Mía ngọt vẫn đắng!
Thời hoàng kim, chỉ riêng tỉnh Hậu Giang đã có tới 14.000 ha đất trồng mía, đưa vùng ĐBSCL trở thành vùng mía nguyên liệu lớn nhất nước. Nhưng liên tiếp nhiều năm, ngành mía đường liên tục rơi vào cảnh bi đát, với những nhà máy đóng cửa, nông dân thua lỗ... "Vương quốc mía" ngày nào đang lụi tàn với những diện tích dần thu hẹp.
Thu hoạch mía ở Đồng bằng sông Cửu Long
Như ở huyện Phụng Hiệp. Cách đây gần 10 năm, toàn huyện có gần 9.000ha mía, mỗi năm cung ứng cho các nhà máy đường trong tỉnh hơn 1 triệu tấn mía. Tuy nhiên, do tác động của giá cả thị trường, giá bán luôn tỷ lệ nghịch với chi phí đầu tư khiến cây mía nơi đây dần bị thu hẹp. Đặc biệt, hiện nay 2 trong tổng số 3 nhà máy đường trong tỉnh đã ngừng hoạt động, cây mía cũng buộc phải giảm diện tích để phát triển ổn định.
Cứ mỗi năm vùng mía huyện Phụng Hiệp lại thu hẹp từ 800-1.000ha để chuyển sang các loại cây trồng khác. Từ 9.000ha vào năm 2010 đến niên vụ 2021-2022 chỉ còn 3.700ha. Hơn 6.000ha mía được nông dân ở huyện Phụng Hiệp chuyển đổi sang các loại cây trồng như: cây ăn trái, khóm MD2, lúa, chuối, tràm…
Bà Nguyễn Thị Lành, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp cho biết: “Hễ năm nào giá mía tăng thì năm đó chi phí sản xuất vụ mới cũng đội lên vài phần. 1ha mía của gia đình bán xong trừ hết các khoản chi phí lãi chưa đến 20 triệu đồng, chỉ đủ để mua mía giống cho vụ sau, các khoản chi phí khác phải tiếp tục vay mượn.
Ở đây không trồng mía thì nông dân cũng không biết trồng cây gì. Bởi nhiều năm thua lỗ với cây mía, bà con cũng không còn tiền để đầu tư cho việc chuyển đổi”.
Thời gian gần đây, nước mía giải khát ngày càng được ưa chuộng trên thị trường, có thể bán và tiêu thụ ở bất cứ đâu, dẫn đến nhu cầu thu mua mía chục ngày càng lớn.
Một điểm thu mua mía chục ở TP Cần Thơ
Mía chục tức là 1 chục có 10 cây mía. Người nông dân trồng lâu năm, nên có thể ước tính trọng lượng mỗi cây mía là bao nhiêu. Hình thức bán này không cần phải cân, người bán chỉ cần ước tính trọng lượng, rồi quy theo giá đã được thống nhất.
Hiện mía bán chục có giá cao hơn nếu bán cho nhà máy đường từ 500 đồng/kg. Từ đây, các nông hộ đã chuyển sang trồng mía chục, bán cho các điểm giải khát, không còn bán cho các nhà máy đường nữa.
Theo các nông hộ, mía chục không yêu cầu khắt khe về trữ đường như mía bán cho nhà máy nhưng đòi hỏi cây mía phải thẳng, lóng dài nên buộc nông dân phải tập trung đầu tư và làm kỹ ở các khâu trong quá trình canh tác. Trồng mía chục có thời gian ngắn hơn trồng mía đường, 2 năm có thể trồng được 3 vụ. Chưa kể bán mía chục còn giảm được chi phí nhân công thu hoạch.
Ông Lê Văn Công (tỉnh Hậu Giang) nói: “Mía bán cho nhà máy đường hàng năm giá dao động từ 1.000-1.100 đồng/kg, nhưng dân phải tốn chi phí nhân công thu hoạch gần 300 đồng/kg. Trong khi trồng mía chục, giá bán bình quân hàng năm ổn định ở mức 1.500 đồng/kg, có lúc hơn 2.000 đồng/kg, thương lái tự thuê nhân công để thu hoạch mía nên người trồng mía hạn chế được chi phí phần này”.
Việc nông dân chuyển sang bán mía để làm nước giải khát, vì giá cao hơn; đã khiến nhà máy đường lo lắng vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu.
Ghi nhận tại Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco), niên vụ sản xuất 2021-2022 vừa qua, tổng sản lượng mía ép của công ty đạt 70.623 tấn mía và sản xuất ra được 7.078 tấn đường. Diện tích mía của nông dân được ký kết hợp đồng bao tiêu với công ty là 1.500ha.
Gần đây, hoạt động của ngành mía đường đã khởi sắc, nên doanh nghiệp đang phấn đấu nâng số diện tích mía bao tiêu với nông dân lên 3.000ha trong thời gian tới.
Tuy nhiên, điều này sẽ rất khó khăn. Bởi ngay thời điểm được cho là khởi sắc nhất thì giá mía bán cho nhà máy cũng chỉ quẩn quanh ở mức 1.000-1.100đ/kg (10 chữ đường). Trong khi giá mía chục hiện nay lên tới hơn 2.000 đồng/kg. Nên không thể hấp dẫn nông dân.
Ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ, cho biết thêm: “Phía công ty đã ban hành kế hoạch đầu tư và bao tiêu mía 3 năm tiếp theo. Theo đó, đối với mía lưu gốc chúng tôi đầu tư 30 triệu đồng/ha, mía trồng mới là 37 triệu đồng/ha để nông dân có điều kiện mua phân bón, mía giống hay công chăm sóc. Toàn bộ cho phí này chúng tôi không tính lãi nhưng mong muốn đến vụ người dân giao mía đúng với sản lượng đã ký kết với nhà máy. Mục tiêu công ty hướng đến là cùng người dân phát triển ổn định vùng mía”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.