Ứng dụng Blockchain vào bất động sản: Hết thời thổi giá, 1 căn hộ bán cho nhiều người?
Không còn chuyện làm giá hay một tài sản được bán cho nhiều người!?
Vietstock Blockchain Summit diễn ra sáng ngày 28/01/2018.
|
Về Blockchain, đây là một công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau, đồng thời mở rộng theo thời gian do đó được gọi là chuỗi khối. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu nên Blockchain là một công nghệ có tính bảo mật vô cùng cao. Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các khối trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống Blockchain sụp đổ, những máy tính khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.
Như vậy, khi ứng dụng công nghệ Blockchain vào giao dịch bất động sản, người dùng sẽ phải trải qua hai bước:
- Thứ nhất là đăng ký quyền sở hữu tài sản, đất đai lên hệ thống chung
- Thứ hai là đăng ký giao dịch tài sản, đất đai lên hệ thống chung
“Và do hệ thống chung đó mọi người đều tiếp cận được, nên mọi thông tin về tài sản, đất đai liên quan đến giá cả, vị trí… đều được công khai và kiểm chứng bởi nhiều người”, ông Kenneth Tan khẳng định, theo đó hiện tượng làm giá, đẩy giá như hiện nay trên “chợ địa ốc” là khó có khả năng xảy ra.
Ông Kenneth Tan, Giám đốc Công nghệ FundYourselfNow.
|
Đồng thời, nếu một giao dịch bất động sản đã được tiến hành, sẽ được lưu lại trên hệ thống và không một ai có thể xóa bỏ dữ liệu này. Như vậy, không chỉ hạn chế được bất cập làm giá, mà công nghệ Blockchain còn giúp loại bỏ hiện tượng một tài sản được rao bán cho nhiều người, dẫn đến tình trạng khiếu nại… như hiện nay.
Giải thích rõ hơn vấn đề này, ông Kenneth Tan cho biết không chỉ lưu lại giao dịch, mà hệ thống còn ghi nhận lại tài sản, đất đai đó đã được giao dịch hay chưa, và thông tin này hoàn toàn công khai. Theo đó, người dùng có thể tự kiểm tra tài sản mình muốn mua đã được giao dịch hay chưa, đồng thời có thể biết được giá bán… một cách minh bạch, chính xác nhất.
Không còn “cò” bất động sản?
Ông Kai Chen - Giám đốc điều hành Olympus cũng chỉ ra ba yếu tố cần lưu ý khi ứng dụng công nghệ Blockchain trong thị trường bất động sản.
Ông Kai Chen - Giám đốc điều hành Olympus.
|
Thứ nhất, là tính minh bạch, khi đăng ký quyền sở hữu tài sản lên công nghệ Blockchain thì ai cũng có thể biết được động sản này là của ai, khi nào giao dịch.
Thứ hai, các doanh nghiệp có thể Token hóa danh mục bất động sản của họ. Chẳng hạn một dự án bất động sản mở bán như hiện nay, người mua phải mua theo đơn vị là một hoặc nhiều căn, một hoặc nhiều block; nhưng với ý tưởng Token hóa thì chủ đầu tư có thể chuyển thể dự án thành Token. Như vậy, người mua lúc này có thể chia nhỏ dự án bằng hình thức đầu tư một phần nhỏ căn hộ chứ không nhất thiết đầu tư cả căn hộ.
Thứ ba là sau khi được Token hóa, dự án bất động sản sẽ được ICO (Initial Coin Offering). Hiện nay, các nhà phát triển bất động sản phát triển trước rồi mới chào bán giai đoạn đầu ra thị trường nhưng đầu tư ở giai đoạn này đã là trễ rồi. Còn khi ứng dụng công nghệ Blockchain, nhà đầu tư có thể đầu tư ngay từ khi dự án còn là ý tưởng thông qua ICO.
Tựu trung lại, ông Kai Chen cho rằng lợi ích tốt nhất khi ứng dụng Blockchain vào bất động sản là không cần phụ thuộc vào bất kỳ một bên trung gian nào. Công nghệ mới sẽ giúp người cần bán, người cần mua, người cần thuê, cho thuê trực tiếp liên hệ mà không cần qua bên thứ ba, từ đó giảm bớt chi phí cả người bán lẫn người mua. Hay nói một cách dễ hiểu sẽ không còn cần “cò” trong hoạt động mua bán bất động sản nữa.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.