Người đàn ông Việt kiều đam mê giúp đỡ người khuyết mọi miền đất nước
Đó là anh Nguyễn Leo Long, quốc tịch Mỹ, thường xuyên về Việt Nam làm từ thiện. Không ít những người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn đã được anh cùng đồng đội trao tặng xe lăn, giúp họ di chuyển dễ dàng hơn.
Như chị Hòa, sống tại xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang. Chị là người khuyết tật, mồ côi bố mẹ từ nhỏ, sống trong căn chòi nhỏ giữa đồng. Tích cóp làm lụng mãi, chị Hòa mới dành được một khoản tiền mong mua được chiếc xe lăn. Thế nhưng, không ngờ chị đã bị một người đàn ông lừa gạt, cuỗm hết sạch số tiền đó.
Biết được hoàn cảnh và câu chuyện của chị, anh Long cùng với em trai ruột chẳng những tặng xe lăn cho chị mà còn san sẻ tới những người khuyết tật khác.
Anh Long (bên phải) trao tặng xe lăn cho người khuyết tật (Ảnh: Tuổi trẻ Online)
Những chiếc xe lăn do anh và đồng đội đóng góp đã đi không ít nơi trên mọi miền cả nước. Tại Nghệ An, anh Sơn Lâm (xã Hùng Thành, Yên Thành, Nghệ An) bị khuyết tật bẩm sinh, tay chân co quắp và yếu đi theo thời gian. Chiếc xe lăn tự chế của anh đã lâu năm, hỏng hóc, ọp ẹp không thể dùng được. Thương cảm và khâm phục ý chí của anh Lâm, dù khuyết tật nhưng vẫn biết cách vượt khó mưu sinh, anh Long đã tặng cho anh Lâm một chiếc xe điện.
Trên trang Facebook cá nhân của mình, anh Long vẫn kể những câu chuyện giản dị mang thông điệp yêu thương. Trong đó, anh luôn cảm ơn những người bạn đã chung tay cùng anh. Ở đó, anh luôn hy vọng chiếc xe sẽ giúp đổi thay cuộc đời của người nhận.
Tương tự, sư thầy Đức Minh tu hành tại Đạo tràng An Viên, nằm trên Quốc lộ 1A (đoạn qua quận 12, TP.HCM) cũng là một người đam mê thiện nguyện, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn. Năm 2015, khi ghé thăm các bệnh viện phục hồi chức năng, nhận thấy các bệnh nhân thiếu thốn phương tiện di chuyển khi sau tai nạn, thầy đã nảy lên ý tưởng giúp đỡ.
Ban đầu, để có thể tái chế được một chiếc xe, thầy phải tự mày mò, tìm hiểu về cấu trúc, phụ tùng lắp ráp, có những hôm phải lặn lội hàng chục cây số để săn lùng khắp các bãi phế liệu, chợ đồ cũ,... để tìm mua một chiếc xe cũ còn sử dụng tốt. Trung bình chi phí mua cũ kèm phụ tùng tái chế một chiếc xe lăn giao động từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Những chiếc xe lăn được sư thầy tái chế để đem tặng cho người khuyết tật (Ảnh: PLO)
Mỗi chiếc xe lăn được thầy chế tạo ra đều được tính toán, bố trí hợp lý để vừa vặn với tình trạng của những người khuyết tật. Trung bình thời gian để tái chế một chiếc xe lăn là từ 5 đến 7 ngày, sau khi hoàn thành, xe được đóng gói cẩn thận và gửi qua đường bưu cục đến tận tay người nhận. Có trường hợp những chiếc xe lăn sử dụng 1, 2 năm gặp tình trạng hỏng hóc, thầy sẳn sàng nhận lại sửa chửa và gửi tặng miễn phí một chiếc xe khác.
Qua thời gian, nhận thấy có nhiều người khuyết tật vì phải nằm, ngồi quá lâu dẫn đến lở loét nhưng không có điều kiện chữa trị, sư thầy Đức Minh còn hỗ trợ thêm cả chi phí điều trị bệnh và giúp đỡ chăm sóc các bệnh nhân tại đạo tràng cho đến khi bình phục.
Với sư thầy Đức Minh, niềm vui không đến từ việc thầy đã giúp đỡ bao nhiêu người mà đến từ việc được nhìn thấy những người khuyết tật mình giúp đỡ sống tốt lên từng ngày.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.