Gian nan hành trình tìm lại tên cho các liệt sĩ
Chuyện của những người trong cuộc
Trong ngôi nhà nhỏ nằm giữa những dãy nhà cao tầng ở phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội), ông Đào Mạnh Ngân, nguyên Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Điện Biên kể về hành trình hàng chục năm tìm mộ em trai ông là liệt sĩ Đào Mạnh Diêm.
Ông kể, nhà có 4 anh chị em, liệt sĩ Đào Mạnh Diêm, sinh năm 1953, là con thứ 3. Khi anh lên đường nhập ngũ, ông Ngân đang công tác ở Tây Bắc. Sau 3 tháng huấn luyện ở Nga Sơn, Thanh Hóa, đơn vị của Đào Mạnh Diêm bí mật chuyển quân vào chiến trường và gia đình cũng không nhận được bất cứ thông tin gì cho đến đầu năm 1973 thì có giấy báo tử vỏn vẹn mấy dòng: "Binh nhất Đào Mạnh Diêm, đơn vị C7-D2-K16, hy sinh ngày 26/8/1972 tại Mặt trận phía Nam, an táng tại nghĩa trang của đơn vị gần mặt trận".
Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình ông Đào Mạnh Ngân bắt đầu công cuộc tìm kiếm người em hy sinh. "Hành trình tìm kiếm của gia đình tôi vô cùng khó khăn, tưởng như vô vọng vì thông tin về em rất mờ nhạt. Các đơn vị trong chiến tranh thay đổi, xóa phiên hiệu, hồ sơ gốc thất lạc. Xã có 6 người cùng nhập ngũ một đợt với em trai tôi thì 4 người hy sinh, những người còn lại sau khi huấn luyện đều chuyển đơn vị khác nên thông tin về em không khác gì mò kim đáy bể", ông Ngân kể.
Từ năm 1999, ông Ngân đã đi khắp các nơi từ Cục Quân lực, Cục Chính sách, rồi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, đặt chân đến hầu hết các nghĩa trang từ Quảng Bình vào các tỉnh trong Nam, hy vọng tìm thấy thông tin về em trai nhưng đều vô vọng. Sau nhiều năm kiếm tìm, mùa hè năm 2010, ông nhận được thông tin một cựu chiến binh gửi danh sách 38 liệt sĩ của Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 hy sinh trên đất bạn Lào có tên em trai ông. Ông tiếp tục quay lại Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng và lần này thông tin từ Cục Chính sách cho biết, liệt sĩ Đào Mạnh Diêm hy sinh tại Điểm cao 1800, an táng tại Nghĩa trang 1516 (hang Toa Tàu), Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào).
Tuy nhiên, Cục Chính sách cũng không thể trả lời chính xác em trai ông đang ở đâu.Năm 1998, Đội quy tập liệt sĩ QK 4 đã tìm, cất bốc một số hài cốt an táng tại Nghĩa trang Thẩm Tàu và Nghĩa trang Hin Tặng, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào. "Sau khi đối chiếu thông tin từ nhiều kênh khác nhau, sử dụng phương pháp phân tích, loại trừ, đối chiếu, tôi có niềm tin chắc chắn là em trai mình đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào. Và rất có thể hài cốt em tôi nằm trong 8 ngôi mộ được cất bốc tại nghĩa trang Hin Tặng", ông Ngân kể.
Đưa các liệt sĩ trở về quê hương.
Thời gian này, Nhà nước cho phép lấy mẫu hài cốt liệt sĩ để giám định ADN nên gia đình đã nộp hồ sơ, mẫu sinh phẩm xin giám định... Sau 2 năm làm đơn và gửi hồ sơ, tháng 11/2019, Viện Pháp y quân đội - Cục Quân y Bộ Quốc phòng có văn bản kết luận, mẫu hài cốt liệt sĩ ký hiệu NCC2902-Q4 và mẫu sinh phẩm của ông Ngân có quan hệ huyết thống. Đó cũng chính là một trong 8 ngôi mộ không tên được Đội quy tập cất bốc từ Hin Tặng về an táng tại lô B1, Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.Vậy là sau 47 năm liệt sĩ Đào Mạnh Diêm hy sinh, hơn 30 năm với hành trình dằng dặc tưởng như vô vọng, ông Ngân đã tìm được em trai, thực hiện lời hứa với bố mẹ và chị gái trước lúc lâm chung.
Những cảm xúc khi tìm được người thân ấy, ông Nguyễn Phúc Châu (ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng từng trải qua khi gia đình ông đón nhận kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọc, anh trai ông từ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọc tham gia kháng chiến chống Mỹ và đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Mấy chục năm qua, gia đình ông Châu đã hàng chục lần đi tìm hài cốt suốt từ Bắc vào Nam, chỉ cần nghe có chút tung tích gì có liên quan là gia đình ông lại hy vọng.
"Gặp ai cùng đơn vị hoặc biết đơn vị của anh tôi đều hỏi thăm, gia đình tôi đi tìm mãi và may mắn biết được người đồng đội đã chôn cất anh tôi ngày đó hiện vẫn còn sống ở quê Bắc Giang. Từ những thông tin quý báu của người đồng đội đó, gia đình tôi tìm đến Đồn Biên phòng Long An thì bất ngờ thấy tên liệt sĩ là anh tôi được ghi lại và có cả tên của bố mẹ tôi nữa. Nghĩa trang liệt sĩ Long An lúc đó đang được tu sửa nên các phần mộ của liệt sĩ được nhấc lên cao. được sự đồng ý của cơ quan quản lý, gia đình tôi đã mở phần mộ được cho là của anh trai tôi để xem và nhận ra đặc điểm riêng là 2 chiếc răng vàng của anh tôi lúc còn sống đã có. Vui mừng khôn xiết, ai cũng khóc. Gia đình tôi được phép đón anh về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê hương", ông Châu kể lại.
Càng để lâu, khó khăn càng nhiều
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội (CGAT) công việc giám định hài cốt để xác định danh tính cho liệt sĩ là khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải kiên trì và tuyệt đối chính xác. Những hài cốt tìm thấy đa phần đều không còn nguyên vẹn, nhiều khi đã bị mục nát. Xét nghiệm ADN cho người sống hoặc người mới chết đơn giản hơn vì khi xét nghiệm vẫn có thể tìm thấy các ADN dạng chuỗi, tiến hành phân tách dễ dàng. Còn khi giám định hài cốt, nhất là những hài cốt hàng chục năm, thì ADN dạng chuỗi đã bị phá hủy. Lúc này chỉ còn sót lại những ADN dạng ti thể rất phức tạp, khó khăn vì đây là những ADN "yếu", nếu làm không cẩn thận, rất dễ bị "nhiễm" bởi các ADN của người sống, mà trực tiếp là người đang làm xét nghiệm.
."Tất cả những nhân viên làm ở phòng thí nghiệm, tôi đều yêu cầu phải xét nghiệm ADN và lưu lại kết quả ở phòng để sau đó đối chứng. Bởi vì khi tiến hành xét nghiệm ADN ti thể, chỉ cần một hơi thở, một cái hắt hơi hay một sợi tóc của người làm xét nghiệm rơi vào mẫu là coi như hỏng", bà Nga cho biết.
Công tác giám định ADN nhằm xác định thông tin hài cốt liệt sĩ.
Việc nhầm lẫn hài cốt hay xét nghiệm để giám định hài cốt liệt sĩ bị sai kết quả là điều rất dễ xảy ra. Một phần là do quá trình quy tập không xác định chính xác dẫn đến nhầm lẫn và một phần là do công tác xét nghiệm ADN thiếu cẩn thận. "Công tác quy tập hài cốt liệt sĩ rất quan trọng. Song có lúc công tác này có nơi làm chưa đúng quy trình nên dẫn đến nhầm lẫn. Tôi lấy ví dụ như chúng ta quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Lào và Campuchia, nhiều khi chúng ta nhờ người dân bản địa đào mộ vì họ là nhân chứng. Song, lúc quy tập, nhiều hài cốt quá mà họ lại đánh dấu rất đơn giản như kiểu mộ này thì đặt cành cây làm dấu hiệu, mộ kia thì đặt hòn đá… sau đó mới đối chiếu với danh sách của đơn vị quy tập, nên dẫn đến nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn là khi đưa về nghĩa trang quy tập, có khi hài cốt người này nhưng nhầm sang tên người kia, hoặc có nhiều người không xác định được danh tính. Hiện số lượng các ngôi mộ vô danh vẫn rất nhiều", bà Nga nói.
Thời gian càng trôi đi thì những khó khăn trong công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ và xác định ADN sẽ càng nhiều. Là người từng trực tiếp đi lấy mẫu hài cốt và thực hiện các xét nghiệm ADN để trả lại tên cho các liệt sĩ, Đại tá Nguyễn Lê Cát (Khoa xét nghiệm, Viện Pháp y quân đội) cho biết, công tác này hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn từ việc thu thập thông tin đến lấy mẫu xét nghiệm. Bởi phần mộ của các liệt sĩ quy tập nhiều khi chỉ dựa theo trí nhớ của đồng đội và những kỷ vật kèm theo. Ngoài ra, do thời gian chôn cất quá lâu, điều kiện khí hậu Việt Nam nóng ẩm nên các mẫu hài cốt bị phân hủy trầm trọng, ảnh hưởng đến công tác xét nghiệm ADN. Đó là chưa kể đến việc do các liệt sĩ hy sinh đã lâu, nên đối tượng lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ để đối chứng đều tuổi cao, sức yếu, cá biệt có những trường hợp không còn thân nhân để lấy mẫu đối chiếu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.