Ngành ngân hàng với cách mạng công nghiệp 4.0
Quá trình chuyển đổi số, số hóa dịch vụ ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ và làm thay đổi căn bản mô hình kinh doanh, quản trị tại nhiều ngân hàng. Trong xu hướng đó, mô hình ngân hàng truyền thống phụ thuộc vào mạng lưới chi nhánh sẽ dần được chuyển dịch sang mô hình tích hợp các dịch vụ ngân hàng điện tử.
Theo một thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên quan đến việc triển khai chiến lược chuyển đổi số tại các ngân hàng cho thấy: có khoảng 59% Tổ chức tín dụng (TCTD) đã bước đầu triển khai chiến lược chuyển đổi số trong thực tế, có 35% cho biết đang nghiên cứu xây dựng chiến lược. Chỉ có 6% cho biết chưa tính đến việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số… Số liệu trên cho thấy, các ngân hàng Việt Nam đã thực sự sẵn sàng cho chuyển đổi số và thực hiện số hóa các dịch vụ ngân hàng.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Ngành ngân hàng Việt Nam với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” |
Sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã trao quyền cho khách hàng với khả năng tìm kiếm, tiếp cận thông tin, phá bỏ rào cản địa lý để lựa chọn dịch vụ phù hợp nhất. Khách hàng dần trở thành trung tâm, là cơ sở để xây dựng các sản phẩm dịch vụ, phương thức bán và tiếp cận của ngân hàng. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, quá trình số hóa trong ngành ngân hàng đã diễn ra với mọi sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, từ thanh toán, chuyển tiền, cho vay, tiết kiệm đến quản lý tài chính…
Sự ra đời của mô hình ngân hàng số như: TPBank với dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank; VPBank với ứng dụng ngân hàng Timo; VietcomBank với không gian giao dịch công nghệ số DigitalLab; VietinBank với Corebank thế hệ mới- hiệu suất cao, tích hợp đa dịch vụ và kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) hiện đại; MB với ứng dụng trợ lý ảo ChatBot phục vụ khách hàng 24x7 trên mạng xã hội; VIB với ứng dụng MyVIB… là những ví dụ điển hình cho xu hướng này. Bên cạnh các ngân hàng, sự xuất hiện của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) với những giải pháp tài chính riêng biệt trên nền tảng số… cũng đã góp phần đẩy nhanh chiến lược số hóa trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Các ngân hàng đang tăng tốc đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại đột phá như: Cloud, Big Data, AI, blockchain… vào trong phát triển sản phẩm dịch vụ.
Nhìn nhận về xu hướng số hóa hoạt động ngân hàng, tại một hội thảo chuyên về cách mạng công nghiệp 4.0 gần đây, ông Nguyễn Hưng, tổng giám đốc TPBank nhận định, xu hướng số hóa các hoạt động ngân hàng là tất yếu. Với những ưu thế vượt trội, những kênh tiếp cận trên nền tảng số đang tạo điều kiện cho ngân hàng gia tăng thị phần một cách thần tốc, vượt xa khả năng của những chi nhánh truyền thống. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, ưu thế sẽ thuộc về những ngân hàng có thể thích ứng linh hoạt với nhu cầu của khách hàng và nắm bắt những cơ hội đến từ công nghệ mới.
Dịch vụ hỗ trợ tiền gửi tại Vietcombank. Ảnh minh họa (Nguồn Internet ) |
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lí, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) kiêm Phó trưởng ban chỉ đạo Fintech NHNN cho biết, các ngân hàng Việt Nam đã nhận ra sức mạnh của chuyển đổi số thực sự nằm ở việc tạo ra một lõi kỹ thuật số. Theo đó, lõi kỹ thuật số này là nền tảng cho sự phát triển ngân hàng số giúp mở rộng giao tiếp với hệ sinh thái số của khách hàng và các công ty Fintech qua các giao diện chương trình ứng dụng (APIs).
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, ông Sơn cho biết, NHNN đã đề ra những giải pháp cụ thể giúp định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngân hàng. Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với các sản phẩm, dịch vụ mới ứng dụng công nghệ, mô hình kinh doanh mới (ngân hàng số, ví điện tử, nhận biết khách hàng điện tử (eKYC), OpenAPI)… đáp ứng nhu cầu quản lí trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0. Đồng thời, tạo dựng môi trường pháp lí thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các tổ chức Fintech, khuyến khích các sản phẩm, giải pháp Fintech an toàn, hiệu quả (ưu tiên xây dựng khuôn khổ pháp lí thử nghiệm)…
Một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra khi thực hiện số hóa các hoạt động ngân hàng, đó là bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng và các giao dịch thanh toán của khách hàng cũng được NHNN lưu tâm và có những định hướng cụ thể. Theo đó, NHNN sẽ áp dụng tiêu chuẩn an ninh bảo mật tiên tiến phù hợp với xu hướng phát triển của ngành ngân hàng và chuẩn mực quốc tế. NHNN cũng đặt yêu cầu hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi thế hệ mới, đầu tư các công nghệ nền tảng của CMCN 4.0 đáp ứng xu thế phát triển ngân hàng số, hợp tác ngân hàng - Fintech. Đồng thời, ưu tiên phát triển các giải pháp thanh toán an toàn, hiệu quả, tiện lợi ứng dụng công nghệ mới (như thanh toán phi tiếp xúc - NFC, thanh toán QRCode, số hóa thông tin thẻ- Tokenization…).
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.