Nghẹn đắng ước mơ bé 9 tuổi "gánh" mẹ động kinh, anh bại não, bà già yếu
9 tuổi, bé Hiền trở thành chỗ dựa cho bà ngoại già yếu, mẹ động kinh và anh trai bại não (Ảnh: Hoàng Lam).
Dẫn chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Hoan (SN 1977), ông Phạm Văn Long - xóm trưởng xóm Thanh Tiến, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương (Nghệ An) lắc đầu: "Có lẽ khó kiếm được nhà nào như nhà này nữa. Nhà 4 người thì bà Nguyễn Thị Xuân đã già yếu, mắt mờ, tai điếc, cô con gái Nguyễn Thị Hoan bị động kinh, cháu Nguyễn Danh Ngọc thì bại não nằm một chỗ, chỉ mỗi con bé Hiền là lành lặn".
Căn nhà bé xíu hiện ra, chơ vơ bên ruộng lúa. Trong nhà không có gì đáng giá, lộn xộn, bừa bãi. Dưới bếp, mẹ con chị Hoan đang vật lộn để nhóm lửa. Người phụ nữ khuôn mặt dại dại, tay bế đứa con trai cứ oặt ngửa ra sau, miệng chỉ cô con gái 9 tuổi nhóm lửa. Khói um cả gian bếp bé tẹo, Hiền phùng má thổi lửa, mắt nhòe nước. Em vừa đi học về, mẹ cũng vừa đi xin được gạo, thành thử bữa cơm trưa nấu muộn. Ngoài cơm ra cũng chẳng thấy thức ăn gì.
Chị Hoan bị động kinh, không làm được gì, chỉ ở nhà trông đứa con trai bại não (Ảnh: Hoàng Lam)
14 năm trước, chị Hoan đi lấy chồng. Hai năm sau, người ta thấy chị ôm theo đứa con trai bại não trở về nương nhờ người mẹ già. Nghe đâu chồng chị cũng không được nhanh nhẹn, minh mẫn như người ta. Năm 2013, chị "xin" được đứa con gái, may mắn lành lặn, xinh xắn, đặt tên Nguyễn Thị Thảo Hiền mang theo bao hi vọng.
Chị Hoan cũng thật người, lại mắc chứng bệnh động kinh thành ra chẳng biết làm lụng gì, chỉ ngồi ôm đứa con tật nguyền. Mấy năm gần đây, căn bệnh động kinh ngày càng nặng, có khi đang ngồi bế con, cơn động kinh đột ngột ập đến, hai mẹ con ngã ngửa ra nền nhà. Lắm hôm đang ăn cơm, chị ngã vật ra đất, hất tung cả mâm cơm...
Chị Hoàn phải dùng quần áo cũ, nhét vào bao tải chất quanh giường để phòng Ngọc giãy rơi xuống nền nhà (Ảnh: Hoàng Lam).
Cả nhà 4 con người nhờ vào chế độ bảo trợ hàng tháng của chị Hoan và cậu con trai, phải ăn dè sẻn. Hôm nào hết tiền, chị Hoan đặt con giữa giường, chất bao tải đựng quần áo cũ xung quanh rồi xách rá đi xin gạo. Hàng xóm dẫu chả giàu có gì nhưng cũng san sẻ vài bơ gạo. Đi hết nhà này đến nhà khác, 4 mẹ con bà cháu cũng có cơm trắng lấp đầy bụng đói.
Căn bệnh bại não khiến Nguyễn Danh Ngọc đã 14 tuổi nhưng nhìn như đứa trẻ lên 5, chỉ biết nằm trên giường ú ớ. Dường như cái chiếu mỏng khiến phần khớp nhô lên sau làn da dính vào xương làm Ngọc đau đớn. Thằng bé cố sức quẳng thân mình lật nằm sấp lại nhưng cái đầu không thể ngẩng lên.
Ngọc vẫn có thể hiểu được điều người khác nói, biết gọi mẹ theo cách riêng, biết cười mỗi khi người lạ đến trò chuyện hay cho quà nhưng cậu bất lực không thể điều khiển được cơ thể ốm o, gầy mòn đang ngày càng teo tóp lại.
Những khi mẹ đi xin gạo hay có việc ra ngoài, Hiền sẽ chịu trách nhiệm trông anh trai. Cô bé 9 tuổi bế anh như con mèo nhỏ tha cây dưa cải... (Ảnh: Hoàng Lam).
"Nhiều đêm lạnh và đau quá, nó không ngủ được, cứ quật người xuống chiếu, lắm hôm bật qua mấy cái bao tải, rơi xuống giường. Chỉ khi nào được mẹ bế, nó mới ngừng kêu, thiu thiu ngủ", chị Hoan kể.
Bà già yếu, mắt mờ, tai điếc, mẹ động kinh, thành ra lắm khi, cô bé 9 tuổi phải cáng đáng hết mọi việc trong nhà, từ nấu nướng đến trông anh. Anh đau, kêu nhiều quá, Hiền gắng hết sức bế anh lên, như con mèo nhỏ tha cây cải già. Anh cười hềnh hệch, em cắn chặt môi, mặt đỏ như quả gấc chín. Hiền không biết bố là ai, mẹ cũng chẳng bao giờ nói...
9 tuổi, Hiền mới chỉ học lớp 2 vì đúp một năm. Với đứa trẻ như Hiền, có thể đến trường mỗi ngày đã là nỗ lực lắm rồi. Ngoài những giờ học trên lớp, sách vở dường như là thứ xa lạ khi ở nhà, bởi cũng chả có ai bày dạy, kèm cặp cho em.
Hỏi ước mơ, Hiền chẳng kịp nghĩ ngợi gì, cứ bật ra như thể nó thường trực trong đầu từ bao lâu nay: "Con ước có quần áo mới, có dép, có gạo, có xe đạp để đến trường". Một đứa trẻ 9 tuổi, giấc mơ có đủ gạo ăn nghe thật xót xa, bởi ngày mai, ngày kia, lỡ mẹ không xin được gạo, cái đói sẽ hiện ra ngay trước mắt chứ chẳng xa xôi gì...
Gia đình chị Hoan mong có tiền để sửa sang căn nhà tình nghĩa quá chật chội và xuống cấp nhưng đến bữa ăn còn chưa đủ, giấc mơ ấy còn rất xa vời (Ảnh: Hoàng Lam).
"Biết hoàn cảnh của mẹ con, bà cháu chị Hoan nên hàng xóm cũng sẵn lòng bớt vài bơ gạo hay mớ rau trong vườn. Các dịp lễ tết hay có đoàn từ thiện, địa phương luôn ưu tiên gia đình chị Hoan trước. Đó là trước mắt, nhưng về lâu về dài rất khó, nhất là đối với cháu Hiền. Chúng tôi cũng xin mạo muội đề đạt, mong độc giả Báo Dân trí giúp đỡ để 4 bà cháu, mẹ con có thể sửa sang được căn nhà, cháu Hiền không phải lo đứt bữa hay nghỉ học giữa chừng", ông Phạm Văn Long nói.
Rời căn nhà khi đã trời đã quá trưa, chúng tôi vẫn không thôi ám ảnh trước niềm mơ ước có gạo ăn của cô bé 9 tuổi. Nhìn đôi mắt buồn thăm thẳm ấy, bất giác tôi nghĩ đến cảnh cả cuộc đời dài dằng dặc phía trước của Hiền còn phải đối mặt với bao cực khổ khi người mẹ động kinh và anh trai bại não cùng cuộc sống không lối thoát...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.