Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể tại Yên Bái
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã về dự và có bài phát biểu quan trọng tại buổi lễ. Cùng dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương; ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO, đại diện các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự buổi lễ. (Ảnh: CPV)
Phát biểu tại Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đây là sự kiện đặc biệt, có ý nghĩa to lớn và nhiều cảm xúc với tất cả chúng ta. Nghệ thuật Xòe Thái đã vượt qua nét đẹp của loại hình múa truyền thống với thẩm mỹ sáng tạo, khát vọng vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc. Đó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, sự sẻ chia, tình yêu thương sâu sắc giữa con người với con người, sự hài hòa giữa con người với văn hóa, bản sắc dân tộc và thiên nhiên hùng vĩ với những triết lý sống cao đẹp. Hơn thế nữa, Nghệ thuật Xòe Thái còn là thông điệp về trách nhiệm, tình yêu của tất cả chúng ta phải giữ gìn truyền thống lịch sử các thế hệ đồng bào các tỉnh Tây Bắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái”. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng cho rằng, Di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc anh em, là sự hội tụ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, đồng thời là kinh nghiệm, thể hiện thái độ ứng xử của người Việt Nam. Tôn vinh Nghệ thuật Xòe Thái là tôn vinh những giá trị cao đẹp của văn hóa nghệ thuật, của tinh thần đoàn kết, của lòng nhân ái, của tinh thần lạc quan, của tư duy bảo tồn và phát triển; của nét sống hòa hợp với thiên nhiên, của tinh thần trách nhiệm lịch sử không chỉ của các dân tộc Tây Bắc mà của tất cả những người dân Việt Nam.
Chúng ta vui mừng và tự hào khi Xoè Thái là di sản thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại. Đây là niềm tự hào của dân tộc Thái và của cả cộng đồng 54 dân tộc anh em trên “Dải đất hình chữ S” tươi đẹp; qua đó, tiếp tục khẳng định sự đóng góp rất quan trọng của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam đối với thế giới. Với loại hình du lịch kết nối giữa thiên nhiên - văn hóa - con người thì Xòe Thái là nét chấm phá đặc sắc của những địa danh thiên nhiên nổi tiếng của vùng đất Tây Bắc như Cao nguyên Mộc Châu, Đèo Khau Phạ, Hồ Pá Khoang, ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Thác Tác Tình, đỉnh Tà Chì Nhù với loài hoa chi pâu đặc sắc...
Thủ tướng bày tỏ trân trọng sự đóng góp không ngừng nghỉ của các thế hệ nghệ nhân dân gian, cộng đồng dân tộc Thái đã nâng niu, trao truyền, gìn giữ di sản văn hóa đặc sắc vô giá này. Đồng thời, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các bộ, cơ quan và địa phương liên quan, các nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu đã đóng góp tích cực để bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật Xòe Thái nói riêng, các di sản văn hóa của Việt Nam và nhân loại nói chung.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản”. (Ảnh: VGP)
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn và mong muốn các tổ chức quốc tế, nhất là cơ quan Đại diện UNESCO và cá nhân ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tiếp tục dành cho Việt Nam sự hợp tác chặt chẽ, giúp đỡ hiệu quả, để các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam ngày càng lan tỏa sâu rộng và hòa cùng dòng chảy của tinh hoa văn hóa nhân loại.
Thủ tướng khẳng định, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa đặc biệt, góp phần phát triển, làm gia tăng giá trị du lịch và trách nhiệm với văn hóa của nhân loại, qua đó gìn giữ truyền thống lịch sử, vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để tiếp tục tạo sức sống mới, sự lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ giá trị của nghệ thuật Xòe Thái, Thủ tướng đề nghị chính quyền, nhân dân và cộng đồng người Thái ở các tỉnh Tây Bắc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp triển khai nghiêm túc, hiệu quả “Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Xòe Thái” theo đúng cam kết với UNESCO.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp thiết thực, cụ thể để giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống của các dân tộc nói chung và Xòe Thái nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với văn hóa, con người và lịch sử, góp phần đưa di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, đại diện cho UNESCO trao bằng của UNESCO công nhận "Nghệ thuật Xòe Thái" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đại diện Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch. (Ảnh: VGP)
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam đánh giá: Nghệ thuật Xòe Thái giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của mọi người. Đó là những bước nhảy nhẹ nhàng hòa quyện với tiếng đàn, giọng hát, tiếng leng keng của những món trang sức bạc treo trên eo của phụ nữ dân tộc Thái. Nghệ thuật Xòe Thái là một nghệ thuật mang tính xã hội tập trung vào mối quan hệ giữa người và người.
Nghệ thuật Xòe Thái nhắc nhở chúng ta về những gì quan trọng trong cuộc sống của mình, đó là những mối quan hệ sâu sắc mà chúng ta thiết lập với gia đình, bạn bè, cộng đồng và hơn thế nữa. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào điệu múa này bất kể giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp hoặc địa vị xã hội. Do đó, đây thực sự là một loại hình nghệ thuật mang tính hòa nhập cao. Nghệ thuật Xòe Thái mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam.
Bà Pauline Tamesis cho rằng: Việt Nam có 54 dân tộc, và mỗi dân tộc đều có những truyền thống và hình thức sinh hoạt văn hóa riêng. Sự kiện ngày hôm nay cũng đồng thời nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của sự đa dạng và tự do thực hành văn hóa của mỗi người dân trên đất nước Việt Nam. Chúng ta có thể coi sự ghi danh này là cơ hội để cập nhật các chính sách về biểu đạt văn hóa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và hỗ trợ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Hôm nay, chúng ta hãy cùng chia sẻ niềm tự hào rằng điệu múa này không chỉ được vinh danh vì những khán giả có mặt ở đây, hoặc vì cộng đồng người Thái, mà vì toàn thế giới bởi đây là một biểu hiện độc đáo của sự sáng tạo văn hóa đa dạng của nhân loại.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: CPV)
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, “Nghệ thuật Xòe Thái” là hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, được hình thành và phát triển cùng với cộng đồng người Thái; phản ánh sự đa dạng văn hóa, mang thông điệp về sự cởi mở, thân thiện, đoàn kết; là sợi dây gắn kết cộng đồng - cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở khu vực Tây Bắc.
Ông Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát biểu khai mạc tại buổi lễ. (Ảnh: VGP)
Cùng với tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái”, tỉnh Yên Bái cũng đồng thời tổ chức khai mạc "Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022". Yên Bái hy vọng du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị, ấn tượng sâu sắc, khó quên về những nét đẹp tiềm ẩn của “nơi hội tụ những sắc màu Tây Bắc” - vùng đất thiên nhiên tươi đẹp với những con người thân thiện, nhân ái, mến khách; cùng hòa chung những điệu xòe đắm say lòng người để cảm nhận trọn vẹn những giá trị của di sản “Nghệ thuật Xòe Thái” trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Sau lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, các đại biểu dự lễ cùng bước vào không gian nghệ thuật, cảm nhận những nét văn hóa độc đáo qua chương trình nghệ thuật với chủ đề “Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản”. Chương trình nghệ thuật được giàn dựng công phu gồm các tiết mục múa, hát, trình diễn nghệ thuật Xòe Thái do các ca sĩ, vũ công, đặc biệt là các nghệ nhân dân gian tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái biểu diễn.
Những tiết mục Nghệ thuật Xòe Thái đặc sắc được trình diễn tại buổi lễ.
Đặc biệt, kết thúc chương trình là màn trình diễn “Tinh hoa nghệ thuật Xòe” hội tụ những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc tiêu biểu đã trở thành di sản của người Thái ở Tây Bắc, với sự tham gia của 2.022 nghệ nhân, diễn viên quần chúng và đồng bào các dân tộc 4 tỉnh có di sản. Mở đầu là hình tượng Xòe cộng đồng với các vòng tròn nhỏ đại diện cho 4 cộng đồng người Thái ở các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Các vòng xòe cộng đồng mang đến thông điệp đoàn kết, giao thoa và chan hòa trong không gian văn hóa của miền Tây Bắc.
Trước đó, từ năm 2016, tỉnh Yên Bái và các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” đệ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày 15/12/2021, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhận loại, tại tỉnh Yên Bái.
"Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022" gồm có chuỗi sự kiện triển lãm, các lễ hội sẽ diễn ra liên tục từ nay đến trung tuần tháng 10/2022 tại thành phố, thị xã, huyện của tỉnh Yên Bái. Nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa, thu hút khách du lịch trong và nước đến với địa phương, cụ thể:
- Lễ hội giã Cốm vào ngày 25/9/2022 tại xã Tú Lệ.
- Hành trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, Tà Xùa vào 25/9 tại sân vận động trung tâm huyện Trạm Tấu.
- Ngày hội văn hoá các dân tộc Trạm Tấu diễn ra ngày 1/10/2022 tại Sân vận động trung tâm huyện Trạm Tấu.
- Lễ hội Gầu Tào vào trung tuần tháng 12/2022.
- Lễ hội hóa trang chào năm mới vào tháng 12/2022.
- Lễ hội Bưởi Đại Minh và Khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà từ ngày 4/11 - 6/11/2022; khai mạc 19h30’ ngày 05/11/2022.
- Lễ hội Quế Văn Yên lần thứ IV từ ngày 13/10 - 17/10/2022, khai mạc 20h00 ngày 14/10/2022.
- Chương trình du lịch “Về miền đất Ngọc” vào ngày 02 - 04/12/2022 tại thị trấn Yên Thế.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.