Hà Nội cũng nên nói một lời với hơn 2.000 giáo viên hợp đồng

2019-06-29 21:03:29 0 Bình luận
Dù sao đi chăng nữa, ngành giáo dục thành phố Hà Nội có được như ngày hôm nay cũng nhờ một phần công sức đóng góp của hơn 2.000 giáo viên hợp đồng.

Tôi cẩn thận tìm kiếm trên internet những cụm từ chẳng hạn như: “lời xin lỗi giáo viên hợp đồng tại Hà Nội” hoặc “lời cảm ơn giáo viên hợp đồng tại Hà Nội”. Kết quả tìm kiếm chẳng có gì.

Cũng đúng thật! Từ ngày xảy ra câu chuyện giáo viên hợp đồng tại Hà Nội kêu cứu, chưa có bất kỳ một lời hứa hẹn, lời xin lỗi, lời cảm ơn dành đến các giáo viên hợp đồng.

Dù gì đi chăng nữa, ngành giáo dục Hà Nội có thể phát triển như ngày hôm nay cũng nhờ một phần công sức của hơn 2000 giáo viên hợp đồng. Vâng! Hơn 2000 con người là một con số rất lớn.

Hà Nội đã bao giờ nghĩ: Nếu không có 2000 con người như này thì ngành giáo dục sẽ đi về đâu? Biết lấy ai để dạy dỗ học sinh lên người?

Đằng đẵng 10 năm, 20 năm, các giáo viên hợp đồng vẫn đến trường miệt mài với con chữ, gieo bao mầm xanh, đào tạo biết bao thế hệ học trò.

Từng ấy năm có ai biết rằng thầy cô chúng ta phải sống lay lắt, phải đi làm thuê, giúp việc, phụ hồ...để có thể duy trì cuộc sống.

Cô Nguyễn Thị Thơm (Sóc Sơn) nói: “Cực chẳng đã chúng tôi mới phải lên Hà Nội, mới phải kêu cứu”.

Còn dưới cương vị những người làm báo tôi nghĩ rằng: “Đúng là cực chẳng đã chúng tôi mới gọi các thầy cô là giáo viên hợp đồng”.

Bởi, trên bục giảng chỉ có con chữ, chỉ có tình thầy trò, có tri thức, có tình nghĩa.

Có học sinh nào đứng dậy thưa: “Chúng em chào cô giáo (thầy giáo) hợp đồng” đâu.

Cũng có phụ huynh nào nói: “Tôi cảm ơn cô giáo (thầy giáo) hợp đồng đã dạy dỗ con tôi lên người” đâu.

Trên bục giảng, giáo viên biên chế hay giáo viên hợp đồng thì ai cũng là cô, là thầy. Địa vị, trách nhiệm và vai trò như nhau.


Hơn 200 giáo viên hợp đồng tại các huyện tiếp tục lên Hà Nội kêu cứu 


Thước đo lớn nhất của ngành giáo dục đó chính là sản phẩm chứ không phải phân biệt bởi những từ hợp đồng, biên chế.

Vậy tại sao chúng ta không thể nói hai từ cảm ơn và xin lỗi đối với những người đã gắn bó với ngành giáo dục nửa đời người - những người bạc trắng đầu dạy dỗ học sinh lên người?

Vì đâu khoảng cách giữa 2 từ giáo viên hợp đồng, giáo viên biên chế lại dài đằng đẵng và có sự phân biệt lớn như vậy? Đối với học sinh, phụ huynh thì tất nhiên thầy cô nào thì cũng là thầy cô không phân biệt hợp đồng, biên chế.

Điều đáng buồn sự phân biệt đó lại đến từ những cơ quan sử dụng lao động, đến từ ban giám hiệu và đến từ chính những đồng nghiệp.

Đôi khi tôi chợt nghĩ: Biết đâu những thầy cô ngày xưa mình yêu quý vẫn đang là giáo viên hợp đồng và đang đi dạy với đồng lương ít ỏi như thế.

Nếu tôi biết từ trước chắc chắn tôi sẽ học hành chăm chỉ hơn, nghe lời hơn và biết ơn hơn tất thảy. Bởi, tôi nghĩ rằng việc đi dạy đối với các thầy cô và dạy như thế, vốn dĩ đã là cực khổ rồi.


Người thầy trong câu chuyện từ bục giảng xuống chuồng lợn chỉ còn ít thời gian nữa là bị cắt hợp đồng 


Ngày 28/6/2019, hơn 200 giáo viên hợp đồng các huyện lại “hội quân” tại Thủ đô để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của họ.

Trong chiều hôm ấy, cô Nguyễn Thị Quy (Mỹ Đức) lên trường ký hợp đồng...3 tháng. Mức lương vẫn vậy: 1.2 triệu đồng/ tháng và hoàn toàn không có phụ cấp hay thu nhập từ công việc dạy thêm.

Điều gì khiến cho các thầy cô vẫn bám trụ với nghề? Khi nói “họ yêu nghề” sẽ có 2 luồng dư luận: Tin và không tin.

Nhưng tôi tự hỏi: Vì sao chúng ta luôn cho rằng mình sống có lý tưởng và tình yêu nhưng lại không tin vào lý tưởng và tình yêu của một người lương chỉ có 1,2 triệu đồng?

Phải chăng chúng ta đang đánh giá mọi thứ bằng thước đo là thang bảng lương cho nên khi nghe chuyện giáo viên Thủ đô lương hơn 1 triệu đồng ai cũng lắc đầu, lè lưỡi không tin.

Trong cái nắng gay gắt của Hà Nội, hơn 200 giáo viên hợp đồng vẫn chờ đợi và đi tìm một tia sáng cho quãng đời tăm tối nhất xuyên suốt hành trình giáo dục đi qua thời thanh xuân của họ.


Thầy Nguyễn Viết Tiến cùng nhiều giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây đã bị cắt hợp đồng từ tháng trước.

Thầy Tăng cùng hơn 100 giáo viên hợp đồng Ba Vì hết tháng 8 sẽ từ bục giảng trở về...chuồng lợn.

Cô Xuân (Sóc Sơn) ngày ngày vẫn phải đi hái lá sen, đi cấy thuê. Cô Thúy (Ba Vì) vẫn tất tả đi giúp việc sau những giờ lên lớp.

Người ta nói: Giáo viên hợp đồng là những nạn nhân của lịch sử để lại. Nhưng chẳng lẽ đã là lịch sử thì cũng không nói được thêm một câu gì hay sao?

Thầy cô thì nghĩ nhiều rồi, nhưng có bao giờ Hà Nội thử vắt tay lên trán và nghĩ: Trong những thời điểm khó khăn không thể tổ chức thi viên chức, không có đủ ngân sách trả lương. Hơn 2000 giáo viên hợp đồng vẫn dấn thân vào bục giảng.

Thời điểm mà Ba Vì chỉ là một huyện miền núi, Sóc Sơn, Đông Anh, Mỹ Đức vẫn là những huyện khó khăn.

Tuổi 20,30 thầy cô cõng chữ lên những huyện khó khăn, thắp sáng giáo dục cả một vùng. Họ chẳng tiếc thời thanh xuân sao ta lại tiết kiệm một câu nói.

Nay, chỉ bằng 1,2 văn bản có thể phủi trắng sự đóng góp của hơn 2000 giáo viên.

Ngành giáo dục cả nước đang nhìn vào cách xử lý của Hà Nội bởi câu chuyện giáo viên hợp đồng không phải chỉ mỗi Hà Nội mới có. Hàng triệu giáo viên trên cả nước đang nhìn vào Hà Nội.

Những người có ý định vào ngành sư phạm khi nhìn gương giáo viên hợp đồng cũng chạy...mất dép.

Những bạn trẻ muốn cống hiến khi nhìn vào mức lương 1,2 triệu đồng thì cũng lo chạy lấy thân.

Và thực tế đã có những suy nghĩ như vậy. Đã có những sinh viên sư phạm, những giáo viên hợp đồng bỏ ngang để theo những công việc khác.


Hàng trăm giáo viên hợp đồng các Quận, huyện vẫn chờ đợi một câu trả lời từ thành phố 


Trong luật pháp cũng đã có những điều kiện để cho Hà Nội có thể xét đặc cách cho những trường hợp đặc biệt cụ thể là điều 19, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP có ghi:

“Căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển công chức quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật cán bộ, công chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức đối với các trường hợp sau:

a) Các trường hợp có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), gồm:

Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập;

Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu;

Người đang giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc được cử làm người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ”.

Như vậy cơ chế là có và chúng tôi chỉ kêu gọi có 1 chính sách nhân văn với các giáo viên hợp đồng lâu năm: Đủ điều kiện, phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn tốt được học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp, nhà trường ghi nhận. Thiết nghĩ cơ chế này vừa hợp tình lại vừa hợp lý.

Bởi, năm 2013, các huyện đã “bỏ quên” số giáo viên này rồi. Nhưng quên không đồng nghĩa là lãng quên. “Nạn nhân lịch sử” cũng không đồng nghĩa ngày hôm nay không thể gửi lời cảm ơn hoặc xin lỗi đến thanh xuân của họ.

Tuy nhiên trước khi có quyết định cuối cùng thi hoặc xét tuyển cuối cùng thì Hà Nội cũng nên có một lời gì đó đối với hơn 2000 giáo viên hợp đồng: có thể là cảm ơn, có thể là xin lỗi.

Có như thế thì thế hệ đã qua, thế hệ giáo viên trẻ mới tin rằng họ đang thực sự được tôn trọng và yên tâm công tác.

Trong khoảng thời gian chờ đợi gửi đơn lên Ban tiếp dân Trung ương, một giáo viên hợp đồng đã ngâm nga: “Từ bục giảng ta trở về chuồng lợn. Vẫn ung dung không một khoảng cách nào!”. Nghe sao mà đau xót thế!

 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Khám phá thiên nhiên và bản sắc văn hoá Làng du lịch Tân Hoá

Minh Hóa (Quảng Bình) là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và cũng là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Ðây là cơ sở quan trọng để địa phương xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng.
2024-11-27 07:00:00

Xúc tiến, quảng bá Du lịch đêm Hà Nội 2024 với chủ đề “Đêm Trúc Bạch”

Vào 18 giờ ngày 29/11/2024, tại không gian tuyến phố ẩm thực Đảo Ngọc Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) sẽ khai mạc chương trình quảng bá sản phẩm du lịch "Đêm Hà Nội 2024" với chủ đề “Đêm Trúc Bạch”; công bố Quyết định công nhận 3 điểm du lịch mới của Thủ đô và khai trương Tuyến tàu điện số 6.
2024-11-26 14:31:36

Tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
2024-11-26 08:14:24

Hải Phòng tổng kết Nghị quyết về 'thu hồi diện tích đất giao không đúng thẩm quyền'

Thành phố Hải Phòng vừa tổ chức hội nghị tổng kết Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND về “nhiệm vụ, giải pháp thu hồi diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên đất”.
2024-11-26 07:37:23

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'

Chiều 25/11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
2024-11-26 07:00:00

Chiêm ngưỡng show diễn chỉ có trong thế vận hội quốc tế ngay tại Phú Quốc

Mỗi tối tại thị trấn Hoàng Hôn, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng màn trình diễn đẳng cấp quốc tế của những á quân, quán quân flyboard và jetski thế giới cùng trình diễn gần 20 phút pháo hoa, pháo nước.
2024-11-25 11:39:00
Đang tải...