NSND Tự Long: Có chê Táo quân, cũng đừng nặng lời!
Vì Táo quân phải tạm “dẹp”… gia đình
Lịch trình hằng ngày của anh có thay đổi nhiều từ khi trở thành NSND?
- Vẫn như mọi khi thôi. 8h sáng tôi đến cơ quan như bao người khác, nghệ sĩ gì thì cũng phải làm việc và cống hiến để ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Gần đây, buổi tối thay vì ngủ ở nhà, tôi “ăn - ngủ - tập” trên trường quay VTV để “chạy nước rút” cho chương trình Táo quân 2016 kịp lên sóng vào đêm 29 Tết.
Còn thời gian nào anh dành cho gia đình?
- Thời điểm này, hai từ "gia đình" phải tạm dẹp sang một bên thôi. Không phải mình tôi đâu, mà các anh chị tham gia Táo quân và nghệ sĩ nói chung là vậy. Cứ cuối năm là bận rộn vô cùng. Công việc ở Nhà hát Chèo quân đội cũng dồn dập, từ việc dựng vở, làm chương trình để diễn dịp Tết và ra Giêng. Đến tối lại chạy qua nhà đài tập, gần sáng tôi mới tranh thủ tạt qua nhà.
Vợ anh có khi nào giận vì “giờ làm việc kiểu nghệ sĩ” này?
- Nói không là nói dối, nhưng vợ chồng cũng phải thông cảm cho nhau thôi. Tôi sống tình cảm và biết điều. Biết vợ vất vả chăm con nhỏ, cuối tuần tôi cũng tranh thủ vào bếp, lúc nào rảnh cũng trông con, hay cho con ăn, uống sữa giúp vợ. Gần đây con gái tôi lại hay thức chơi đêm. Khi tập Táo quân đến 3-4h sáng về, vậy là chơi với con luôn để vợ nghỉ.
Tự Long hạnh phúc bên con gái nhỏ. |
Làm việc từ sáng đến đêm như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe?
- Việc cơ quan, gia đình là đương nhiên phải làm rồi, còn tối đến tranh thủ tập Táo quân là vì đam mê thôi. Ai cũng chung suy nghĩ Táo Quân là đứa con tinh thần, sự kết hợp của một tập thể anh chị em nghệ sĩ đã hiểu nhau tới từng hơi thở. Và nhất là hơn 10 năm nay Táo quân đã là món ăn quen thuộc, nằm trong ký ức của nhiều người, nên nghệ sĩ chúng tôi động viên nhau cố gắng. Chứ nhiều lúc cũng thấy mệt và các "Táo" đều có một nỗi buồn là... “buồn ngủ”. Có năm anh Quốc Khánh và Vân Dung bị mất ngủ kéo dài còn ngất trên trường quay đấy thôi.
Tập vất vả mà thấy các anh chia sẻ hình ảnh ăn tạm có bánh mì hay gói xôi?
- Hà Nội về đêm có cái gì, chỗ tập Táo đều có cả, từ xôi, chè, bánh mỳ... “La liệt” nhất vẫn là mỳ gói. Những thứ đó đều tiện, ăn ngay, dễ làm và dễ mua.
“Kết” nhất vai "Táo thoát nước"
Ăn - tập cùng nhau, chắc chắn anh và các Táo có rất nhiều kỷ niệm?
- Nhiều lắm, nhưng chúng không găm sâu vào trí nhớ mà đã trở thành thói quen của mọi người. Đúng giờ hẹn, chúng tôi có mặt, anh Đỗ Thanh Hải chỉ đạo ai diễn thì người đó làm việc, còn ai chưa đến lượt thì tranh thủ mơ màng ngủ, lướt face, hay ăn uống. Và hầu như ai cũng “tóm” được một vài hình ảnh về những “tư thế lạ” của anh em trong giờ tập. Ngẫm lại cũng thấy vui vui.
Các nghệ sĩ rất tâm huyết, nhưng vài năm nay “Táo” lại hay bị chê?
- Tôi vẫn nhớ một câu thoại trong Táo quân: “Những người làm thì mới mắc khuyết điểm để bắt lỗi, còn những người không làm thì chả có lỗi lầm gì cả”. Có làm có sai, có năm hay, năm dở là bình thường. Chúng tôi lao tâm khổ tứ như vậy rồi, ai chẳng muốn đứa con của mình hay. Còn gần đây mọi người có ý kiến Táo thế nọ, Táo thế kia, hay bảo dẹp bỏ đi, nhưng đó là công sức của tất cả nghệ sĩ. Nên có chê cũng đừng nặng lời, phủ nhận hết những công sức và cố gắng của chúng tôi.
Còn ý kiến các “Táo” thích nói giảm, nói tránh vì ngại “động chạm”, anh nghĩ sao?
- Cuộc sống đâu phải lúc nào chúng ta cũng nói hết được. Nghệ thuật cũng vậy, không phải lúc nào cũng nói thẳng với nhau, có những cái cũng phải ý nhị, kín đáo, có những cái phải nói từ từ. Dân mình thì chỉ thích nói thẳng, đã cười là phải cười thả phanh, xả láng. Vấn đề là đâu phải lúc nào cũng cười được.
“Táo” muốn hay còn phụ thuộc vào chất liệu là tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước năm đó. Táo quân cũng không phải là một cái gì đó ghê gớm, to tát, phải giải quyết vấn đề nọ, vấn đề kia trong đất nước này. Táo quân chỉ là chương trình hài, để cuối năm mọi người cùng xem và cùng cười.
NSND Tự Long gây ấn tượng trong Táo quân bởi khả năng hát và diễn đan xen, linh hoạt. |
Những “chất liệu” nào năm qua sẽ xuất hiện trong Táo quân 2016?
- Kịch bản Táo quân thay đổi liên tục cho đến lúc ghi hình. Nó phụ thuộc vào sự sáng tạo, tùy biến của các diễn viên khi tập. Những vấn đề được báo chí, dư luận quan tâm như kỳ thi THPT, tích hợp môn lịch sử, nạn hối lộ, chạy chức quyền, vệ sinh an toàn thực phẩm… sẽ được Táo quân 2016 phản ánh qua lăng kính hài hước.
3 gương mặt quen Quốc Khánh, Xuân Bắc, Công Lý sẽ tiếp tục vào vai Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, còn Vân Dung, Quang Thắng, Chí Trung đều bám theo các vấn đề quen thuộc như Giáo dục, Kinh tế, Xã hội, riêng Táo của Tự Long có cái tên lạ?
- "Táo Tinh thần" nghe lạ tai vì chưa có trong các năm trước, nhưng thực ra là phụ trách về vấn đề văn – thể - mỹ. Vai diễn của tôi thường được định hình sau cùng và có khi đến lúc ghi hình mới “chốt” tên.
Đâu là thế mạnh của Tự Long so với các nghệ sĩ khác khi đóng Táo quân?
- Tôi nghĩ là giọng hát. Thế mạnh của tôi vẫn được phát huy, nói - hát - diễn cứ đan xen với nhau. Trong Táo quân 2016, ngoài thể hiện các làn điệu chèo, tôi cũng sẽ tham gia chế lời của một số ca khúc nhạc trẻ, để mượn tiếng hát “đả kích” những vấn đề tiêu cực trong xã hội.
Anh “kết” vai diễn nào nhất trong Táo quân?
- Mỗi người có một cái hay riêng, nhưng tôi thích vai Ngọc Hoàng của Quốc Khánh. Qua nhiều năm diễn Táo, anh biết “nhấn”, biết “thả” chỗ nào để có những tình huống hài hước, thâm thúy.
Còn vai Táo nào do mình đóng anh thấy “khoái” nhất?
- Là vai diễn "Táo thoát nước" ở Táo quân 2009. Đây là nhân vật được xây dựng nhằm nói về tình trạng lũ lụt gây bao khó khăn khổ sở cho người dân. Cùng với bài hát "Lụt từ ngã tư đường phố", trận lụt lịch sử tại Hà Nội 2008 đã được tái hiện một cách rõ nét và hài hước. Tôi nghĩ đó là vai diễn “đỉnh” của mình trong Táo quân. Còn "Táo Tinh thần" năm nay cũng có nhiều nét duyên, hy vọng khán giả thưởng thức sẽ không phải "thêm muối".
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Box:
“Táo quân không phải là đại bác, hay tên lửa, có thể đi nhanh, đi trước và giải quyết nhanh chóng các vấn đề như mọi người kỳ vọng” – NSND Tự Long ví von.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.