Than Uyên - Lai Châu: Hạt Kiểm lâm thu cây hôm trước, bán hôm sau
Biên bản ghi giữ 7 ngày, ngày thứ 2 đã bán
Trao đổi với phóng viên, chị Hà Thị Thu, người dân tộc Thái, sinh sống tại Bản Mé, xã Mường Cang, huyện Than Uyên cho biết: cách hành xử của Hạt Kiểm lâm Than Uyên quá “mau lẹ”, khiến chúng tôi không biết lối nào mà hành xử.
Qua trao đổi, chị Thu cho hay: Vào ngày 20/12/2018, tôi có vào bản Khì, xã Tà Hừa chơi. Gặp anh bạn trưởng bản là Lò Văn Ninh hỏi mua cây phục vụ cho việc trồng 1 công trình dự án ở huyện Mù Căng Chải. Anh Ninh cho biết: một số hộ dân nhà có cây. Và anh sẽ hỏi giúp, nếu được sẽ bán cho tôi. Hai hôm sau, anh Ninh có gọi lại và bảo, bà con trong bản đồng ý bán cây cho tôi. Giá 500 ngàn/ cây. Vậy là tôi có nhờ anh Ninh đặt mua cho 50 cây. Lúc nào đánh xong bầu cho cây. Tôi sẽ thuê xe vào chở. Vì nghĩ cây hoa ban không thuộc nhóm gỗ quý, hiếm, chỉ phục vụ cho việc trồng cảnh trong các dự án, công trình… nên tôi chỉ làm giấy tờ mua bán, giao nhận với bà con nhân dân và trưởng thôn bản mà thôi.
Sau đó, ngày 25/12, tôi và bản trả tiền cho người dân và thuê xe bốc đi trồng ở công trình xây dựng của công ty Thịnh Đạt dưới huyện Mù Căng Chải. Trên đường ra đến Ngã ba Mường Kim thì bị tổ công tác kiểm lâm Than Uyên giữ lại hỏi giấy tờ. Mặc dù đưa giấy tờ mua bán, giao nhận ra. Nhưng tổ kiểm lâm này vẫn không chấp nhận và yêu cầu lái xe chở cây về trụ sở hạt. Tại đây, chị Thu có trình bày rằng, tôi không khai thác trong rừng, không chặt hạ, chỉ mua lại của người dân và mang đi trồng ở công trình dự án làm cảnh quan, bóng mát. Vì nghĩ cây là cây cảnh, không thuộc nhóm gỗ quý hiếm thì sao lại bắt giữ và phạt hành chính. Tuy nhiên, lãnh đạo Hạt vẫn cho giữ cây và xe.
Số cây bị thu giữ để trên thùng xe. |
Đến ngày 27/12, chị Thu tiếp tục đến đề nghị giải quyết thì có gặp kiểm lâm viên tên là Lê Thanh Nghị. Anh Nghị có “gợi ý” rằng, chị sẽ bị phạt 15 triệu, nhà xe bị phạt 15 triệu và nếu có nhu cầu hạt sẽ bán thanh lý lại số cây trên bằng với giá trị chị mua trong bản là 500 ngàn/ cây. Cũng vì không hiểu biết, nên chị đồng ý sẽ mua thanh lý lại, và xin phép ra về để vay tiền mua lại. Nhưng đến 16g chiều ngày 27/12, chị mang tiền lên “chuộc cây” thì số cây trên đã “biến mất”. Trực tiếp trả lời chị, ông Vũ Xuân Bằng (Hạt trưởng) và ông Lê Thanh Nghị (KLV) nói là việc của chị đã có quyết định của Sở Nông nghiệp và UBND huyện mà trực tiếp là đồng chí Phó chủ tịch UBND chỉ đạo thu lại số cây trên để trồng làm cảnh quan môi trường của huyện. Quá bức xúc vì việc trên chị Thu tự đi “điều tra” số cây của mình “biến đi đâu” thì được lái xe Nguyễn Xuân Mừng “tiết lộ”, số cây trên vẫn chở về dự án xây dựng ở huyện Mù Căng Chải, nhưng giá lại cao hơn lúc trước…
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hà Thị Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: cây hoa ban không thuộc nhóm cây gỗ quý, chỉ là cây trồng cảnh trong khuôn viên. Bản chất loại cây này dễ trồng, mọc trong tự nhiên cũng sống được, nó cũng giống như những loại cây khác chuyên trồng tạo cảnh quan, bóng mát như cây bàng, phượng… Nếu hôm đó, giả dụ chị Thu không chở cây hoa ban, nếu chở cây bưởi cảnh, cây phượng, bàng, bằng lăng, ổi, mít… mà cứ thấy có đánh bầu, biết là mang bán sẽ có tiền thì cũng thu của người dân à? Việc làm này cần phải xem xét lại một cách thấu tình hợp lý, Luật sư Thanh chia sẻ.
Trụ sở Hạt kiểm lâm huyện Than Uyên. |
Qua điều tra, phóng viên nhận thấy có nhiều điểm bất thường trong các quyết định của Hạt kiểm lâm Than Uyên như: trong biên bản tạm giữ tang vật, ghi tạm giữ 7 ngày, tại sao chỉ sau 2 ngày, số tang vật là 50 cây hoa ban đã bị “biến mất”. Ai cho phép, cấp nào chỉ đạo mang bán thanh lý ngay số cây trên cho Chủ công trình dự án Resot ở dưới huyện Mù Căng Chải. Tại sao không có Hội đồng thẩm định giá tài sản do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND các cấp làm chủ tịch hội đồng ?, tại sao không thông qua các công ty đấu giá, hoặc trung tâm đấu giá để đảm bảo tính chặt chẽ của pháp luật?
“Tẩu tán” tang vật ?
Trao đổi với ông Hoàng Văn Hiêng, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, ông Hiêng cho biết: đúng là ông có nghe thông tin của bà Hà Thị Thu phản ánh việc bán cây của chị ta. Việc này, ông đã chỉ đạo đồng chí phó chủ tịch UBND huyện làm rõ rồi.
Làm việc với Hạt kiểm lâm huyện Than Uyên, ông Vũ Xuân Bằng (Hạt trưởng), ông Lê Thanh Nghị (KLV) cho biết: hiện nay, toàn bộ số cây hoa ban thu được, Hạt Kiểm lâm đã thanh lý hết rồi. Số cây này cũng đã chở về Mù Căng Chải. Rồi 2 cán bộ này viện dẫn hàng loạt lý do cần phải “thanh lý gấp” như: sợ hàng hóa “ôi thiu”, cây chết héo… nên sau khi thu được, chúng tôi đã phải bán thanh lý ngay. Khi được hỏi về việc cây hoa ban có thuộc nhóm gỗ quý hiếm, cần phải ngăn chặn chặt phá vận chuyển không?, cây hoa ban thuộc nhóm gỗ mấy… ? thì 2 cán bộ này không nhớ nhóm gỗ và cho đó là nhóm gỗ thông thường…
Khi được hỏi về việc không tổ chức đấu giá, mà lại tự bán cho 1 cá nhân khác, không thông qua Hội đồng đấu giá tài sản, liệu làm vậy có khi nào sẽ làm thất thoát tài sản của Nhà nước không? Việc làm này có đúng pháp luật không? Thì hai người này cho biết: Hội đồng định giá tài sản này do chính Hạt kiểm lâm làm chủ tịch hội đồng, cách định giá của họ là khảo sát thị trường, nhưng trường hợp của bà Thu thì họ khảo sát ở nơi bán: giá 500 nghìn/ cây thì thanh lý cũng như vậy. Ngoài hội đồng định giá do Hạt Kiểm lâm là chủ trì ra, còn có các đơn vị khác như phòng tài chính, phòng tư pháp, ông Vũ Xuân Bằng phân bua.
Hai cán bộ Hạt kiểm lâm là ông Bằng và ông Nghị. |
Tiếp tục điều tra, phóng viên được biết: cũng chỉ trong ngày 27/12, một việc làm “thần tốc” trong việc định giá tài sản được diễn ra giữa Hạt Kiểm Lâm gồm ông Vũ Xuân Bằng, Lê Thanh Nghị, Trịnh Văn Nam. Phòng Tài chính kế hoạch gồm Phan Văn Ngọc (Trưởng phòng), Lò Văn San; và phòng Tư pháp huyện có Hà Minh Như, Phó phòng. Nhóm Hội đồng này đã thống nhất bán cây chỉ sau 1 tiếng họp với giá 25 triệu đồng cho 50 cây. Và lập tức số cây này đã được bán gấp, bất chấp các quy định của pháp luật về việc phải đấu giá tài sản.
Làm việc với ông Vương Thế Mẫn, Phó chủ tịch UBND huyện, phụ trách lĩnh vực này. Sau khi nghe phóng viên trao đổi nội dung: có hay không việc ông chỉ đạo “bán gấp” cây của dân. Sau lại bảo cho thu mang đi trồng tạo cảnh quan cho huyện… Ông Mẫn ngạc nhiên cho biết: đến khi phóng viên đăng ký làm việc, ông mới biết có sự việc trên. Cá nhân ông Mẫn không chỉ đạo bất cứ việc gì, cũng không nghe thấy cấp dưới báo cáo vấn đề đó. Bởi vậy, ông sẽ yêu cầu các bộ phận chức năng sớm làm rõ, xem việc xử lý có đúng quy trình, đúng pháp luật hay không. Ông Mẫn khẳng định.
Biên bản bán cây thu giữ được . |
Tạp chí Điện tử Hòa nhập sẽ sớm thông tin phản hồi về vấn đề này.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.