Làm sao “tháo bom” khỏi bữa cơm người Việt?
2016-04-03 21:30:26
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Hiện tượng sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại, không rõ xuất xứ, độc tính cao đang diễn ra ở nhiều vùng quê Việt Nam. Đây là loại hóa chất độc, giết chết được sâu bọ, rắn chuột nhưng cũng đầu độc luôn con người.
Từ sự bất lực của cơ quan chức năng
Còn nếu sử dụng phương pháp đốt ở nhiệt độ cao trong lò nung xi măng tại Nhà máy xi măng Holcim - Hòn Chông (Kiên Giang) thì mặc dù không gây phát thải Dioxin nhưng chi phí tiêu hủy lại quá cao.
Theo số liệu thống kế, từ năm 2006 đến nay, Việt Nam nhập khẩu bình quân trên 70.000 tấn thuốc BVTV hàng năm với trị giá từ 210 - 774 triệu USD. Trên 90% thuốc BVTV được nhập khẩu từ Trung Quốc, tình trạng thuốc giả, nhái và thuốc nhập lậu tràn lan trên thị trường đang là một vấn đề “nhức nhối”.
Công nhân bị ngộ độc thực phẩm được cấp cứu tại một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh (Ảnh TL) |
Chỉ riêng tỉnh Lạng Sơn, Chi cục BVTV cho biết, từ năm 1996 đến nay, lực lượng liên ngành tỉnh đã kiểm tra, thu giữ hàng chục tấn hóa chất, thuốc BVTV nhập lậu từ Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc. Thế nhưng, trong nhiều năm qua lượng hóa chất này vẫn chưa được tiêu hủy và đang trong tình trạng bị chảy nước, bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống dân cư.
Phân tích của một số chuyên gia cho thấy: Nếu sử dụng phương pháp đốt của Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường - Bộ Tư lệnh Hóa học như thử nghiệm tại Lạng Sơn, Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Hòa Bình (trong giai đoạn 2001-2003) thì việc gây phát thải khí Dioxin, Funrua ra không khí là rất đáng lo ngại.
Còn nếu sử dụng phương pháp đốt ở nhiệt độ cao trong lò nung xi măng tại Nhà máy xi măng Holcim - Hòn Chông (Kiên Giang) thì mặc dù không gây phát thải Dioxin nhưng chi phí tiêu hủy lại quá cao.
Cả nước đã có nhiều cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêu hủy hóa chất BVTV, tuy nhiên, với chi phí tiêu hủy từ 30-40 triệu đồng/tấn (đối với hóa chất BVTV thường) và 50-70 triệu đồng/tấn (đối với hóa chất BVTV POP) thì rõ ràng đây không phải là một khoản tiền nhỏ đối với các tỉnh còn nghèo. Thực tế này dẫn đến tình trạng nhập lậu, buôn bán hóa chất BVTV không rõ xuất xứ tại các tỉnh biên giới vẫn tiếp diễn và ngày càng phức tạp.
Đại diện Chi cục BVTV Lạng Sơn cho biết: “Tại Lạng Sơn, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng chục tấn thuốc BVTV nhập lậu. Chi cục đã lập đề án thu gom, xử lý, tiêu hủy thuốc BVTV tồn đọng ở các kho trên địa bàn, trong đó đề xuất 9 phương án xử lý, tiêu hủy... và trình lên UBND tỉnh để xin kinh phí, nhưng đến nay chưa được phê duyệt”.
Còn tại Lai Châu, với 4 biên chế, gần chục năm nay, cán bộ Trạm BVTV thành phố Lai Châu vẫn đang làm việc nhờ ở bên cạnh kho của Chi cục BVTV tỉnh. Theo lời cán bộ nơi đây, do số lượng biên chế ít nên cơ quan này không được xây dựng trụ sở làm việc riêng nên phải hoạt động tạm ngay cạnh kho thuốc. Bể nước đặt trong khuôn viên khu vực nhà kho dùng để phục vụ cho cán bộ ở Trạm nhưng từ lâu không ai dám dùng để sinh hoạt dù đó là nước máy. Hay như cỏ, cây cối nơi đây đều bị táp lá, không phát triển được do lượng thuốc BVTV bay từ kho ra quá nhiều. Những ngày trời nắng, có gió thì mùi thuốc hóa chất lại bốc ra nhiều hơn, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe khi hít vào cơ thể.
Theo kết quả điều tra, thống kê: Cả nước tồn đọng hơn 300 tấn thuốc BVTV độc hại nằm ngoài danh mục sử dụng nhưng thiếu kinh phí tiêu hủy, đang từng ngày thẩm thấu ra môi trường, đe dọa sinh mạng sức khỏe của mọi người. Kết quả điều tra mới đây nhất của các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã phát hiện thêm 409 khu vực bị ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu. Hầu hết nằm ở địa bàn các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Đến việc coi rẻ sinh mạng con người
Câu chuyện người dân Bắc Ninh mua “bả ngửi” xuất xứ từ Trung Quốc về giết chuột nhưng lại làm chết trâu bò vẫn còn dư âm đến nay. Nhưng vì tham rẻ, người dân ở nhiều vùng quê vẫn bất chấp hậu quả, mua thuốc BVTV độc hại không rõ nguồn gốc xuất sứ để phun lên rau quả, rồi đưa đi khắp nơi tiêu thụ.
Mới đây, tại KCN Quang Minh (Hà Nội), hàng trăm công nhân (CN) đã trải qua một phen hốt hoảng. Sau bữa ăn sáng tập thể tại công ty gồm các món bún gà, bún bò, dưa hấu…, hàng loạt CN đau bụng, vật vã phải nhập viện cấp cứu. Đây không phải là vụ ngộ độc tập thể duy nhất trên địa bàn TP Hà Nội. Cách đó chưa lâu, hơn 100 CN của một công ty trong KCN Chương Mỹ sau khi dùng bữa trưa thì bị đau bụng, ói mửa phải nhập viện cấp cứu. “Thủ phạm” chính là món canh rau ngót nhiễm khuẩn lỵ.
Về làng trồng rau an toàn tại xã Tiền Yên - huyện Hoài Đức (Hà Nội), người dân trồng rau tại đây đã sử dụng loại thuốc trừ sâu dành chuyên phun cho lúa để phun cho các luống rau cải mà họ đang canh tác. Theo các quy định về thuốc BVTV cũng như trên bao bì có ghi rõ “chỉ được phun cho lúa” là loại cây trồng dài ngày, thế nhưng người dân nơi đây vẫn sử dụng nó rất "vô tư". Được biết, một ngày trên địa bàn xã này cung cấp khoảng 10 tấn rau cho thị trường Hà Nội. Việc sử dụng thuốc BVTV với độc tố cao chỉ được dùng khi tình trạng sâu bệnh phức tạp. Người dân cho rằng, việc sử dụng loại thuốc này có thể bảo vệ mùa màng tốt hơn, còn sức khỏe của người mua rau dường như không phải là mối quan tâm của họ(?!)
Gần đây nhất, trong một cuộc giám định của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, 40 trong số 120 mẫu rau xanh được lấy từ các chợ tại Hà Nội có lượng tồn dư thuốc BVTV vượt quá mức độ cho phép. Theo ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm), trong số 40 mẫu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật này có tới 38 mẫu là rau sản xuất tại Hà Nội, 2 mẫu trồng ở tỉnh khác.
Ngoài ra, trong một cuộc khảo sát khác từ tháng 8 đến tháng 12 năm ngoái, Cục An toàn thực phẩm lấy nhiều mẫu rau tại 150 quầy kinh doanh ở chợ Dịch Vọng Hậu, Long Biên, Minh Khai, Đền Lừ, La Khê, chợ đêm hợp tác xã Văn Quán... để kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy, 13 mẫu tồn dư hóa chất Carbofuran (thuốc sâu hữu cơ) vượt giới hạn cho phép 10,83%; 12 mẫu có hóa chất Cypermethrin (thuốc trừ sâu diệt ruồi, muỗi, kiến gián); 9 mẫu rau nhiễm cùng lúc cả hai loại hóa chất trên.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lương thực, thực phẩm chính là nguyên nhân gây ra khoảng 50% trường hợp tử vong trên toàn thế giới hiện nay. Hiện có tới 400 bệnh lây qua đường thực phẩm không an toàn, chủ yếu là dịch tả, tiêu chảy, thương hàn, cúm. Ngộ độc cấp tính còn xử lý được, lo ngại nhất là tình trạng ngộ độc mạn tính, độc chất gây hại tích lũy trong cơ thể lâu dài. WHO cảnh báo trong 20 năm nữa, các ca ung thư trên toàn thế giới sẽ tăng 57% (từ 14 triệu lên 22 triệu). Trong đó, Việt Nam được dự đoán là đất nước có số ca ung thư tăng nhanh nhất thế giới mà nguyên nhân chính là các loại hóa chất độc hại dùng để tẩm ướp tồn dư trong thực phẩm.
Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam đến năm 2013 đã lên tới 1.643 hoạt chất, trong khi, các nước trong khu vực chỉ có khoảng từ 400 đến 600 loại hoạt chất, như Trung Quốc 630 loại, Thái Lan, Malaysia 400-600 loại.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Kiên Cường