Lễ cưới cặp đôi khiếm thị và mẹ chồng chọn váy cưới cho con dâu
Anh Minh Hải và vợ, chị Bùi Thị Dung đều là người khiếm thị
Anh Hải chia sẻ, ngày 22/11, anh và vợ làm lễ cưới ở nhà thờ. Hai vợ chồng anh đều là người khiếm thị nên mẹ và em phải chuẩn bị hết. Một số người thấy mẹ anh tất bật thì bảo: "Hai đứa nó có thấy gì đâu mà trang trọng". Bà Tằng Thị Lương, mẹ Hải, không nói gì, chỉ tiếp tục âm thầm chuẩn bị mọi thứ hoành tráng nhất có thể cho hai con.
"Chúng mình chọn váy cưới đơn giản cho dễ di chuyển. Thấy vậy, mẹ liền dặn tiệm niêm phong váy lại, không cho ai khác thuê. Khi váy về đến nhà, không sáng, đẹp như trên hình. Mẹ lặn lội ghé tiệm đổi váy mới. Mẹ lựa váy mới nhất và dài. Lúc đi trong nhà thờ, mình chỉ sợ đạp vào váy vợ té thì làm trò cười. May mắn mọi thứ đều suôn sẻ", anh kể với Tuổi Trẻ Online.
Thấy anh định lấy người khiếm thị, nhiều người khuyên bảo mẹ anh phải cưới về một cô dâu thấy đường, già xấu cũng được, để chăm sóc cho mình. Nhưng bà Lương vẫn ủng hộ quyết định của con. Khi anh dẫn bạn gái về nhà, bà thường đùa: "Con dâu tương lai đây rồi". Bà khen cô dễ thương, và khoe với mọi người: "Nó không thấy đường mà dọn nhà sạch thế". Đi đâu bà cũng hay kể cho mọi người nghe những điều tốt đẹp của con dâu, để mọi người không còn nói ác ý nữa.
Anh Hải và vợ quen nhau từ 5 năm trước. Khi đó, chị đăng tin tuyển dụng người viết SEO nên anh đăng ký. Lúc đó, cuộc sống anh chênh vênh, chưa có hướng đi. Nhờ sự đồng cảm, anh Hải tìm được bản thân, vươn lên giành học bổng toàn phần ngành quản trị kinh doanh tại một trường đại học quốc tế ở TP.HCM, xây dựng các cộng đồng hỗ trợ người khiếm thị.
"Trước đó, ba mẹ cũng nói mình nên tìm người sáng mắt để chăm sóc. Nhưng mình thấy mình và vợ hợp nhau. Tụi mình sinh hoạt như người bình thường. Mình nấu ăn, cô ấy rửa chén. Mình giặt đồ, vợ tưới cây. Tụi mình còn thích trồng cây, trồng hoa, nấu ăn. Khi dắt cô ấy về, ba mẹ mình thay đổi liền tư tưởng, bảo mình yêu ai thì con lấy", anh Hải nói.
Sau đám cưới, anh Hải đứng lên phát biểu bài cảm ơn dài 30 phút lấy hết nước mắt của người tham dự. Mọi người cũng chúc mừng gia đình. Mẹ anh vui lắm, lấy video gửi mọi người xem lại. Sự tự hào, ủng hộ của mẹ làm Hải cảm thấy tự tin vào sức mạnh của bản thân.
"Mình mong mọi người khuyết tật đều nhận được sự ủng hộ của gia đình giống mình, để cuộc đời họ bớt nhọc nhằn, và tự tin hòa nhập cộng đồng", anh nói.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, bà Tằng Thị Lương (sinh năm 1975, Đà Lạt) chia sẻ, bà có 4 người con. Hải không may mắn, bị khuyết tật khi anh 14 tuổi. Điều gì anh cũng phải cố gắng gấp đôi, gấp ba người khác. "Tôi không áp đặt, chỉ cố gắng tạo sự thoải mái cho các con để chúng vững bước trong tương lai. Tôi chỉ mong con những điều tốt đẹp nhất, cuộc sống bình yên, hạnh phúc", bà nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.