Mùa lạnh: Cơ thể càng nhạy cảm với cúm!
Cúm cũng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi hay hiếm gặp hơn là viêm cơ tim và cần phải nhập viện.
Một buổi sáng, khi thức dậy bạn hắt hơi, ho, sổ mũi hoặc đau nhức, sốt, thân hình uể oải không muốn cử động, làm sao bạn biết mình mắc phải triệu chứng cảm lạnh hay cúm? Dân gian ta thường lầm “cảm cúm” là do virut cúm nhưng thật sự ra “cảm” và “cúm” là hai bệnh hoàn toàn khác nhau. Cúm nghĩa là nhiễm virut cúm với mỗi năm mỗi virut khác nhau, còn cảm là bệnh lý do virut thông thường gây ra hoặc do thay đổi thời tiết, tạng người dị ứng, sức đề kháng kém.
Cảm lạnh thường bắt đầu bằng triệu chứng đau họng và sẽ khỏi sau một hoặc hai ngày. Các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi, cùng với ho sẽ xuất hiện khoảng ngày thứ tư và thứ năm. Người lớn bị cảm lạnh thường ít sốt cao, nhưng có thể bị sốt nhẹ. Trẻ em có nhiều khả năng bị sốt khi mắc cảm lạnh. Vài ngày đầu, người bệnh chảy nước mũi trong. Sau đó, nước mũi trở nên đặc và thẫm màu, đó là diễn tiến rất tự nhiên.
Mùa lạnh: Cơ thể càng nhạy cảm với cúm!
Phần lớn các trường hợp cảm lạnh không kéo dài ngày, triệu chứng nhẹ, ít sốt cao và khả năng lây ít hơn so với bệnh cúm, thường không gây đau nhức mình mẩy. Cảm ít khi gây ra biến chứng và sẽ tự hết. Tuy nhiên, ngủ kém, dinh dưỡng không đủ khiến sức đề kháng kém đi, đặc biệt ở người có cơ địa dị ứng, nên mới dễ bị cảm sụt sùi. Do đó, cảm lạnh cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để virut cúm tấn công tiếp theo sau đó, đặc biệt là vào mùa lạnh.
Cúm
Vào mùa lạnh, người ta rất coi trọng bệnh cúm vì khả năng virut sống, tồn tại trong môi trường ở nhiệt độ thấp dễ dàng hơn và lây lan nhiều hơn. Đặc biệt vào mùa lạnh, cơ thể người “hợp” với virut cúm nhiều hơn vì lúc đó sức đề kháng dễ suy giảm. Cúm nhiều khi lây cho cả gia đình. Triệu chứng cúm xuất hiện đột ngột và rất rầm rộ như sốt rất cao (39 - 40oC), đau nhức mình mẩy, đau hốc mắt, sổ mũi, hắt xì với tần suất nhiều, thậm chí cả nôn mửa và tiêu chảy.
Bệnh cúm ảnh hưởng nhiều đến năng suất lao động, vì người mắc bệnh cảm vẫn có thể đi làm được. Còn theo thời gian, các triệu chứng của bệnh càng diễn tiến càng làm cho người bệnh mệt mỏi, toàn thân đau nhức, đau hốc mắt, cay mắt, chảy nước mắt và dễ lây bệnh cho người khác nên phải ở nhà ít nhất từ 3 - 5 ngày.
Điều trị cúm chủ yếu là điều trị triệu chứng bằng cách hạ sốt, giảm ho, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, ăn nhiều trái cây tươi. Đối với cúm nặng hoặc cúm trên cơ địa đặc biệt, người ta mới dùng đến thuốc kháng virut. Một biến chứng phổ biến của cúm là viêm phổi, đặc biệt ở trẻ em, người cao tuổi, hen suyễn hoặc những người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, phổi.
Do đó, bệnh nhân phải theo dõi hơi thở. Nếu bị khó thở, thở hổn hển, thở gấp hoặc thở mệt, bệnh nhân phải được nhập viện để bác sĩ theo dõi sát diễn tiến của bệnh và kịp điều trị, phòng ngừa các biến chứng nặng. Một dấu hiệu thông thường khác của bệnh viêm phổi là sốt xuất hiện trở lại sau khi đã biến mất trong một hoặc hai ngày.
Giống như các loại virut, virut cúm xâm nhập vào cơ thể qua các màng nhầy ở mũi, mắt, hoặc miệng và có thể lây nhiễm nếu chạm tay vào các mặt phẳng bị nhiễm bẩn. Vì vậy, biện pháp phòng ngừa đầu tiên và rất quan trọng là phải giữ rửa sạch bàn tay để ngăn ngừa cả cúm và cảm lạnh. Trẻ em trên 6 tháng cho đến người cao tuổi nên đi chích ngừa cúm mỗi năm một lần, vì virut cúm có đặc tính thay đổi theo năm.
Cảm lạnh thông thường
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.