Người Cuba làm nông nghiệp
I. Cuba có diện tích đất tự nhiên 10.988.400ha, đất nông nghiệp chiếm 6.240.300ha trong đó diện tích đất canh tác đạt 2.733,6ha, đất phi nông nghiệp 4.748.140ha. Diện tích bình quân trên 1 lao động trong ngành nông nghiệp đạt 5,09ha và trên 1 lao động nông nghiệp trực tiếp đạt 7,35ha. Nhiều diện tích nông nghiệp là các đồng cỏ hoặc vẫn bỏ hoang, chưa khai thác hết, thậm chí chưa khai thác bao giờ.
Từ năm 2007, Cuba đã có những chính sách đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, trao quyền sử dụng đất cho người sản xuất. Cá nhân quản lý, kể cả những người chủ sở hữu và người được trao quyền sử dụng đất 2.242.400ha, chiếm 35,9%, các HTX quản lý 2.107.900ha, chiếm 33,8% và Nhà nước quản lý 1.890.000ha, chiếm 30,3%.
Có lẽ những người quan tâm tới đất đai khi đến Cuba đều có ấn tượng với những cánh đồng bao la rộng lớn. Do địa hình Cuba tương đối bằng phẳng, đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là đồng bằng (3/4 diện tích), một số ít trung du. Vùng đất để phát triển các cây màu chủ yếu là đất đỏ feralit, đất thịt nhẹ, cát pha; nhìn chung đất khá tốt, tầng canh tác dầy, thấm và thoát nước tốt.
Đây là điều kiện rất tốt để phát triển nông nghiệp, đặc biệt phù hợp áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Sông ngòi rất ít và ngắn, nguồn nước tưới phục vụ nông nghiệp chủ yếu là nước ngầm. Nhìn qua các thông số đó, đủ thấy Cuba là mảnh đất làm nông nghiệp tuyệt vời.
Nằm trong vùng biển Caribe, quốc đảo Cuba có khí hậu nhiệt đới ôn hoà, gần như quanh năm nắng ấm, nhiệt độ không quá cao và cũng không quá thấp (thấp trung bình dao động từ 20 - 22oC, cao trung bình từ 30 - 32oC), một năm có khoảng 300 ngày nắng và số giờ nắng trung bình trong ngày là 13 giờ.
Lượng mưa hàng năm qua các vùng, các năm dao động từ 1.100 - 1.400mm, phân bố chủ yếu trong mùa mưa, khoảng 110 - 140 ngày, ít khi mưa dồn dập kéo dài gây lũ lụt như ở Việt Nam. Đây là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp của Cuba.
II. Các cây trồng trong phạm vi dự án mà chúng tôi tham gia thực hiện bao gồm ngô, đậu đen, đậu tương và lạc. Ngô là cây trồng truyền thống ở Cuba, được trồng từ trước khi phát hiện ra châu Mỹ. Ở đây, ngô được sử dụng làm lương thực cho người và thức ăn chăn nuôi. 100% ngô được trồng trong sản xuất là loại ngô tẻ. Một phần diện tích được thu non làm ngô thực phẩm.
Người Cuba dùng cơm
gạo trong các bữa ăn chính, và đậu đen là thành phần quan trọng dưới dạng cơm
đậu đen hoặc món canh hầm (potaje). Chính đậu đen đã làm cân bằng dinh dưỡng
cho con người trong điều kiện các nguồn protit từ động vật còn thiếu. Vì vậy,
đậu đen là cây được quan tâm, ưu tiên canh tác trong vụ đông, vụ thích hợp cho
cây trồng này.
Lao động bằng cơ giới trên cánh đồng rộng lớn ở Cuba
Cây đậu tương cũng
được sản xuất tập trung ở một số nơi, với diện tích hàng ngàn ha, là nguồn cung
cấp cho các nhà máy ép dầu. Người dân Cuba chưa có tập quán dùng đậu tương làm
thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày như ở một số quốc gia khác, hơn nữa cây đậu tương
chưa phải là cây đem lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, đồng thời Nhà
nước chưa có chương trình về sản xuất loại cây này nên từ năm 2013 đến nay,
diện tích trồng đậu tương ngày càng thu hẹp.
Ở Cuba, lạc là cây trồng tự phát, không nằm trong chương trình lương thực nên chưa được Nhà nước quan tâm đầu tư, phát triển. Quy mô sản xuất nhỏ hẹp, năng suất, chất lượng kém không thể cạnh tranh được với lạc nhập khẩu, quy mô sản xuất lạc hiện vẫn còn hạn chế, bộ giống nghèo nàn, sản phẩm chủ yếu để ăn vặt hoặc chế biến bánh kẹo. Trên thực tế, một phần người dân Cuba chưa biết nhiều tới các sản phẩm từ lạc.
Về tập quán canh tác, nông nghiệp Cuba được cơ giới hóa từ khá lâu. Sản xuất nhiều loại cây trồng gần 100% được cơ giới hóa bằng các máy móc lớn, hiện đại. Máy làm đất, gieo trồng, chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch đều có công suất lớn, chủ yếu được nhập khẩu từ các nước phát triển như Hà Lan, Brazil. Hệ thống tưới ở đây cũng rất hiện đại, những dàn tưới được nhập từ Tây Ban Nha với công suất lớn, mỗi giàn có thể tưới bao phủ cho diện tích tới 50ha.
Lao động dành cho nông nghiệp ở Cuba chỉ chiếm 20%, điều đặc biệt ở đất nước Mỹ Latinh này là người lao động trực tiếp trên đồng ruộng chủ yếu là nam giới, rất ít gặp phụ nữ làm những công việc nặng nhọc này. Ở đây phụ nữ được ưu tiên làm những việc nhẹ nhàng hơn.
III. Một số năm gần đây, tại Cuba việc cập nhật các mô hình kinh tế và ban hành một số chính sách mới đã tạo động lực cho nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng phát triển, khuyến khích các hộ nông dân tích cực mở rộng diện tích, nâng cao năng suất và sản lượng các loại cây trồng.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết bộ giống cây trồng không được phát triển thường xuyên. Ngày nay khi mà sự giao thương giữa các nước ở mức độ rất cao, các giống mới, giống tốt trên thế giới nhanh chóng được trao đổi và mở rộng sản xuất nếu nó thích nghi với điều kiện sinh thái của địa phương.
Trong khi đó, bộ giống gần như vẫn rất cũ. Đối với cây ngô, 70% diện tích vẫn trồng giống ngô thụ phấn tự do, chỉ có 30% sử dụng giống lai nhưng những giống này cũng chưa đạt yêu cầu về độ đồng đều, khả năng chống chịu và tiềm năng năng suất. Các giống đều được chọn tạo trong nước, chưa có giống tốt nhập nội.
Các giống đậu tương cũng trong tình trạng tương tự. Một số giống đậu tương có triển vọng được nhập về nhưng do điều kiện chưa có trang thiết bị chế biến và bảo quản tốt nên đã không được bảo tồn và phát triển. Số giống lạc thì vô cùng ít và là giống địa phương, năng suất và chất lượng không cao. Riêng cây đậu đen, một mặt là thế mạnh của đất nước, mặt khác được quan tâm phát triển, bộ giống tương đối phong phú với tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt.
Do bị cấm vận lâu dài, hàng hóa trong đó có vật tư cho nông nghiệp (chủ yếu phải nhập khẩu) ở Cuba còn rất thiếu. Lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không đáp ứng đủ số lượng và đúng thời điểm cần thiết của cây trồng. Nhiều diện tích cây trồng được sản xuất quảng canh và khi dịch hại sâu bệnh phát triển mạnh cũng không có thuốc phòng trừ. Lượng dầu chạy máy nhiều khi cũng không đủ và không kịp thời để triển khai các công đoạn làm đất, chăm sóc và thu hoạch.
Hiện nay, Cuba vẫn áp dụng cơ chế quản lý bao cấp cả đầu vào lẫn đầu ra nên vẫn luôn đối mặt với những bất cập không những trong quá trình sản xuất mà còn cả quá trình tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm sau thu hoạch nhiều khi chất đống, không được chế biến và tiêu thụ kịp thời dẫn đến hao hụt về số lượng và chất lượng.
Chúng tôi đã gặp những cánh đồng lúa, ngô chín rục nhưng chưa được thu hoạch do chưa có kho chứa hoặc bí ngô chất đống ngoài trời sau thu hoạch vì không tiêu thụ được.
Từ những khó khăn trên, ngành trồng trọt chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước. Gạo, ngô, đậu tương vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn để giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm cho nhân dân và thức ăn cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, sản lượng cây trồng đang có xu hướng tăng dần, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và yêu cầu phát triển của ngành nông nghiệp, ngành tuy chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 4% GDP của đất nước, nhưng góp phần quan trọng trong sự ổn định xã hội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.