Thông tin kinh tế, tài chính ngày 5/7/2021: Rà soát thu thuế cho thuê mặt bằng, nhà ở, văn phòng
Giá vàng hôm nay 5/7: Thận trọng chờ thời tăng giá
Giá vàng trong nước
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,1 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,22 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng SJC tại TP.HCM, chiều bán ra là 57,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng quốc tế
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên tại Mỹ tăng 6,5 USD lên 1.776,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex New York tăng 2,1 USD lên 1.778,9 USD/ounce.
Theo Bộ Lao động Mỹ, khu vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tạo thêm 850.000 việc làm mới trong tháng 6, so với mức tăng tương ứng 583.000 việc làm vào tháng 5. Dữ liệu này tuy tốt hơn dự báo trước đó của các chuyên gia phân tích nhưng vẫn thấp hơn con số ít nhất 1 triệu việc làm mỗi tháng mà các nhà kinh tế dự báo từ đầu năm.
Giá vàng hôm nay
Xu hướng tăng giá của kim loại quý nối dài trong phiên thứ ba liên tiếp, nhờ lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm và chỉ số giá đồng USD giảm. Lợi suất kho bạc Mỹ và đồng đô la đồng loạt giảm sau báo cáo, hỗ trợ giá vàng phục hồi.
Giá vàng đã chịu sức ép trước bình luận của các quan chức Fed về khả năng tăng lãi suất vào năm 2023 cũng như bắt đầu thu hẹp chương trình mua trái phiếu.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết khi nền kinh tế tiếp tục mở cửa trở lại, sự thay đổi về nhu cầu có thể lớn và nhanh chóng, và những trở ngại, khó khăn trong tuyển dụng lao động cũng như các ràng buộc khác có thể tiếp tục hạn chế mức độ điều chỉnh nhanh chóng của nguồn cung khiến khả năng lạm phát có thể trở nên cao hơn và dai dẳng hơn.
Thâm hụt thương mại của Mỹ lên tới 71,2 tỷ USD, tăng 3,1% so với mức 69,1 tỷ USD vào tháng Tư. Xuất khẩu tăng 0,6% lên 206 tỷ USD trong khi nhập khẩu tăng 1,3% lên 277,3 tỷ USD.
Thâm hụt thương mại tại Mỹ tăng lên đáng kể khi nền kinh tế tiếp tục được cải thiện sau khi các bang mở cửa trở lại và người dân bắt đầu quay trở lại cuộc sống bình thường trước đại dịch.
Tổng thâm hụt thương mại từ đầu năm 2021 đến nay là 353,1 tỷ USD, con số này tăng 45,8% so với cùng thời điểm năm ngoái. Tổng thâm hụt thương mại hàng hóa trong tháng Năm là 89,2 tỷ USD, trong khi thặng dư trong lĩnh vực dịch vụ là 17,9 tỷ USD.
Dự báo giá vàng
Khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 13 chuyên gia trên phố Wall, thì có 9 người dự báo vàng sẽ tăng giá, không có ai nhận định giá vàng giảm và như vậy có 4 dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến, với 256 người tham gia, thì hơn 49% trong số đó tin rằng giá vàng sẽ tăng, 26% cho rằng giá vàng giảm và 25% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giám đốc điều hành Bannockburn Global Forex, Marc Chandler, dự đoán phạm vi giá 1.800 - 1.815 USD sẽ là trở ngại đầu tiên đối với vàng. Ông cho rằng, vàng sẽ điều chỉnh cao hơn sau khi tìm thấy mức hỗ trợ gần 1.750 USD.
Theo Daniel Pavilonis, nhà môi giới hàng hóa cao cấp của RJO Futures, sự bứt phá trên 1.820 USD vào tuần tới sẽ mở ra cánh cửa cho một đợt bứt phá khác của vàng. Nếu giá đóng cửa trên mức đó, vàng có thể tăng cao hơn nhiều và thậm chí tạo lập một mức cao mới.
Bart Melek, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại TD Securities, cho biết những lo ngại này có thể thuyết phục một số nhà đầu tư rằng Fed sẽ thận trọng về việc tăng lãi suất, hỗ trợ vàng trong dài hạn. Nhưng trong ngắn hạn, vàng đang đối mặt với ngưỡng kháng cự kỹ thuật ở mức khoảng 1.790 USD và có khả năng sẽ giảm giá cho đến khi chúng ta thấy một số dữ liệu kinh tế yếu hơn mong đợi.
Theo Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco, cách tốt để biết xu hướng vàng sẽ tăng hay giảm trong tuần tới là theo dõi phạm vi 1.750 - 1.800 USD. Giá đang giao dịch trong phạm vi giao dịch từ 1.750 - 1.800 USD.
Trào lưu "chơi" chứng khoán mùa dịch
Theo thống kê gần nhất của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong 5 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đón nhận gần 480.500 tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước mở mới, vượt 20% số tài khoản mở mới của cả năm 2020, gấp 2,5 lần tài khoản mở mới cả năm 2019.
Tính đến cuối tháng 5, toàn TTCK có tới hơn 3,25 triệu tài khoản chứng khoán, chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân từ đủ các ngành nghề như nhân viên văn phòng, chủ quán, cơ sở kinh doanh đang nghỉ dịch đến cả những tiểu thương, tài xế taxi, xe công nghệ…
Nói trên báo Người Lao động, một nhà đầu tư cá nhân tên Minh (ngụ quận 10, TP HCM) cho biết mình là nhân viên một công ty du lịch, phải nghỉ việc suốt 2 tháng qua vì dịch bệnh. Nghe bạn bè giới thiệu, anh mang số tiền tích cóp được hơn 100 triệu đồng đem đầu tư chứng khoán. "Nhờ may mắn bắt được "sóng" cổ phiếu ngân hàng nên tôi kiếm được một khoản lời kha khá, bù đắp được phần nào thu nhập bị mất trong thời gian nghỉ dịch" - anh chia sẻ.
Còn chị Tâm - một nhân viên văn phòng ở quận 3, TP HCM - cũng kiếm được hơn 100 triệu đồng từ chứng khoán chỉ trong 1 tháng làm việc ở nhà vì giãn cách xã hội. "Sau khi mở tài khoản tại một công ty chứng khoán, tôi được nhân viên môi giới "add" (thêm) vào nhóm tư vấn mua bán trên Zalo. Vì không có nhiều kiến thức về đầu tư và thời gian theo dõi nên tôi trông cậy hết vào nhân viên môi giới. Bạn ấy bảo khi nào mua, khi nào bán, mua gì, bán gì tôi đều làm theo, trong khi một số anh chị trong nhóm cứ thấy cổ phiếu nào tăng mạnh thì nhảy vào mua, lúc giảm mạnh lại lo sợ đua nhau bán nên thua lỗ khá nhiều" - chị Tâm kể.
Không ít bà nội trợ chọn đầu tư chứng khoán để kiếm thêm thu nhập Ảnh: QUANG LIÊM - Người Lao Động
Tương tự, bà Thái Bích Ngà (ngụ quận 7, TP HCM) trước đây mở quán cà phê và "lướt sóng" căn hộ chung cư với một nhóm bạn để kiếm lời. Gần đây, quán phải đóng cửa nghỉ dịch, thị trường căn hộ thì khá trầm lắng vì không có nhiều dự án mở bán, giá lại tăng cao, không còn hấp dẫn như trước nên bà và nhóm bạn chuyển sang chơi chứng khoán, mỗi người góp 1 tỉ đồng vào tài khoản chung. "Thị trường tăng mạnh và bắt đúng sóng cổ phiếu, lãi được 17%-18% chỉ trong một thời gian ngắn nên ai cũng hào hứng. Gần đây có lỗ nhẹ khi cổ phiếu dầu khí giảm giá nhưng anh bạn trong nhóm nói ngành này vẫn rất tiềm năng nên chúng tôi quyết định giữ lại" - bà Bích Ngà nói.
Anh Thanh - chuyên gia tài chính, chứng khoán tự do ở TP HCM - nói rằng thời gian qua, anh thường xuyên nhận được tin nhắn của người thân, bạn bè như: "Anh ơi em có 50 triệu chơi chứng khoán được không? Nếu mua làm sao, mở tài khoản thế nào?", "Dạo này chứng khoán hấp dẫn quá, em gửi 200 triệu anh chơi giùm em nhé. Mua gì cứ theo ý anh", "Em có vài chục trong tài khoản, mua lướt sóng ngày kiếm vài trăm đi chợ được không?"…
Tuy vậy, không phải ai tham gia đầu tư chứng khoán cũng kiếm được lợi nhuận, nhiều người không biết gì về chứng khoán, thậm chí không biết xem bảng điện tử, mua bán ra sao hay có người chỉ thích nghe theo bạn bè hoặc những chỉ dẫn, "phím" hàng từ các hội nhóm, mua bán theo tâm lý đám đông… dẫn tới thua lỗ nặng nề.
Tâm, nhân viên một công ty chuyên về quảng cáo (quận 9, TP HCM), nghe lời một người bạn mở tài khoản chứng khoán và nộp 100 triệu đồng nhưng mới 3 tuần đã lỗ gần 30 triệu đồng. "Tôi không biết đầu tư nên giao tài khoản cho người bạn giao dịch giùm. Đến cuối tuần qua, giá trị danh mục chỉ còn 70 triệu đồng. Hỏi lại thì bạn tôi nói cổ phiếu bị đội lái đánh xuống, khi nào gom xong sẽ tăng giá trở lại. Thị trường lên, ai mua cũng có lời, tới lượt mình mua lại lỗ, xót lắm nhưng không biết làm thế nào. Lỡ theo rồi phải chịu" - Tâm buồn rầu nói.
Thực tế, câu chuyện TTCK tăng nhưng tài khoản nhà đầu tư vẫn lỗ không phải hiếm. Suốt thời gian qua, các cổ phiếu ngành thép, ngân hàng luân phiên nhau dẫn dắt thị trường, dòng tiền đổ vào cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ (midcap, penny) rất ít. Những nhà đầu tư ít kinh nghiệm và kiến thức đầu tư hoài nghi, không dám tham gia các cổ phiếu đang tăng giá mạnh do sợ "đu đỉnh", nên chuyển sang bắt đáy cổ phiếu midcap, penny vì thấy giá "rẻ". Tuy vậy, những cổ phiếu này không tăng mà còn giảm, nhà đầu tư nhận ra mình bị rơi vào thế "kẹp hàng".
Để bớt lỗ, họ lại mua thêm cổ phiếu để trung bình giá nhưng càng lỗ nặng hơn. Kết quả, không ít người rơi vào vòng luẩn quẩn, giá trị tài khoản liên tục "bốc hơi" mỗi ngày dù thị trường chung vẫn tăng điểm. Ông Nguyễn Vũ Linh, Trưởng Phòng Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán VP (VPS), cho biết lượng nhà đầu tư F0 trên thị trường quá đông nhưng lại ít người có kinh nghiệm nên thường mua bán theo đám đông dễ dẫn tới thua lỗ. Trong đó, thua lỗ khi thị trường tăng chủ yếu do nhà đầu tư chọn sai cổ phiếu, mua nhầm thời điểm và cả lý do "chọn bừa" cổ phiếu.
Theo ông Linh, muốn trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, mọi người có thể tìm hiểu bằng nhiều kênh, có thể đọc sách, tìm hiểu từ các lớp học, các chuyên gia uy tín. Tuy nhiên, phải chú trọng thực hành thay vì lý thuyết và phải tự mình quyết định và chịu trách nhiệm về khoản đầu tư của mình.
Siết thuế bất động sản
Tổng cục Thuế yêu cầu tập trung thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động kinh doanh bất động sản gửi đến cơ quan thuế. Trên cơ sở đó xác định trường hợp có rủi ro cao về thuế để thực hiện thanh, kiểm tra nhất là đối với các doanh nghiệp thực hiện dự án bất động sản đã mở bán nhưng không công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thuế tính trên thu nhập nên khi nào có lãi mới tính, chứ không phải tính trên doanh thu như hiện nay. Thuế thu nhập thì được khấu trừ đi các chi phí như xây dựng, sửa chữa, môi giới nhà đất … Chính vì không được trừ ra những chi phí này nên mức 2% trên doanh thu thật sự là rất cao, bán lỗ vẫn đóng nên người ta tìm cách khai thấp giá đi. Chính sách thuế cần công bằng nên cần sửa đổi và điều này góp phần tránh rủi ro cho người nộp thuế, nếu không thuế thì thất thu mà người dân lại phải chịu rủi ro.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội
Các cục thuế phải báo cáo UBND tỉnh, thành phố, kiến nghị Sở Tư pháp chỉ đạo phòng công chứng, văn phòng công chứng trên địa bàn toàn địa phương hằng tháng có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế danh sách tổ chức, cá nhân có hợp đồng mua bán, cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng, cho thuê khách sạn, thực hiện khai và nộp thuế. Đồng thời kiến nghị Sở Tài nguyên - Môi trường cung cấp thông tin về việc chuyển nhượng dự án bất động sản, việc đưa bất động sản vào kinh doanh, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... để thực hiện nghĩa vụ thuế.
Theo báo Thanh Niên, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế phải phối hợp với cơ quan công an quản lý địa bàn, ban quản lý khu đô thị, chung cư lập danh sách các cá nhân, tổ chức cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng kinh doanh, cho thuê căn hộ để rà soát hồ sơ đăng ký thuế, kê khai thuế. Bên cạnh đó, thông qua công tác thanh, kiểm tra, rà soát hồ sơ kê khai thuế đối chiếu chi phí thuê của các tổ chức, doanh nghiệp với việc kê khai cho thuê nhà, thuê mặt bằng để phát hiện tổ chức, cá nhân không kê khai thuế hoặc có kê khai nhưng thấp hơn chi phí mà tổ chức, doanh nghiệp đang hạch toán vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế. Tiến hành thu thập thông tin, rà soát cơ sở dữ liệu, xác minh trực tiếp tại các địa chỉ nhà cho thuê đang đăng ký qua website để xác định doanh thu, đôn đốc kê khai, nộp thuế theo quy định. Xác định hệ số điều chỉnh giá đất hằng năm làm căn cứ xác định thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển dịch nhà ở gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, chuyên gia pháp lý thuế Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết ông mới tìm hiểu một vòng quanh các dãy đường sầm uất các cửa hàng mua bán nhộn nhịp tại TP.HCM vào ngày chủ nhật nhưng đều vắng hoe, treo bảng tìm khách thuê cả một dãy. “Trong giai đoạn hiện nay nên làm công tác tuyên truyền, chứ chưa nên làm gắt quá vì nhiều nơi rao cho thuê mà có được đâu. Buôn bán đóng cửa, người dân cũng khổ. Vì vậy, chưa nên truy thu thời điểm này mà hãy để người dân, doanh nghiệp phục hồi”, ông Nghĩa chia sẻ với báo Thanh Niên.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho rằng cơ quan thuế ra công văn chỉ đạo công tác chống thất thu thuế lĩnh vực bất động sản là điều cần thiết nhưng tính khả thi thời điểm này cũng sẽ không cao. Đơn cử việc phối hợp với công chứng, dù mọi giao dịch đều qua công chứng nhưng cơ quan này chỉ xác nhận việc giao dịch, chứ giá (là cơ sở để tính thuế) thì làm sao họ biết được chính xác hay không. Còn việc thuê nhà, thuê mặt bằng chỉ thu được thuế khi tổ chức, người nước ngoài phải lấy hóa đơn. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, giao dịch trên thị trường bất động sản ảm đạm, cho thuê nhà không phải dễ thì cũng nên xem xét thời điểm đã được phù hợp chưa hay để thời điểm kinh tế phát triển thì các biện pháp phối hợp sẽ hiệu quả hơn.
So sánh lãi suất Big 4 ngân hàng tháng 7/2021: Vietcombank điều chỉnh tăng lãi suất
Khảo sát vào đầu tháng 7 tại nhóm 4 “ông lớn” ngân hàng nhà nước ghi nhận Vietcombank có động thái điều chỉnh lãi suất, trong khi đó ba “ông lớn” còn lại vẫn giữ nguyên biểu lãi suất trong nhiều tháng liền.
Ba ngân hàng VietinBank, Agribank và BIDV vẫn giữ nguyên không thay đổi lãi suất huy động vốn trong nhiều tháng gần đây. Trong khi đó Vietcombank mới đây đã có động thái điều chỉnh lãi suất, trong đó lãi suất có tăng hoặc giảm tùy vào từng kỳ hạn.
Theo đó, Vietcombank đã tăng 0,2 điểm % lãi suất tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến 9 tháng. Tuy nhiên tại hai kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng lãi suất lại giảm 0,1 điểm % so với trước. Tiền gửi tại các kỳ hạn dài 36 - 60 tháng vẫn tiếp tục được giữ nguyên không đổi. Biểu lãi suất tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ tại Vietcombank trong tháng này giao động từ 3,1%/năm đến 5,5%/năm, áp dụng tại kỳ hạn 1 - 60 tháng. Mức lãi suất ngân hàng cao nhất ghi nhận tại Vietcombank hiện là 5,5%/năm được áp dụng cho tiền gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 12 tháng.
Nhóm ba “ông lớn” cùng áp dụng lãi suất khá giống nhau tại các kỳ hạn tương ứng. Phạm vi lãi suất tại các ngân hàng này dao động từ 3,1%/năm đến 5,6%/năm, không đổi so với tháng trước.
So sánh lãi suất tại 4 ngân hàng, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất đang được ghi nhận ở mức 5,6%/năm. Trong đó Agribank áp dụng mức lãi suất này cho tiền gửi tại kỳ hạn 12 - 24 tháng. BIDV ấn định lãi suất 5,6%/năm cho các khoản tiền gửi tại kỳ hạn 12 - 36 tháng. Tại Vietinbank niêm yết tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
So sánh lãi suất ngân hàng trong nhóm Big 4 ngân hàng nhà nước
Kỳ hạn gửi |
Agribank |
VietinBank |
Vietcombank |
BIDV |
1 tháng |
3,10% |
3,10% |
3,10% |
3,10% |
2 tháng |
3,10% |
3,10% |
3,10% |
3,10% |
3 tháng |
3,40% |
3,40% |
3,40% |
3,40% |
4 tháng |
3,40% |
3,40% |
|
|
5 tháng |
3,40% |
3,40% |
|
3,40% |
6 tháng |
4,00% |
4,00% |
4,00% |
4,00% |
7 tháng |
4,00% |
4,00% |
|
|
8 tháng |
4,00% |
4,00% |
|
|
9 tháng |
4,00% |
4,00% |
4,00% |
4,00% |
12 tháng |
5,60% |
5,60% |
5,50% |
5,60% |
13 tháng |
5,60% |
5,60% |
|
5,60% |
15 tháng |
5,60% |
5,60% |
|
5,60% |
18 tháng |
5,60% |
5,60% |
|
5,60% |
24 tháng |
5,60% |
5,60% |
5,30% |
5,60% |
36 tháng |
|
5,60% |
5,30% |
5,60% |
LS cao nhất |
5,60% |
5,60% |
5,50% |
5,60% |
Điều kiện |
12 đến 24 tháng |
12 tháng trở lên |
12 tháng |
12 đến 36 tháng |
Nông dân tỉnh Đồng Nai trồng ngô không lấy bắp, chỉ lấy cây
Theo báo Dân Việt, thời gian gần đây, tại 2 huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ (Đồng Nai), nghề trồng ngô (bắp) lấy thân (ngô sinh khối, làm thức ăn chăn nuôi) ngày càng phát triển. So với trồng ngô lấy hạt, trồng ngô lấy thân cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao vì tiết kiệm được chi phí sản xuất và công chăm sóc. Theo đó, nhiều hộ nông dân tại các xã như Lang Minh, Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), Xuân Đông, Xuân Tây, Sông Ray (Cẩm Mỹ) chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối.
Diện tích ngô sinh khối tại các địa phương đang tăng mạnh nhưng cung vẫn không đủ cầu. Mô hình canh tác này giúp nông dân có thu nhập ổn định với 4 vụ/năm, mỗi sào thu về 6 - 7 triệu đồng/mỗi vụ.
Ông Đoàn Văn Năm (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) là một trong những người tiên phong chuyển từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng loại ngô này. Theo ông Năm, so với trồng lúa, hiệu quả từ trồng ngô lấy thân cao hơn 3 lần. Từ 1ha ban đầu, đến nay ông đã chuyển đổi gần 5ha đất lúa sang trồng ngô lấy thân.
Ông Đoàn Văn Năm bên ruộng ngô sinh khối tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Ảnh: Nha Mẫn - Báo DanViet
Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), đến năm 2025, nước ta sẽ có 2,4 triệu con trâu, 6,6 triệu con bò thịt và khoảng 550.000 con bò sữa… Khi đó, quy mô gieo trồng ngô sinh khối sẽ cần khoảng 234.000ha.
Ông Năm cho biết, so với trồng ngô lấy hạt thì trồng ngô lấy thân non có thời gian sinh trưởng ngắn nên lợi về số vụ. Ngoài ra, nếu trồng ngô lấy hạt, mỗi khi đến vụ thu hoạch, nông dân rất vất vả vì vừa thu hoạch vừa phơi hạt, rồi lại tranh thủ làm đất chuẩn bị cho vụ sau. Chưa kể giá ngô hạt bấp bênh do phải cạnh tranh với bắp nhập khẩu, có khi còn bị thương lái ép giá. Còn với trồng ngô bán thân, đội thu mua đến tận ruộng cắt cây, nông dân không phải lo bị ép giá hay thiếu nhân công.
"Trồng ngô sinh khối nhàn thân mà không cần lo lắng đầu ra. Về năng suất, bình thường 1 năm trồng được 3 vụ ngô lấy hạt, còn trồng lấy thân được tới 4 vụ. Hơn nữa, không phải thấp thỏm lo âu vì ngô không hạt, trái ngô không đều..." - ông Năm nói.
Ông Nguyễn Văn Tư (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) cho hay, mỗi năm trồng 4 vụ ngô lấy thân, sau khi trừ mọi chi phí, ông có lãi hơn chục triệu đồng/ha. 8 năm nay, gia đình ông Tư không phải lo lắng về giá vì có đầu ra ổn định do nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng cao. "Ngô lấy thân cứ khoảng 70 - 80 ngày là có thể thu hoạch, ít công chăm sóc và chi phí phân bón… nên hiệu quả hơn loại cây trồng khác" - ông Tư chia sẻ.
Tương tự, bà Hoàng Thị Lân đang trồng 3 vụ ngô bán cây và 1 vụ bí đỏ mỗi năm, cho biết: "Chỉ tính riêng ngô, với năng suất 40 tấn cây tươi/ha, giá bán trung bình 800 đồng/kg, tôi thu gần 400 triệu đồng/năm, lời gấp nhiều lần trồng ngô lấy hạt".
Được biết, ngoài bán cho các hộ chăn nuôi bò, thân cây ngô cũng đang được chế biến để xuất khẩu nên đầu ra ngày càng rộng cửa.
Ông Trung Vinh Phước - Giám đốc HTX Đông Tây, đơn vị tiên phong chế biến xuất khẩu cây ngô ở huyện Cẩm Mỹ, cho biết, thấy địa phương có tiềm năng phát triển vùng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi gia súc, HTX đã đầu tư máy móc chế biến cây ngô bán cho các trang trại chăn nuôi và xuất khẩu. HTX bỏ ra gần 2 tỷ đồng mua dây chuyền băm, xay cây ngô tự động. Sau đó, HTX thỏa thuận với nhiều hộ nông dân ở Xuân Lộc, Cẩm Mỹ để xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời, tìm tới các trang trại bò để kiếm nguồn cung. Để đáp ứng, ông Phước hợp đồng với nông dân xuống giống xen kẽ để có nguồn thức ăn tươi quanh năm.
Cùng với đó, ông tham khảo phương pháp ủ chua cây ngô làm thức ăn dự trữ và xuất khẩu.
Năm 2018, lô ngô sơ chế đầu tiên của HTX Đông Tây được xuất khẩu bằng đường biển sang Hàn Quốc. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm HTX xuất khẩu hơn 6.000 tấn cây ngô. Ông Trung Vinh Phước cho hay, HTX đang liên kết tiêu thụ cây ngô cho trên 300 hộ nông dân với diện tích khoảng 270ha.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.