Hoa Kỳ trao tặng thiết bị và thuốc điều trị nhằm giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách trong phát hiện và điều trị bệnh lao
Đợt trao tặng này bao gồm 38 máy chẩn đoán lao nhanh cùng 90.000 bộ xét nghiệm kèm theo và 10 máy X-quang kỹ thuật số sẽ được phân bổ cho các cơ sở y tế tuyến huyện trên cả nước, trong đó có các tỉnh vùng sâu, vùng xa như Nghệ An, Lai Châu, An Giang và Đồng Tháp, những nơi có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao. Cả máy chẩn đoán lao nhanh và máy X-quang kỹ thuật số trao tặng lần này đều được thiết kế để có thể hoạt động tại các vùng xa xôi, hẻo lánh. Máy chẩn đoán lao nhanh nhãn hiệu Truenat có thể phát hiện tại chỗ bệnh lao và lao kháng thuốc trong thời gian dưới 2 giờ và được vận hành bằng pin. Các máy X-quang kỹ thuật số là các thiết bị cầm tay siêu nhẹ được trang bị phần mềm hỗ trợ phát hiện dấu hiệu nghi ngờ bệnh lao giúp phát hiện ca bệnh ở những nơi có thể không có kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh.
Đợt trao tặng này cũng bao gồm thuốc đủ để điều trị cho 15.000 bệnh nhân lao tiềm ẩn với liệu trình điều trị 3 tháng và sẽ được cấp phát trên toàn quốc. Bên cạnh đó, USAID cũng cung cấp các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho Chương trình Chống lao Quốc gia, cho nhân viên các cơ sở y tế và các đối tác địa phương. Điều này sẽ giúp nâng cao tính bền vững cho các nỗ lực tăng cường công tác phát hiện ca bệnh của Việt Nam, đảm bảo chẩn đoán chính xác và kịp thời, cũng như hỗ trợ kết nối người bệnh tới dịch vụ điều trị bệnh lao và lao tiềm ẩn.
Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock và Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, PGS. Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung tham dự buổi lễ trao tặng được tổ chức tại bệnh viện ( Ảnh ĐSQ Hoa Kỳ )
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40% ca mắc lao mới không được phát hiện và điều trị. Số thiết bị chẩn đoán và thuốc điều trị được chuyển giao hôm nay sẽ hỗ trợ trực tiếp cho chiến lược “2X” của Chương trình Chống Lao Quốc gia tại Việt Nam nhằm cải thiện khả năng phát hiện bệnh lao và tăng cường thực hiện điều trị dự phòng lao, góp phần mạnh mẽ vào nỗ lực chung của hai quốc gia nhằm chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam.
Chiến lược 2X là phương pháp phát hiện bệnh lao sử dụng cả chụp phim X-quang ngực và công nghệ chẩn đoán nhanh hiện đại gọi là GeneXpert. Công nghệ hiệu quả cao này cho phép phát hiện được nhiều ca bệnh lao hơn và phát hiện sớm khi bệnh mới khởi phát. Phát hiện sớm ca bệnh vừa giúp ngăn ngừa việc lây lan, vừa giúp tăng khả năng cứu sống người bệnh.
Lao là bệnh có thể phòng ngừa và chữa khỏi được. Tuy nhiên, Việt Nam được xếp vào vào nhóm 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới với 172.000 người mắc lao và hơn 10.000 người chết vì căn bệnh này mỗi năm. Những tác động của COVID-19 đã khiến các dịch vụ phát hiện bệnh lao và chăm sóc bệnh lao ở Việt Nam giảm nghiêm trọng, với tỷ lệ phát hiện ca bệnh lao giảm 23,5% trong 10 tháng đầu năm 2021. Để giải quyết vấn đề này, USAID cũng đang hỗ trợ lồng ghép sàng lọc bệnh lao vào các chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của Chính phủ Việt Nam.
Kể từ năm 2018, USAID đã hỗ trợ Việt Nam hơn 16 triệu đô la cho công tác phòng chống bệnh lao. Tiếp nối các hợp tác với Chính phủ Việt Nam, việc trao tặng thiết bị và thuốc hôm nay thể hiện sự hỗ trợ kiên định của USAID nhằm giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ việc đưa vào Việt Nam các công nghệ và thuốc điều trị lao mới hiệu quả cao như một phần trong quan hệ đối tác và tình đoàn kết liên tục phát triển giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.