu Tổ quốc.

Cả vùng Việt Bắc là một bản tình ca bất tận của rừng- núi, các điệu đàn, điệu hát, điệu múa các dân tộc Thái - Tày - Nùng - Mường…, hòa với tiếng chim rừng, tiếng suối reo… Miền trung du với với nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhân loại như: Hát quan họ, Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương…, và bao nhiêu sự tích thời dựng nước giữ nước từ thuở các Vua Hùng.

Chiến trường xưa thời chống Mỹ có lẽ là hấp dẫn với bao nhiêu địa danh. Những địa phương có con đường mòn Hồ Chí Minh- đường Trường Sơn huyền thoại đi qua, là những địa phương không chỉ nổi tiếng với di tích cách mạng, mà còn là nơi có những di sản thế giới như Khu Di tích Tràng An - Ninh Bình; Động Phong Nha - Kẻ Bàng - Quảng Bình; Thành Nhà Hồ - Thanh Hóa.

Du lịch chiến trường xưa - Tiềm năng bị bỏ quên
Thành Nhà Hồ - Thanh Hóa.

Xuôi về phương Nam, qua Quảng Trị, đến Thừa Thiên - Huế với hai di sản thế giới: Quần thể Kiến trúc kinh đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế. Chưa hết, chỉ thêm vài dặm đường là đến với hai di sản khác của thế giới ở Quảng Nam: Thánh địa Mỹ Sơn với đền tháp Chăm, thành phố cổ Hội An.

Tiếp theo là những bí ẩn rừng núi Tây Nguyên ngoài những pho sử thi về những chàng dũng sĩ Đam San, Xinh Nhã, anh hung Nơ Trang Lơng, anh hung Núp… còn là Di sản thế giới văn hóa phi vật thể: Không gian cồng chiêng Tây Nguyên…

Chiến trường xưa ở miền Nam lại mang màu sắc khác, một màu xanh của mênh mang sông nước, màu xanh mướt của những cánh đồng lúa, những vườn trái xum xuê bốn mùa. Sài Gòn- TP.HCM không chỉ có di tích “đất thép” Củ Chi, “18 thôn vườn trầu” Hóc Môn, mà còn là cuộc du ngoạn để ngắm “Hòn ngọc Viễn Đông” với hai chiều xưa- nay.

Là hướng lên miền Đông ở chiến khu D,với những rừng cây cao su bạt ngàn, rừng khộp lá đỏ, những miền đất bazan trù phú, và nghe nhịp chày giã gạo ở Sóc Bom Bo- Bình Phước, thưởng thức trái cây của vườn trái Lái Thiêu -Bình Dương… Xuôi theo dòng Cửu Long, thả theo ghe, xuồng dọc sông Tiền, sông Hậu về miền Tây Nam Bộ, ngoài những địa danh lừng lẫy thời kháng chiến như: Ấp Bắc - Tiền Giang, Xẻo Quýt - Cao Lãnh, Đồng Tháp, đồi Tức Dụp vùng Bảy Núi - An Giang, hay núi Đá Dựng, Hà Tiên - Kiên Giang, vùng rừng U Minh - Cà Mau, hay hòn đảo ngọc nổi tiếng Phú Quốc, còn là những khám phá vùng kênh rạch chằng chịt bằng các kiểu thuyền, xuồng, ghe, tàu…, đặc biệt trải nghiệm với cư dân bản địa những phong tục văn hóa, ẩm thực hoang dã thời khẩn hoang của nơi này.

Chiến trường xưa - Điểm đến đầy tiềm năng

Không chỉ là những chuyến du lịch của những cựu chiến binh Mỹ, Pháp như một cuộc sám hối với Việt Nam, mà còn là như cầu của những cựu chiến binh Việt Nam, đã từng một thời tham gia chiến đấu qua những cuộc kháng chiến chống xâm lược, để hoài niệm, hồi niệm, tìm đồng đội, hay tri ân những người có công với đất nước.

Ở một khía cạnh, du lịch chiến trường xưa có ý nghĩa tâm linh phù hợp với truyền thống nhân văn cao đẹp, đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân Việt Nam. Ngoài các cựu chiến binh, thân nhân, bạn bè của những người đang sống và đã hy sinh; lớp trẻ hôm nay cũng muốn tìm hiểu, muốn tri ân công lao của cha anh; Và còn cả những người yêu hòa bình trên thế giới, những nhà nghiên cứu lịch sử quốc tế muốn đến Việt Nam để tham quan, trải nghiệm và suy ngẫm về một thời chiến tranh, để lý giải vì sao Việt Nam chiến thắng..

Du lịch chiến trường xưa, không đơn thuần là khách đến, khách đi, còn mang ý nghĩa về quốc kế dân sinh, vai trò nhiều mặt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đa số những địa danh lịch sử gắn với chiến tranh tại Việt Nam còn nghèo, phát triển du lịch chiến trường xưa sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, giao lưu văn hóa, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời, du lịch chiến trường xưa còn là hoạt động ngoại giao nhân dân tích cực và hiệu quả, hướng tới hòa bình, hợp tác, hữu nghị. Thực tiễn cho thấy loại hình du lịch chiến trường xưa được triển khai tại Quảng Trị và một số tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc trong những năm qua đã mang lại những kết quả khả quan.

Hệ thống di tích được đầu tư tôn tạo, nâng cấp, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được cải thiện, các dịch vụ du lịch ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách, lượng khách du lịch nội địa gia tăng, bước đầu thu hút được khách du lịch quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân địa phương.

Để khai thác tiềm năng của loại hình du lịch chiến trường xưa, tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng tốt, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và ý nghĩa to lớn của loại hình du lịch này, cần có đề án đưa ra mục tiêu nghiên cứu tổng thể các di tích lịch sử cách mạng, hiện trạng thu hút khách, những khó khăn, tồn tại...

Trên cơ sở đó đề xuất về công tác trùng tu, tôn tạo di tích, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, xây dựng sản phẩm và thực hiện các hoạt động xúc tiến nhằm thu hút khách trong nước và quốc tế.

Di tích chiến trường xưa có thể xem như một loại di sản vô giá, di sản về những cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, nền tự do, hạnh phúc và trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Không chỉ có ý nghĩa về lịch sử cách mạng mà còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các thế hệ những người Việt Nam hôm nay và mai sau, cùng bạn bè thế giới biết về lịch sử của Việt Nam, một dân tộc không hề biết khuất phục trước các thế lực hùng mạnh nào trong lịch sử và trong tương lai.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Một ngày tại Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa

Được thành lập từ năm 2007, Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa do cô Đoàn Thị Hoa sáng lập đã tiếp nhận, dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật đồng thời rèn luyện cho các bạn kỹ năng để hòa nhập cộng đồng, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
2024-11-28 21:31:18

Người mẹ đặc biệt của trẻ khuyết tật

Hơn 17 năm duy trì Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa, cô Đoàn Thị Hoa đã tạo cơ hội cho hàng trăm người khuyết tật được học nghề và tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân. Mái ấm Quỳnh Hoa đã trở thành ngọn lửa sưởi ấm những mảnh đời thiệt thòi, giúp họ thêm tự tin vươn lên và hòa nhập với cộng đồng.
2024-11-28 21:17:10

Công tác phối hợp giữa Huyện ủy Điện Biên với Đảng ủy Công an tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật

Quyết định số 1556-QĐ/TU, ngày 06/12/2021 của Tỉnh ủy Điện Biên thể hiện rõ về Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Công an tỉnh với các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đối với các tổ chức đảng, đảng viên thuộc Đảng bộ Công an các cấp.
2024-11-28 20:53:32

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Trần Quốc Vượng

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Đảng ủy Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức lễ trao Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư khóa XII và các đồng chí nhận Huy hiệu 40 năm, 30 năm tuổi Đảng.
2024-11-28 16:22:08

Hội CCB huyện Trực Ninh xứng danh truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”

Chào mừng kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam (6-12-1989 – 6-12-2024) Hội CCB huyện Trực Ninh (Nam Định) tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “CCB gương mẫu” gắn với phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, xây dựng đô thị văn minh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2024, xứng danh truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.
2024-11-28 09:06:07

'Một thời Quảng Trị' - Cuốn hồi ức chiến tranh đặc sắc

Đất nước ta đã đi qua gần một nửa thế kỷ không còn tiếng súng chiến tranh, nhưng ký ức bi tráng về những tháng ngày đầy gian khổ vẫn còn in sâu trong tâm trí những con người của thời đạn bom. Đó là từng trận đánh ác liệt, kéo dài; đó là những người đồng đội, đồng chí đã vĩnh viễn hoà mình vào Tổ quốc. Trong không khí chào mừng kỉ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Tạp chí điện tử Hoà Nhập xin mời quý vị độc giả nhìn lại thời kỳ hào hùng ấy của dân tộc qua những dòng chia sẻ từ Đại tá, nhà văn Nguyễn Tiến Hải về cuốn hồi ức “Một thời Quảng Trị” của Thượng tướng, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu.
2024-11-27 16:52:49
Đang tải...