Người nông dân khuyết tật đam mê nông nghiệp hữu cơ
Làm nông chỉ với đôi chân
Từ năm 2004, chàng sinh viên Nguyễn Thế Cường đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống thì một tai nạn điện giật bất ngờ đã khiến anh bị hỏng cả 2 tay, phải cưa cụt gần đến vai.
Bất ngờ thành người khuyết tật, phải bỏ dở việc học hành, chàng thanh niên đã trải qua những năm tháng bươn trải làm đủ ngành nghề, quyết làm lại cuộc đời chỉ với đôi chân của mình.
Cảm mến nghị lực của anh, cô gái đến từ Gia Lai Trần Thị Minh Thư đã đem lòng yêu thương và nguyện cùng anh xây dựng cuộc sống. Năm 2009, đôi vợ chồng trẻ kết hôn và lần lượt có 2 cậu con trai kháu khỉnh.
Đến năm 2017, hai vợ chồng có quyết định táo bạo là thuê đất vùng nông thôn Đà Nẵng để làm nông. Khu vườn trái cây đầu tiên ra đời vào đầu năm 2017, rộng 3.500 m2, trong khu vực được quy hoạch làm nông nghiệp chất lượng cao tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, nhưng điều đó vẫn chưa thỏa mãn ước nguyện của anh Cường. Sau khoảng nửa năm, vợ chồng anh chuyển toàn bộ cách thức sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ.
Dốc hết vốn liếng, anh Cường mạnh dạn vay hàng tỷ đồng tiền ngân hàng để đầu tư nhà kính, lắp đặt thiết bị hỗ trợ phun tưới, cây giống.
Anh Cường cũng may mắn được UBND huyện Hòa Vang duyệt hỗ trợ 50% kinh phí xây lắp khung vườn kính, theo nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp chất lượng cao.
“Tôi đến với nông nghiệp là một cái duyên, vì muốn được nuôi trồng, cung cấp những sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi thấy rằng nông nghiệp hữu cơ mới là đích đến đích thực. Tôi cũng muốn chứng minh rằng phương pháp trồng trọt hữu cơ tuy đơn giản, không quá tốn kém về công sức và tiền bạc nhưng vẫn mang lại lợi nhuận cho người nông dân.” – Anh Nguyễn Thế Cường tự tin.
Hàng ngày, vợ chồng anh Cường tất bật với công việc làm nông . Tuy bị cụt cả 2 tay, nhưng anh Cường rất siêng năng, chịu khó và yêu nghề.
Chỉ với đôi chân, anh có thể làm hầu hết những công việc của một chủ vườn như gieo trồng, phun tưới, thu hoạch, cân bán... Vợ anh, chị Trần Thị Minh Thư cũng rất chịu khó, luôn ở bên và cùng lao động với chồng từ sáng đến tối.
Chị Thư cho biết: “Làm nông thì sẽ vất vả rồi, nhưng vì đam mê của anh ấy nên mình cũng quyết tâm theo đuổi. Hiện giờ vợ chồng còn chưa hoàn được vốn, vừa làm vừa trả nợ, nhưng mình nghĩ cứ chăm chỉ làm ăn thì sẽ sống tốt được với nghề thôi.”
Những ngày hè tháng 8, dưới sức nóng hầm hập của lồng kính trên vườn, anh Cường tỉ mỉ chọn lựa từng quả dưa lưới ngon nhất để thu hoạch, chị Thư cặm cụi cân dưa, tính toán để đi giao cho khách, hai cậu con trai khoảng 8, 9 tuổi vui đùa nơi góc vườn. Anh Cường đang sống những tháng ngày êm đềm, với gia đình nhỏ và niềm đam mê nông nghiệp hữu cơ của mình.
Ước mơ đổi đời với dưa lưới
Từ một vườn nhà kính ban đầu, giờ vợ chồng anh Cường đã phát triển thêm 1 vườn nữa để đa dạng hóa các mặt hàng, một nhà trồng rau, một nhà trồng dưa lưới.
Mỗi đợt anh Cường thu hoạch 1.000 gốc dưa lưới được 1,2 đến 1,3 tấn quả, theo giá bán ra thông thường là 50.000 đồng/kg. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
Đối với vườn chuyên canh dưa lưới rộng 3.500 m2, anh chị trồng tổng cộng 10.000 gốc dưa lưới. Để tránh tình trạng dưa chín cùng lúc sẽ khó bán, anh Cường nhẩm tính cứ cách đều 10 ngày lại gieo giống 1 lô, với khoảng 1.000 gốc.
Đều đặn, mỗi đợt thu hoạch khoảng 1.000 gốc dưa lưới được 1,2 đến 1,3 tấn dưa, cứ 10 ngày lại thu hoạch 1 đợt.
Nếu tính giá bán ra thông thường là 50.000 đồng/kg thì cứ 1 tấn dưa sẽ thu lại khoảng 50 triệu đồng, sau khi trừ chi phí vốn cũng đủ để gia đình anh Cường chi tiêu, trả nợ và tái sản xuất.
Anh Nguyễn Thế Cường cho biết thêm: “Vì ứng dụng nông nghiệp hữu cơ nên trong quá trình sản xuất, tôi chỉ dùng công nghệ vi sinh và hoàn toàn không dùng phân bón hóa học, các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Nhờ sử dụng các loại nấm ký sinh côn trùng để bảo vệ cây, khống chế nấm bệnh cùng phân hữu cơ tự ủ, nên các cây dưa vẫn sinh trưởng rất tốt và cho thu hoạch đều đặn. Hệ thống nhà kính, tưới tiêu tự động theo đúng tiêu chuẩn cũng giúp tôi rất nhiều trong vận hành sản xuất và chăm sóc cây trồng dễ dàng.”
Sản phẩm dưa lưới của anh Cường có đầu ra khá ổn định, ngoài cung cấp về chợ đầu mối Hòa Cường thì dưa của anh còn có mặt tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị ở Đà Nẵng như: Tâm An, An Phú, Vita Mart, Big C...
Nhưng thời gian này, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, sức tiêu thụ của các chuỗi cửa hàng cung ứng đang bị giảm đi khoảng 60-70%.
Từ đầu đợt dịch thứ 2 tại Đà Nẵng vừa qua, hơn 3,5 tấn dưa lưới của gia đình bị ùn ứ, hư hỏng, gây thiệt hại khoảng 165 triệu đồng. Số dưa bị chín hỏng, không thể bán, nên anh Cường đành dùng để ủ phân hữu cơ để tái sản xuất.
Hiện nay anh Cường đã giảm giá bán dưa xuống còn 40.000 đồng/kg để nỗ lực thu hồi vốn cho năm sau, nhưng sức mua vẫn thấp. “Những ngày qua, một số đơn vị ở thành phố biết khó khăn của gia đình tôi đã tới tận vườn để “giải cứu dưa”, mua ủng hộ nên đợt dưa mới hơn 3 tạ đã được bán hết. Tôi rất vui và chân thành cảm ơn nghĩa tình, sự đoàn kết của người dân Đà Nẵng đã dành cho gia đình tôi trong mùa dịch khó khăn này”, anh Cường vui mừng cho biết.
Anh Nguyễn Thế Cường thu hoạch dưa lưới. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
Theo ông Nguyễn Đức Tân (Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), anh Nguyễn Thế Cường là một tấm gương vượt khó vươn lên trong sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Không chỉ cần cù chịu khó, anh Cường còn dũng cảm chọn con đường khó, đó là nông nghiệp hữu cơ có ứng dụng công nghệ cao, phương pháp mới trong sản xuất.
Hội Nông dân cũng như chính quyền các cấp luôn quan tâm, hỗ trợ và đồng hành cùng hộ anh Cường cũng như các hộ nông dân trong đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, cung cấp lương thực, thực phẩm sạch cho thị trường.
Qua hai đợt dịch, nhiều người làm nông nghiệp đã bị thiệt hại không nhỏ, do sản phẩm không bán được hoặc giá rất thấp.
Hội Nông dân xã đã phối hợp với Hội Nông dân huyện kêu gọi các đơn vị hỗ trợ mua hàng, kết nối cung cầu, nhưng đầu ra một số sản phẩm vẫn còn khó khăn như cây ăn trái, hoa màu...
Ông Tân cho biết: “Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều đơn vị hỗ trợ các hộ nông dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm, để gỡ khó trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch này. Giúp người nông dân thu hồi vốn, xoay vòng sản xuất và tiếp tục cung cấp những sản phẩm lương thực, thực phẩm chất lượng cho thành phố sau khi dịch bệnh kết thúc.”
Còn đối với người nông dân khuyết tật nhưng can đảm Nguyễn Thế Cường, anh cho biết tạm thời sẽ chuyển phần đất mới thu hoạch dưa qua trồng rau lá ngắn ngày, để quay vòng vốn, sau dịch sẽ tùy điều kiện để tính tiếp.
Trải qua những ngày lao đao chống dịch COVID-19, nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi anh Nguyễn Thế Cường.
Anh là đam mê và lý trí, chị là đôi tay và sự nhẫn nại, vợ chồng anh Cường, chị Thư vẫn đang từng ngày hiện thực hóa đam mê của mình./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.