Họp báo công bố ấn phẩm "Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018"
Ảnh minh họa |
Năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong vòng hơn một thập niên vừa qua, đồng thời chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện. Những động lực đóng góp chính vào tăng trưởng, về phía sản xuất là khu vực FDI với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, về phía chi tiêu là tiêu dùng nội địa và thặng dư thương mại. Tuy nhiên, cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục gặp nhiều khó khăn và rào cản trong phát triển. Lạm phát và tỷ giá mặc dù nằm trong phạm vi điều chỉnh dự kiến, nhưng đã đương đầu nhiều sức ép. Dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp, và đặc biệt là rủi ro tài khóa ngày càng gia tăng.
Trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp, do vậy thâm hụt ngân sách nhà nước thường xuyên ở mức cao và hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực. Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi và hệ quả là mức nợ công tăng lên nhanh chóng. Thực trạng này ảnh hưởng tới tăng trưởng dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô, và khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn. Có thể nói, thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh hiện nay là một trong những rủi ro vĩ mô lớn nhất của nền kinh tế, đồng thời làm hạn chế các lựa chọn của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi vùng trũng suy giảm và tiến vào “quỹ đạo tăng trưởng” mới.
Trong bối cảnh đó, việc đánh giá một cách toàn diện thực trạng về chính sách tài khóa, đồng thời phân tích tác động của chính sách tài khóa đến nền kinh tế là một việc làm hết sức cần thiết hiện nay. Kết quả của đánh giá chuyên sâu vấn đề này sẽ có đóng góp quan trọng về cơ sở lý luận và thực tiễn cho cải cách chính sách tài khóa, đáp ứng việc duy trì cán cân ngân sách bền vững, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn.
Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018 với chủ đề “Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng”, bên cạnh việc đánh giá diễn biến kinh tế năm 2018 (thành tựu và những tồn tại, đánh giá nguyên nhân, phân tích cơ hội và thách thức) và triển vọng năm 2019, sẽ phân tích đặc điểm và thực trạng chính sách tài khóa Việt Nam (bao gồm thực trạng thu chi ngân sách, phân cấp ngân sách, và nợ công); đánh giá tác động của chính sách tài khóa đến nền kinh tế; đánh giá mức độ bền vững của chính sách tài khóa trong trung và dài hạn; đồng thời đề xuất các giải pháp hướng tới chính sách tài khóa bền vững nhưng vẫn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018 có những điểm khác biệt và cũng là điểm nhấn so với các báo cáo kinh tế thường niên của các tổ chức khác. Báo cáo thể hiện quan điểm riêng của các chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân về các vấn đề kinh tế trong năm, có tính phản biện chính sách một cách độc lập, là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách. Ngoài ra, bên cạnh phân tích định tính, những đánh giá của Báo cáo còn được thực hiện thông qua các phương pháp định lượng, theo đó, đảm bảo những kết luận đưa ra được dựa trên những bằng chứng thực nghiệm, có căn cứ khoa học, có dẫn chứng cụ thể. Điều này cũng thể hiện tính học thuật cao của Báo cáo thường niên, gắn kết những vấn đề nóng của nền kinh tế với việc thực hiện nghiên cứu định lượng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.