Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách thảo luận về 2 dự án luật
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là 2 dự án luật quan trọng, có nhiều nội dung mới, có tác động lớn đến đời sống xã hội, được cử tri và các vị đại biểu Quốc hội rất quan tâm.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc thảo luận về các nội dung của 2 dự án luật để trình Quốc hội xem xét tại Hội nghị là hoạt động rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực trong khẳng định vai trò, trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu Quốc hội chuyên trách, góp phần nâng cao chất lượng các nội dung trình Quốc hội, nhất là đối với các dự án luật có nhiều nội dung khó, phức tạp, có nhiều ý kiến còn khác nhau. Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học là 2 dự luật khó, mang tính chất kỹ thuật và chuyên sâu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là một dự án luật hết quan trọng, đã được đưa ra thảo luận tại 2 kỳ họp và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Trung ương về phòng, chống tham nhũng và khắc phục các hạn chế, bất cập của luật hiện hành, giải quyết những vấn đề thực tiễn của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội nghị này, Thường trực Ủy ban Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc tài sản đó; về cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập; về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập và vấn đề mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước…
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là dự án đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, của cử tri về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước và cũng nhằm thể chế hóa quan điểm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc sửa đổi Luật nhằm đặt nền móng pháp lý ban đầu đối với việc tự chủ đại học, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dự thảo Luật cũng cần phải làm rõ những vấn đề, như: Tăng cường trách nhiệm của Nhà nước đối với các loại hình cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu tổ chức và quản trị của cơ sở giáo dục đại học, phát triển hệ thống đại học tư thục, hợp tác giáo dục với nước ngoài, các vấn đề về học phí, thuế, về tiêu chuẩn, thời gian công tác của giáo viên…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến, thể hiện rõ quan điểm về những vấn đề đã nêu trong Báo cáo và các nội dung khác của dự thảo luật mà các đại biểu quan tâm; đồng thời, mong muốn các vị đại biểu quốc hội đề xuất cụ thể hướng tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Trong quá trình thảo luận, khi cần thiết, đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra có thể trình bày và trao đổi thêm những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
“Tôi hy vọng Hội nghị sẽ tiếp tục phát huy thành công của các hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách những lần trước, góp phần nâng cao chất lượng các dự án luật trình Quốc hội. Tôi đề nghị các vị đại biểu tham dự Hội nghị phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia thảo luận, tranh luận làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để tạo sự thống nhất cao khi thông qua 2 dự án luật này tại kỳ họp thứ 6 sắp tới”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.
Theo chương trình, Hội nghị dành cả ngày 6/9 để thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.