Tin tức kinh tế, tài chính ngày 14/7/2021: Cảnh báo khẩn lừa đảo thanh toán, mất tiền tài khoản ngân hàng
Giá vàng hôm nay 14/7: Mỹ xác lập kỷ lục, vàng quay đầu tăng vọt
Giá vàng trong nước
Tính tới 8h30 sáng 14/7, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết cho khu vực Hà Nội ở mức: 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,30 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC áp dụng cho khu vực Hà Nội ở mức 56,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,42 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tại Sài Gòn, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,25 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,43 triệu đồng/lượng (bán ra).Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 13/7 đa số các cửa hàng vàng tại Hà Nội giữ giá vàng 9999 gần như không đổi ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch 13/7, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC khu vực Hà Nội ở mức: 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,30 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 56,60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,37 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tại Sài Gòn, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,25 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,38 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng thế giới
Tới 8h30 sáng 14/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.808 USD/ounce.
Đêm 13/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.815 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.814 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 13/7 thấp hơn khoảng 4,2% (80 USD/ounce) so với cuối năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 51,4 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 6,0 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 13/7.
Giá vàng trên thị trường quốc tế quay đầu tăng vọt lên trên ngưỡng 1800 USD/ounce sau khi Mỹ công bố kỷ lục trong 13 năm.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, lạm phát trong tháng 6 tăng 0,9% sau khi đã tăng 0,6% trong tháng 5. Đây là mức tăng mạnh, cao hơn nhiều so với dự báo 0,5% của các nhà kinh tế đưa ra trước đó.
Cũng theo Bộ Lao động Mỹ, đây là mức tăng theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 6/2008 khi mà lạm phát tăng 1%.
Lạm phát lõi tiếp tục chứng kiến mức tăng chưa có tiền lệ. Theo đó, lạm phát tăng tới 4,5% trong vòng 1 năm qua. Đây là mức tăng theo năm cao nhất kể từ tháng 11/1991.
Lạm phát tăng cao đã ngay lập tức kéo giá vàng đi lên cho dù đồng USD cũng tăng so với các đồng tiền khác.
Thế giới đang đối mặt với một đợt bùng phát dịch Covid-19 với chủng virus mới. Những bất ổn khiến cả vàng và USD tăng giá. Vàng tăng ngay cả khi người dân nhiều nước phải bán vàng ra để chi tiêu khi thu giảm giảm vì dịch.
Lạm phát tăng cao cũng khiến lợi tức thực trái phiếu chính phủ Mỹ thấp hơn. Trong tuần trước, lợi tức đã xuống -1% lần đầu tiên kể từ tháng 2.
Dự báo giá vàng
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng lưu ý rằng vàng có thể gặp khó trong ngắn hạn bởi lạm phát tăng có thể khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất sớm hơn so với kỳ vọng. Trong cuộc họp tháng 6, Fed đã phát đi tín hiệu có thể tăng lãi suất vài lần trong năm 2023, thay vì năm 2024 như dự kiến trước đó.
Giá hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng mạnh. Nhiều báo cáo lo ngại về tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong khi nhu cầu vẫn đang gia tăng ở nhiều nước trên thế giới.
Dù vậy, trên Kitco, nhiều nhà kinh tế vẫn kỳ vọng hiện tượng lạm phát tăng cao chỉ là tạm thời.
Tiền vào thị trường chứng khoán giảm mạnh
Thị trường giằng co, chưa xác định xu hướng rõ ràng khiến dòng tiền tham gia chững lại. Thanh khoản sàn HoSE giảm nửa so với phiên 12/7.
Sau nhịp giảm đột biến ngày hôm qua, thị trường có phần cân bằng trở lại trong phiên hôm nay (13/7). VN-Index mở cửa trong sắc xanh, tăng trở lại ngưỡng 1.300 điểm sau ATO. Tuy nhiên, khi xu hướng thị trường còn chưa rõ ràng, bên cầm tiền chỉ mua thăm dò với lực cầu yếu, trong khi bên bán bình tĩnh hơn, không còn thoát hàng bằng mọi giá. Vì thế, nhịp giao dịch giữ trạng thái giằng co trong biên độ hẹp gần tham chiếu.
Sang phiên chiều, lực bán bất ngờ tăng nhanh sau 13h20 khiến VN-Index mất hơn 10 điểm. Tuy nhiên, trạng thái bán tháo như ngày hôm qua không còn tái diễn. Trong khi đó, lực mua vùng giá thấp vào nhanh giúp đỡ lại thị trường.
Dòng tiền cũng có sự phân hóa cao, tập trung vào một số mã vốn hóa lớn và đặc biệt là chuyển sang nhóm mid-cap và penny. Diễn biến này khiến sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện dù xét về biên độ tăng của chỉ số không quá cao. Chốt phiên, VN-Index vượt nhẹ trên tham chiếu, đóng cửa ở ngưỡng 1.297,54 điểm. VN30-Index giảm 0,15% xuống 1.440,87 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng tăng hơn 1%.
VN-Index chốt phiên 13/7 trong sắc xanh nhưng thanh khoản giảm mạnh. Ảnh: VNDirect.
Sắc xanh chiếm ưu thế trên HoSE với 265 mã tăng, so với 112 mã giảm. Trong nhóm VN30, trạng thái có phần cân bằng hơn khi số mã tăng và giảm giữ ở mức 16:12.
SBT là mã tăng mạnh nhất trong VN30, chốt phiên ở mức giá trần. TCH, SSI, GAS có thêm hơn 4%, POW tăng 3,9%, PLX tăng 2,7%, VHM, HPG, FPT, STB, BID vượt trên 1% so với tham chiếu. Ngoài ba mã trong VN30, các cổ phiếu còn lại trong nhóm dầu khí cũng tích cực khi giá dầu tăng cao gần đây, BSR tăng hơn 7%, PVS có thêm gần 6%.
Ngoài nhóm vốn hóa lớn, điểm nhấn còn đến từ nhóm penny khi loạt cổ phiếu tăng trần. HQC, AMD, HAI, ITA, TTF, ROS cùng chốt phiên tăng kịch biên độ.
Khi thị trường giằng co, chưa xác định rõ xu hướng, thanh khoản sàn HoSE giảm tới 50% so với phiên 12/7, chỉ đạt gần 16.000 tỷ đồng. Khối ngoại hôm nay trở lại bán ròng với giá trị hơn 200 tỷ đồng.
Áp lực giảm giá bất động sản mạnh dần
20% nhà đầu tư đang ôm hàng có thể giảm giá tài sản 5-10% để cơ cấu khoản vay, xử lý hợp đồng tới kỳ đóng tiền theo tiến độ.
Các chuyên gia dự báo đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đang đẩy địa ốc vào kịch bản chịu áp lực giảm giá trên thị trường thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại) khá mạnh. Trao đổi với VnExpress, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho biết, thị trường đã xuất hiện nhiều gam màu tối do chịu cú đấm bồi của đợt dịch mới.
Ông Quang nhận định, diễn biến phức tạp và khó lường của đợt dịch lần thứ tư đã đẩy thị trường bất động sản vào tình thế tê liệt vì hạn chế đi lại, thủ tục mua bán hầu như bị ách lại. Khối lượng giao dịch thứ cấp sụt giảm 90-95%, người bán chào hàng nhiều song người mua lại cực kỳ e ngại vì ai cũng có tâm lý phòng thủ khá mạnh.
CEO Công ty Việt An Hòa đánh giá, ngoại trừ 80% các nhà đầu tư trường vốn, có tiềm lực tài chính tốt và dày dạn kinh nghiệm đã cảnh giác chuẩn bị hàng phòng vệ tốt, vẫn có 10-20% nhà đầu tư chưa lường hết những thách thức của việc chống dịch, đang loay hoay xả hàng trên thị trường thứ cấp. Nhóm 20% nhà đầu tư này bị nợ đọng, lãi vay phải trả đều hàng tháng, thậm chí có tài sản đến hạn phải đóng tiền theo tiến độ, cần bán tài sản buộc phải cân nhắc đến việc giảm giá.
Tỷ lệ 10-20% lượng nhà đầu tư vẫn tìm cách xoay xở xả hàng có thể chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất, nhà đầu tư ôm những tài sản có giá trị trên 20 tỷ đồng đang cần bán, có thể giảm giá ở biên độ 5%. Nhóm thứ hai, các nhà đầu tư nắm nhiều sản phẩm đang chấp nhận bán giảm giá 5-10% đối với vài bất động sản giá trị nhỏ 1-3 tỷ đồng.
"Tháng 7 đang là giai đoạn then chốt chống dịch, tâm lý thị trường thứ cấp khá kém, có thể diễn ra thế trận một chiều, tức chỉ có bên bán chứ không có bên mua, điều này càng khiến áp lực giảm giá tài sản mạnh dần", ông Quang dự báo.
Thị trường bất động sản phía Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.
Trong khi đó, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam dự báo, nếu Covid-19 kéo dài thêm vài tuần nữa, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính hoặc cân đối dòng tiền không tốt có thể phải bán cắt lỗ.
Theo ông David Jackson, trong những tháng còn lại của năm 2021, người dân và doanh nghiệp vẫn đang ưu tiên các biện pháp mang tính chống đỡ dù tâm lý thị trường và kỳ vọng vào chiến dịch tiêm vaccine. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động nhiều đến thu nhập của người dân và doanh nghiệp, cần thêm nhiều thời gian để tâm lý chung của thị trường quay trở lại trạng thái trước đại dịch.
Theo khảo sát của VnExpress, chưa xuất hiện tình trạng giảm giá bất động sản trên thị trường sơ cấp (chủ đầu tư chào bán lần đầu ra thị trường) trong thời gian diễn ra đợt dịch lần thứ tư. Song thị trường thứ cấp đã có dấu hiệu chao đảo. Đến cuối tháng 6, thị trường condotel thứ cấp đã xuất hiện tình trạng giảm giá do nhà đầu tư không trụ nổi hoặc muốn dịch chuyển kênh đầu tư. Ngoài ra, những cơn sốt đất diễn ra hồi quý I đều đã có dấu hiệu hạ nhiệt vào quý II và xuất hiện tình trạng giảm giá ở các điểm sốt đất trước.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa - Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) nhận định, Covid-19 đang lái thị trường về chuỗi giá trị thật hơn là tìm kiếm lợi nhuận ảo sau một thời gian dài các cơn sốt đất đã hình thành nhiều mặt bằng giá ảo.
Ông Nghĩa nhận xét, đối diện với đợt dịch đầy căng thẳng lần này, nhà đầu tư nào đang sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà hoặc vốn vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn sẽ đứng trước kịch bản lành ít dữ nhiều. Nhóm nhà đầu tư này sẽ chịu áp lực điều chỉnh giá bán nếu muốn xả hàng để giảm gánh nặng tài chính kéo dài từ năm 2020 đến nay.
Ngân hàng cảnh báo khẩn về tình trạng lừa đảo thanh toán, mất tiền trong tài khoản
Ngân hàng nhà nước vừa phát cảnh báo khẩn tới toàn hệ thống để thông báo cho khách hàng về các hành vi lừa đảo trong hoạt động thanh toán.
Lừa đảo thanh toán thẻ đang diễn ra ngày càng nóng và tinh vi hơn trước
Cụ thể, trong văn bản gửi tới các ngân hàng (NH), Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng nhà nước (NHNN) chỉ rõ các thủ đoạn lừa đảo trong hoạt động thanh toán.
Theo đó, đối tượng mạo danh nhân viên NH gọi điện thoại cho khách hàng với lý do hỗ trợ kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng. Sau khi đọc tên khách hàng và 6 số đầu tiên của thẻ ghi nợ nội địa, đối tượng yêu cầu khách hàng đọc nốt dãy số còn lại trên thẻ để xác nhận khách hàng đúng là chủ thẻ; sau đó thông báo NH sẽ gửi tin nhắn cho khách hàng và yêu cầu khách hàng đọc mã 6 số trong tin nhắn (thực chất là OTP để thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến). Nếu khách hàng thực hiện theo yêu cầu của đối tượng thì có thể gây rủi ro mất tiền trong tài khoản thẻ.
Một thủ đoạn khác là đối tượng chuyển khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng, sau đó mạo danh NH gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn (hiển thị tên thương hiệu NH) cho khách hàng thông báo giao dịch chuyền tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn internet (đường link) trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền...
Hành vi này nhằm lừa đảo khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của dịch vụ NH điện tử (như tên truy cập, mật khẩu, OTP), sau đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng.
Liên quan đến thư điện tử, đối tượng thường giả mạo NH (thư điện tử có chứa tên NH và chữ ký thư điện tử của nhân viên) thông báo khách hàng nhận được một khoản tiền và yêu cầu khách hàng xác nhận giao dịch bằng cách truy cập vào tệp (file) hoặc đường link có chứa mã độc gửi kèm trong thư điện tử nhằm chiếm đoạt thông tin và tiền trong tài khoản của khách hàng.
Thủ đoạn tinh vi hơn, theo Vụ Thanh toán, khách hàng nhận được một khoản tiền chuyển vào tài khoản thanh toán tại NH với nội dung cho vay. Sau đó, đối tượng gọi điện cho khách hàng báo vừa chuyển nhầm và yêu cầu khách hàng chuyển trả lại tiền (tài khoản nhận tiền lúc này khác với tài khoản đã chuyền nhầm). Sau một thời gian, chủ tài khoản chuyển nhầm sẽ đòi tiền khách hàng cùng với tiền lãi vay.
Trong một số trường hợp, đối tượng giả danh nhân viên NH thông báo có người chuyển nhầm tiền vào tài khoản của khách hàng và hướng dẫn thủ tục hoàn trả, theo đó gửi đường link yêu cầu khách hàng điền thông tin cá nhân (bao gồm các thông tin bảo mật của dịch vụ NH điện tử), sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Ngoài các thủ đoạn trên, đối tượng còn gửi tin nhắn mạo danh thương hiệu NH đến khách hàng để thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường và hướng dẫn khách hàng xác nhận thông tin, thay đổi mật khẩu... thông qua truy cập đường link giả mạo gửi kèm trong tin nhắn, qua đó lừa đảo khách hàng.
Đối tượng mạo danh công ty tài chính mời khách hàng vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động (như ứng dụng Auto Cash...) để giải ngân một khoản tiền ảo (không có thực) kèm theo việc hiển thị hợp đồng tín dụng với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền của công ty tài chính nhằm lừa đảo khách hàng chuyền khoản đặt cọc để chiếm đoạt.
Đối tượng mạo danh nhân viên nhà mạng liên hệ và đề nghị hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành sim 4G qua điện thoại, theo đó hướng dẫn cách nhắn tin theo cú pháp của nhà mạng để chuyển đổi nhưng thực tế đây là yêu cầu chuyển đổi từ sim 3G (do khách hàng sử dụng) lên sim 4G của đối tượng lừa đảo.
Nếu khách hàng làm theo hướng dẫn, đối tượng sẽ chiếm đoạt được quyền sử dụng số điện thoại. Khi có được thông tin cá nhân và số điện thoại di động, đối tượng liên hệ nhà mạng với tư cách là chủ thuê bao di động đề yêu câu thay thế SIM với lý do bị mất thẻ SIM hoặc thẻ bị lỗi. Nhà cung cấp dịch vụ di động hủy SIM hiện có và phát hành SIM mới.
Trường hợp số điện thoại được khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và nhận thông tin giao dịch, mã OTP thì có thể gây rủi ro mất tiền trên tài khoản của khách hàng. Đề đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng, trung gian tài chính kịp thời cảnh bảo rủi ro trên các kênh thông tin liên quan nhằm giúp khách hàng nâng cao nhận thức về rủi ro, cảnh giác trước những thủ đoạn tội phạm mới và thực hiện giao dịch tài chính an toàn, đảm bảo an toàn tiền và tài sản của khách hàng.
Bắc Giang hỗ trợ doanh nghiệp khu công nghiệp khôi phục sản xuất
Phó Chủ tịch UBND Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, việc khôi phục sản xuất được tỉnh Bắc Giang khẩn trương thực hiện để không làm "đứt gãy" chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp.
Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp mở cửa kích hoạt lại sản xuất.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ đón lao động đã ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp trở lại làm việc; hỗ trợ tuyển dụng lao động; giải quyết khó khăn trong việc bố trí chỗ ở tập trung cho người lao động và hỗ trợ bố trí khu vực cách ly tập trung khi xảy ra ca nhiễm, ca nghi nhiễm.
Cùng với đó, tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong khu công nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa; đưa đón người lao động; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phương án phòng, chống dịch; hỗ trợ xử lý các tình huống khi xảy ra ca nhiễm, ca nghi nhiễm; hỗ trợ tiêm phòng vaccine COVID-19 cho người lao động trong doanh nghiệp.
Việc hỗ trợ nhằm phấn đấu đạt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tháng 7/2021 đạt khoảng 8.000 tỷ đồng; tháng 8/2021 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng; tháng 9, tháng 10/2021 đạt khoảng 12.000 tỷ đồng/tháng; từ tháng 11/2021 đạt trên 15.000 tỷ đồng/tháng.
Tổng số lao động đi làm trở lại đến hết tháng 7/2021 đạt khoảng 30.000 người; hết tháng 8/2021 đạt khoảng 50.000 người; hết tháng 10/2021 đạt khoảng 100.000 người. Từ cuối tháng 11/2021 đạt trên 120.000 người. Số chỗ lưu trú tập trung cho lao động theo mô hình mới đến hết tháng 7/2021 đạt khoảng 7.000 người; hết tháng 8/2021 đạt khoảng 12.000 người; hết tháng 10/2021 đạt khoảng 25.000 người; từ cuối tháng 11/2021 đạt trên 35.000 người.
Từ đầu tháng 5 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh Bắc Giang có trên 2.500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm dừng hoạt động.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (KCN Vân Trung, Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Phó Chủ tịch UBND Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, việc khôi phục sản xuất được tỉnh Bắc Giang khẩn trương thực hiện để không làm "đứt gãy" chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ đón lao động đã ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp trở lại làm việc; hỗ trợ tuyển dụng lao động; giải quyết khó khăn trong việc bố trí chỗ ở tập trung cho người lao động và hỗ trợ bố trí khu vực cách ly tập trung khi xảy ra ca nhiễm, ca nghi nhiễm.
Cùng với đó, tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong khu công nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa; đưa đón người lao động; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phương án phòng, chống dịch; hỗ trợ xử lý các tình huống khi xảy ra ca nhiễm, ca nghi nhiễm; hỗ trợ tiêm phòng vaccine COVID-19 cho người lao động trong doanh nghiệp.
Việc hỗ trợ nhằm phấn đấu đạt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tháng 7/2021 đạt khoảng 8.000 tỷ đồng; tháng 8/2021 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng; tháng 9, tháng 10/2021 đạt khoảng 12.000 tỷ đồng/tháng; từ tháng 11/2021 đạt trên 15.000 tỷ đồng/tháng.
Tổng số lao động đi làm trở lại đến hết tháng 7/2021 đạt khoảng 30.000 người; hết tháng 8/2021 đạt khoảng 50.000 người; hết tháng 10/2021 đạt khoảng 100.000 người. Từ cuối tháng 11/2021 đạt trên 120.000 người. Số chỗ lưu trú tập trung cho lao động theo mô hình mới đến hết tháng 7/2021 đạt khoảng 7.000 người; hết tháng 8/2021 đạt khoảng 12.000 người; hết tháng 10/2021 đạt khoảng 25.000 người; từ cuối tháng 11/2021 đạt trên 35.000 người.
Từ đầu tháng 5 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh Bắc Giang có trên 2.500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm dừng hoạt động.
Chỉ tính riêng việc tạm dừng hoạt động của 4 khu công nghiệp đã khiến trên 340 doanh nghiệp dừng sản xuất, bị chậm giao hàng, bị hủy hoặc phạt hợp đồng với đối tác. Từ đó dẫn đến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, số doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản tăng. Đồng thời, làm gián đoạn sản xuất và tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất tại Việt Nam do các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp này đang là các nhà sản xuất linh phụ kiện phụ trợ chính của các hãng lớn như: Samsung, Apple...
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã thành lập 35 tổ kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nhằm kịp thời đánh giá nguy cơ lây nhiễm, từ đó có phương án tổ chức lại hoạt động sản xuất đảm bảo an toàn; thành lập các bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức lại hoạt động sản xuất…
Tính đến ngày 11/7, Bắc Giang đã có 263 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hoạt động trở lại với 77.986 lao động đã đi làm. Các ngành, địa phương ở tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng mới lao động: tiếp nhận tổng số nhu cầu tuyển mới gần 42.000 lao động của 12 doanh nghiệp. Việc hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động được thực hiện qua nhiều kênh: tuyển dụng qua sàn giao dịch việc làm tại trung tâm, qua sàn giao dịch việc làm lưu động, qua các phiên giao dịch việc làm lưu động…
Một số doanh nghiệp có chính sách thu hút công nhân lao động trở lại doanh nghiệp làm việc sẽ hỗ trợ từ 1 - 2 triệu đồng/người/tháng như: Công ty TNHH Luxshare ICT, Công ty TNHH New Wing, Công ty TNHH Seojin Việt Nam, Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc, Công ty Nichirin Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ Lens…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.