Tận tâm vì tương lai học trò!
2017-01-19 23:32:09
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Là một giáo viên dạy toán tại Trường THCS Hồng Sơn, với tâm huyết và kinh nghiêm dạy dỗ những “học trò cá biệt” thành “con ngoan, trò giỏi”, năm 2014, cô Vương Thị Mỹ Hòa đã mạnh dạn thành lập Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa và kỹ năng sống cho học sinh phổ thông.
Trung tâm này là thành viên duy nhất trực thuộc Công ty TNHH Tư vấn giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng học M.H. Từ kết quả bồi dưỡng, nhiều học sinh đã thay đổi tính cách, chăm ngoan trong học tập và lễ phép trong giao tiếp, có em đã đậu trường chuyên THPT trước niềm vui vô bờ bến của gia đình…
Đội ngũ giáo viên của Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa M.H là những giáo sinh mới ra trường nhưng rất yêu nghề, yêu thương học trò. |
Cô Hòa nhớ lại: “Nguyện vọng mở Trung tâm được Phòng Giáo dục và đào tạo Thành phố Vinh chấp thuận, khóa 1 thu hút được 55 học sinh, học toán và văn và kỹ năng sống. Khóa thứ 2 của Trung tâm tăng lên 130 em. Các em được học các môn: văn, toán, lý, hóa, kỹ năng sống. Khóa thứ 3 có 170 em. Tất cả học sinh đều được học kỹ năng sống mỗi tháng 1 buổi với thời lượng 90 phút.
Cô Hòa nhận xét: “Nguyên nhân dẫn đến học sinh học kém, trước hết là từ gia đình. Có em gia đình nghèo, phải lao động kiếm sống, hoặc bố mẹ bận bươn chải nuôi con nên không có thời gian đầu tư cho con học. Có những phụ huynh chiều và tin con quá nên không có phương pháp để định hướng, dạy bảo cho con trong học tập. Cũng có phụ huynh mãi làm ăn, không dành thời gian kiểm tra, đôn đốc, chia sẻ, động viên con. Đặc biệt là sự đổ vỡ gia đình, con trẻ xáo trộn tâm lý, người bảo hộ buông lỏng quản lý trong học tập … Về phía xã hội thì có rất nhiều sự cám dỗ sẵn sàng lôi cuốn các em nhập cuộc như các trò chơi điện tử, bóng đá, bi-a và các trang mạng xã hội như facbook, itunes store. Khi đến lớp, do học sinh đông nên các thầy, cô giáo không có thời gian dành riêng cho từng học trò…”
Xuất phát từ lòng yêu thương học sinh, đặc biệt là các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc những em bị bố mẹ sao nhãng, cùng với tâm huyết với nghề nghiệp, cô Hòa đã mời cô Trần Thị Thìn (tiến sĩ tâm lý) cùng với mình dành thời gian ngoài giờ để bồi dưỡng văn hóa và kỹ năng sống cho các em. Trung tâm dạy miễn phí cho học sinh nghèo, giảm 50 đến 75% cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Các giáo viên bồi dưỡng văn hóa và “kỹ năng sống” cho các em đều là giáo sinh mới ra trường, chưa xin được việc làm ở các cơ sở giáo dục. Các cô giáo trẻ này, trước khi đứng lớp, đều được cô Hòa “truyền lửa” bằng lòng yêu nghề, yêu thương học trò và hướng dẫn cách dạy về kỹ năng sống.
Đến với Trung tâm, các em không chỉ được bồi dưỡng thêm kiến thức văn hóa, mà còn được dạy về “kỹ năng sống” |
Thời gian dạy của Trung tâm bắt đầu từ 17 giờ 30 đến 21 giờ 30 và được chia thành 2 ca. Các em được dạy bảo tận tình theo nhóm và theo từng lớp nhỏ, các em được khơi dậy những khả năng, năng khiếu “bẩm sinh”, hướng cho các em xác định được mục tiêu của việc học tập. Nhờ vậy mà 100% học sinh đến với Trung tâm đều có những đổi thay, chuyển biến rất rõ nét. Nhiều hôm thời tiết mưa gió, giá lạnh, các em vẫn quyết tâm đến lớp vì nhận thấy mình được yêu thương, được dạy dỗ tận tình và được cảm thông, chia sẻ. Có nhiều hôm mùa hè mất điện, các em vẫn thắp nến để được học, để được nghe cô giáo nói về ý nghĩa của cuộc sống, lễ nghĩa trong đạo lý làm người.
Em Đỗ Thu T, bây giờ đã là học sinh của lớp chuyên Anh, trường Đại học Vinh tâm sự: “Trước khi gặp cô, em là 1 học sinh ngịch ngợm, phá phách, lực học bình thường. Từ năm lớp 9, được vào lớp do cô Hòa chủ nhiệm, em đã hoàn toàn thay đổi. Cô Hòa đã giúp em trở thành một học trò hoàn toàn khác, chăm học và ngoan. Cô đã giúp em vượt qua mặc cảm quá khứ, vượt lên chính mình. Em đã tích cực tham gia các hoạt động của lớp, của trường và đạt được nhiều thành tích. Em đã biết nhận ra lỗi của mình và nói lời xin lỗi với mẹ, với ba vì những sai lầm của em trong quá khứ. Không chỉ có em mà nhiều bạn học sinh cá biệt khác cũng nhận được sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình của cô Hòa”.
Em Võ thị T, con một cán bộ của Sở N cũng là một học trò chưa ngoan, lầm lì, ham chơi, lười học. Khi biết cô Hòa mở Trung tâm dạy kỹ năng sống và bồi dưỡng cả kiến thức văn hóa, bố của T đã đưa em đến nhưng chưa tin tưởng lắm. Một thời gian ngắn, T thay đổi hoàn toàn, ngoan hơn, chăm học hơn, ý thức trong học tập cũng tốt hơn. Bố và mẹ của T rất mừng vì nỗi lo con gái hư hỏng không còn nữa.
Từ những học trò “cá biệt”, các em đã “tìm thấy” ước mơ của mình trong từng bài giảng, trong tình yêu thương của gia đình, thầy cô, bởi vậy những đêm mất điện, các em say sưa học dưới ánh nến lung linh. |
Em Đinh Việt H được chiều chuộng bởi là cháu đích tôn, cuối hè lớp 8 phải thi lại 6 môn trong đó có 2 môn Toán, Văn. Vào đầu năm lớp 9 em tham gia học cô Hoà và các cô trong trung tâm, kết quả thi chuyển cấp vào lớp 10 em đạt điểm trung bình 7,15.
Em Trần Văn L, em Nguyễn Thị H là 2 học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, với học lực bình thường, luôn rụt rè, tự ti, ít nói. Nhưng qua một năm tham gia bỗi dưỡng văn hoá và kĩ năng sống tại Trung tâm, các em đã chững chạc trong vai trò là lớp trưởng, lớp phó. Cả L và H đã trở thành học trò của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và THPT chuyên của Trường Đại học Vinh Nghệ An.
Em Trần Minh H, Nguyễn Gia T được cô Hoà hướng dẫn làm sản phẩm sáng tạo khoa học kĩ thuật, được giải nhất cấp thành phố, giải nhì cấp tỉnh. Nay cả T và H cũng là học sinh lớp 10 THPT chuyên của Đại học Vinh. Qua cuộc thi sáng tạo khoa học, T và H đã tự làm được “máy bay” bằng điều khiển từ xa, sản xuất ra xạc pin dự phòng, điều hoà mini, hệ thống tưới nước tự động...
Hỏi về những khó khăn trong hoạt động, cô Hòa có 1 đề nghị: “Trung tâm chỉ mong sao thủ tục cấp phép bớt phiền hà. Vì mỗi năm Trung tâm phải xin cấp phép lại 1 lần, nhưng cơ quan cấp phép vẫn yêu cầu các giáo viên tham gia bồi dưỡng tại Trung tâm phải làm lại hồ sơ xin cấp phép như lần đầu nên các cô giáo rất ngại. Họ là những cô giáo trẻ nhưng rất yêu nghề, say nghề và nhiệt huyết lắm!”
Cô Hòa khẳng định: “Nếu gia đình nào con chưa ngoan, học chưa giỏi, hãy tin tưởng gửi gắm vào Trung tâm, nếu là gia đình nghèo, khó khăn sẽ được miên giảm học phí, nếu gia đình có điều kiện, chỉ phải chi phí 30 ngàn đồng cho mỗi buổi học. Chắc chắn, sau một thời gian ngắn, các con sẽ thay đổi rất nhiều”.
Là một cô giáo đã có gần 20 năm công tác trong nghề, bố là thương binh chống Mỹ, đã từng công tác ở những vùng khó khăn- nơi có nhiều trẻ nghèo nhưng ham học, hy vọng, những cam kết, chia sẻ của cô Hòa là chỗ dựa cho những học trò thiệt thòi chắp cánh ước mơ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Thu Hoài – Quán Hiên