Nỗi đau của người mẹ dành 40 năm nuôi con lớn tâm thần: 85 tuổi chống gậy bán rau
Cụ Trịnh Thị Nga hàng ngày ngồi bán hàng trong ngõ nhỏ gần căn phòng thuê trọ tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). (Ảnh: Nguyễn Hạnh)
Chia sẻ về cuộc đời thăng trầm của mình, bà Nga cho biết, hồi trẻ xinh xắn lại có tài đánh guitar nên nhiều anh chàng si mê. Một lần tình cờ, bà nên duyên với một cán bộ miền Nam. Với mong mỏi được cống hiến cho đất nước, bà được tạo điều kiện trở thành nhân viên 1 đơn vị bao cấp.
Sẵn tuổi trẻ, bà nỗ lực hết mình cho công việc, chẳng ngại ngần gì cả. Vợ chồng bà có hai người con trai, cứ tưởng vậy là viên mãn. Nhưng đời không dễ dàng gì cả.
Sau khi hòa bình lập lại, chồng bà muốn quay về miền Nam nhưng bà Nga không theo. Phần vì quen sống ở Hà Nội, phần vì bà muốn tiếp tục công việc của mình. Không thống nhất được quan điểm, hai người đành ly hôn, mỗi người nuôi 1 đứa con.
Người con trai cả tâm thần bất ổn của bà Nga năm nay đã hơn 60 tuổi. (Ảnh: Sưu tầm)
Sau thời gian lý hôn, chồng cũ của bà Nga mắc bạo bệnh và qua đời. Người con út được gửi gắm nuôi tận trong Cần Thơ xa xôi. Che giấu nỗi nhớ con, bà Nga ở vậy, một tay nuôi nấng người con cả.
Không phụ công mẹ, anh con trai cả cố gắng học hành, thành tài, đỗ vào trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, thậm chí còn được mời vào làm việc tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tưởng công lao cực khổ nuôi con trai thành tài được báo đáp, ai ngờ sóng gió bất ngờ ập đến. Anh con trai cả của bà Nga phát bệnh tâm thần. Do không có tiền chữa bệnh nên bà Nga bán nhà chạy chữa cho con nhưng bệnh tình ngày một nặng hai mẹ con đành chấp nhận số phận cay đắng này.
Hiện tại, dù đã bước vào ngưỡng 85 tuổi, lưng đã còng mắt đã mờ nhưng cụ bà vẫn phải mỗi ngày chống gậy dọn hàng rau kiếm sống. Con trai của bà Nga từ lúc phát bệnh thì dù sống chung một mái nhà nhưng cứ lủi thủi một mình, không quan tâm cũng chẳng đoái hoài gì đến mẹ già. Ngày 2 lần, người con ra hàng rau của mẹ để đòi tiền mua thức ăn chứ chẳng tỉnh táo được để hỏi mẹ có mệt không hay có cần con dọn hàng hộ không.
Ngôi nhà thuê của bà Nga chỉ vỏn vẹn 10m2 đã xuống cấp, chất đầy đồ đạc cũ kỹ, bức tường đã hoen ố nhuốm màu thời gian. (Ảnh: Sưu tầm)
“Từ khi phát bệnh, nó chẳng gọi bà là mẹ nữa. Bao nhiêu năm nay rồi nó toàn tự nấu tự ăn, chẳng bao giờ mời mẹ ăn cơm một tiếng. Lâu rồi bà cũng ăn ở ngoài luôn, mỗi bữa 20 nghìn cơm, hoặc ai cho miếng bánh cũng là đủ rồi", bà Nga buồn bã chia sẻ.
Buồn hơn khi bà Nga gạt nước mắt kể về người con út mất liên lạc bao nhiêu của mình. Lúc trước, thi thoảng bà còn nhận được cuộc điện thoại hỏi thăm nhưng từ lúc bị trộm vào phòng lấy mất chiếc điện thoại duy nhất, bà chẳng còn thông tin gì nữa.Đau lòng hơn, gần hai chục năm nay, bà Nga không được gặp mặt người con út. Lúc trước, thi thoảng bà còn nhận được một cuộc điện thoại hỏi thăm nhưng từ lúc bị trộm vào phòng lấy mất chiếc điện thoại duy nhất bà chẳng còn thông tin gì nữa.
"Bà nhớ nó lắm chứ. Chẳng biết nó giờ ra sao, có khỏe mạnh hay ốm đau như nào, cuộc sống có ổn hay không. Cái lần bán nhà bà mất hết cả địa chỉ liên lạc lẫn bức ảnh hồi bé của nó mất rồi. Giờ đến hình dáng của nó, cũng dần mờ đi mất rồi." – Bà Nga tâm sự.
Chú Nguyễn Văn Long (60 tuổi) sống ở gần đây chia sẻ: "Trước đây bà có căn nhà ở Cầu Giấy con trai bị bệnh bán hết nhà, sống tạm bợ ở đây.Hàng ngày kể cả trời mưa rét hay nắng gắt như thế nào bà vẫn ra đây ngồi bán để nuôi con. Dân xung quanh người ta biết nên thương bà lắm. Lúc thì cho bà chút quà bánh hoặc bìa giấy, chai lọ để bà bán đồng nát kiếm thêm".
Dẫu lưng đau và chân mỏi, bà Trịnh Thị Nga vẫn cố đi bán hàng để kiếm ít 20 - 30 nghìn đồng/ngày. Bà tâm sự: "Ngày nào không đi được là tôi không yên lòng. Mỗi lần đi bán hàng là được động chân, động tay và vui khỏe hơn hẳn".
Ngoài sức khỏe, động lực khiến bà Trịnh Thị Nga miệt mài làm việc là còn nguồn kinh phí để mua thuốc men cho người con trai trên 50 tuổi mắc bệnh thần kinh. Lương hưu thấp, ngoài tiền thuốc cho con, bà còn phải đóng 1,5 triệu đồng tiền thuê nhà.
Đã ở tuổi xế chiều, bà Nga chỉ mong có người nói chuyện cùng. Cứ mỗi lần có ai đến hỏi thăm, bà đều quyến luyến không muốn rời. Bà Nga thường thủ thỉ: "Ngày mai lại ra đây chơi với bà nhé!"
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.