Nghệ An: Con thứ 3 không được học mầm non - Biết sai nhưng phải chịu
2016-08-20 22:09:46
0 Bình luận
Hình thức tuyển sinh vào trường mầm non kiểu kỳ lạ này đã khiến nhiều em nhỏ ở xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) không được đến trường chỉ vì sinh con thứ 3.
Trường mầm non Quỳnh Tân (Ảnh: N.Hoa) |
Năm học mới đã bắt đầu, nhiều phụ huynh sinh con thứ 3 tại xã Quỳnh Tân đang rất lo lắng con sẽ không được đến trường. Quy định tuyển sinh của trường mầm non Quỳnh Tân đã khiến cho những em nhỏ trong diện sinh đẻ ngoài kế hoạch phải “thất học”.
Từ hơn 1 tuần qua, vợ chồng anh Cao Trọng Tư (37 tuổi, trú xóm 3, xã Quỳnh Tân) đã phải chạy khắp nơi “cầu cứu” nhưng đứa con trai 3 tuổi của anh vẫn không được nhận vào trường mầm non. Theo anh Tư, năm 2015, vợ chồng anh gửi con vào trường mầm non Quỳnh Tân được khoảng 2 tháng thì xin nghỉ để đưa con cùng qua Lào làm ăn.
“Bây giờ tôi đưa vợ con về nhà để cháu được đi học sớm làm quen với bạn bè và trường lớp thì nhà trường lại không nhận với lý do cháu là con thứ 3. Hiện lượng học sinh dư thừa nhiều nên nhà trường ưu tiên nhường suất cho những em sinh đẻ trong kế hoạch mà thôi”, anh Tư cho biết.
Anh Tư cho biết, nhà trường đề ra quy định tuyển sinh như vậy là không công bằng. Mọi khoản thu xã hội ở trường, xã ai cũng đều đóng góp đầy đủ như nhau. Thậm chí, khoản tiền phạt khi sinh con thứ 3 cũng đã được anh Tư nộp đầy đủ nhưng bây giờ lại phải chịu “phạt” thêm một lần nữa.
Cũng với tình trạng trên, chị Nguyễn Thị N. cũng không thể cho con gái 3 tuổi của mình đi học mầm non khi nhà trường từ chối nhận vì cháu cũng là con thứ 3. Theo chị N. đây là thực trạng chung của những hộ dân có con sinh đẻ ngoài kế hoạch.
“Chúng tôi muốn cháu được đi học sớm một chút để cháu theo kịp với bạn bè. Hơn nữa, hai vợ chồng đi làm cả ngày, giờ mà để cháu ở nhà thì cũng phải thay nhau nghỉ việc để trông cháu mất”, chị N. buồn bã cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, cô Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng trường mầm non Quỳnh Tân cho biết, hiện trường có 3 cụm trường với 14 lớp mẫu giáo và 3 nhóm trẻ tổ chức bán trú. Ngoài ra còn có 10 nhóm lớp lẻ trên địa bàn các xóm. Lượng học sinh trong độ tuổi từ 2 – 5 tuổi trên địa bàn xã quá đông, cơ sở vật chất của trường lại thiếu thốn, không thể đáp ứng nổi nên mới phải sử dụng biện pháp này.
“Chúng tôi cũng không biết phải làm như thế nào để có thể đáp ứng được hết nhu cầu của các em học sinh trên địa bàn. Từ đầu năm học, tôi đã đề xuất với xã xin được xây dựng thêm để đảm bảo tất cả các em học sinh đều được đến trường nhưng không được”, cô Thủy nói.
Ông Hồ Minh Mậu, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân cho biết hiện trường mầm non Quỳnh Tân còn thiếu hơn 20 phòng học nữa mới đảm bảo đầy đủ cho tất cả học sinh tới trường. Mặc dù đã được đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trong 3 năm qua, nhưng do lượng các em trong độ tuổi mầm non tăng quá nhanh nên vẫn không thể đáp ứng đủ.
Ông Mậu thừa nhận việc để trường mầm non Quỳnh Tân không ưu tiên tuyển sinh cho những cháu sinh đẻ ngoài kế hoạch là vi phạm quyền trẻ em. Nhưng không còn cách nào khác, hơn nữa đây cũng là một phương pháp để giúp phần cải thiện vấn đề sinh đẻ kế hoạch trên địa bàn xã.
“Chúng tôi vẫn đảm bảo cho những em 5 tuổi được đến trường 100%. Còn những trẻ từ 2 – 4 tuổi thì trước hết là ưu tiên cho những trẻ sinh đẻ trong kế hoạch trước. Biết như vậy là sai luật nhưng thực sự không còn cách nào khác”, ông Mậu phân trần.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo infonet.vn