Tin tức kinh tế, tài chính ngày 29/7/2021: Giá vàng vào đà đi lên
Giá vàng hôm nay 29/7: Neo quanh mốc 1.800 USD, giá vàng phục hồi hay bị bán tháo phụ thuộc vào Fed?
Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước cũng tăng mạnh theo đà đi lên của giá vàng thế giới.
Lúc 9h, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 56,65 triệu đồng/lượng, bán ra 57,35 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng mỗi lượng so với hôm trước.
Đây là phiên tăng khá mạnh của giá vàng SJC trong những ngày qua.
Giá vàng hôm nay đối với vàng SJC, vàng trang sức 24K các loại cũng tăng tới 200.000 đồng lên 51,05 triệu đồng/lượng mua vào, 51,65 triệu đồng/lượng bán ra.
Trong khi đó, giá vàng PNJ không thay đổi, vẫn đứng yên ở mức 51,25 triệu đồng/lượng mua vào, 52,65 triệu đồng/lượng bán ra.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay tiếp tục đi lên mức 1.816 USD/ounce, tăng thêm 8 USD/ounce so với đầu giờ sáng.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 50,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 6,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trang sức chỉ khoảng 1,1 triệu đồng/lượng.
Biên độ chênh lệch giá vàng trang sức với giá vàng thế giới đã thu hẹp đáng kể, trong khi giá vàng SJC vẫn cao hơn rất nhiều so với giá thế giới.
Tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.212 đồng/USD, giảm 6 đồng/USD so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng quay đầu giảm mạnh xuống 22.870 đồng/USD mua vào, 23.070 đồng/USD bán ra, giảm tới 40 đồng/USD so với hôm qua.
Đầu ngày 29/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới giao dịch tại 1.808 USD/ounce, ghi nhận một phiên tăng 9 USD/ounce.
Đêm qua, giá vàng thế giới có lúc vọt lên ngưỡng 1.810 USD/ounce khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất cơ bản 0%-0,25%, đồng thời cho rằng nền kinh tế Mỹ tuy đạt được một số tiến bộ nhưng không đủ bảo đảm cho sự thay đổi chính sách tiền tệ.
Kết thúc cuộc họp vào rạng sáng 29/7, ông Jerome Powell - chủ tịch Fed thông báo đà phục hồi của kinh tế Mỹ chưa thật sự vững chắc để thúc đẩy Fed có thể bắt đầu hạn chế việc tung ra thị trường 120 tỉ USD thu mua các loại tài sản có giá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh.
Lập tức, thị trường tiến tệ có phản ứng. Đồng USD suy yếu so với nhiều đồng tiền khác, tạo động lực cho giá vàng hôm nay bật tăng sau 2 ngày cầm cự tại vùng 1.798 USD/ounce.
Mặt khác, ông Jerome Powell cũng nhấn mạnh tiến trình hồi sinh kinh tế Mỹ tiếp tục phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Nhất là khi biến thế Delta đang lan rộng, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng trở lại, tác động không tốt đến kinh tế Mỹ và thế giới.
Có lẽ nhận định này làm giới đầu tư chứng khoán nghĩ kinh tế Mỹ sẽ rơi vào khó khăn trong thời gian tới. Theo đó, họ mạnh tay bán cổ phiếu khiến Phố Wall gần như chìm trong sắc đỏ. Nhiều người đã tập trung vốn vào kim loại quý. Giá vàng hôm nay có thêm sức mạnh để bật tăng.
Thực tế cho thấy trong ngày 28/7, giá vàng thế giới biến động không nhiều. Thế nhưng, khi Fed công bố giữ nguyên mức độ cung ứng tiền mặt, USD giảm giá trên diện rộng, nhiều nhà đầu kỳ vọng thị trường vàng sẽ tỏa sáng nên họ tăng sức mua.
Kết quả là giá vàng hôm nay lúc 4 giờ ngày 29/7 tăng 15 USD/ounce, từ 1.795 USD/ounce vọt lên cán mức 1.810 USD/ounce. Đến 6 giờ, giá vàng hôm nay giảm nhẹ, giao dịch trong vùng 1.808 USD/ounce.
Chứng khoán ngày 29/7: Chọn lọc mua
Các công ty chứng khoán cho biết thị trường đang giai đoạn phân hoá, tích luỹ, chờ tin về dịch Covid 19, chưa thể hiện xu hướng rõ ràng nên chưa tăng mạnh ngay cả trong phiên 29-7.
Trong phiên hôm qua (28/7), đại diện lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM cho biết đầu năm tới có thể vận hành hệ thống KRX nhằm nâng cao năng lực xử lý, cho phép giao dịch lô lẻ với 1 bảng riêng, giao dịch chứng khoán T+0. Điều này sẽ tạo điều kiện để thanh khoản thị trường bùng nổ.
Trước đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán khẩn trương báo cáo việc áp dụng giao dịch 1 lô tối thiểu 10 cổ phiếu như trước đây để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, hay các thông tin về giảm lãi suất… Song, chỉ số chứng khoán trong phiên hôm nay vẫn không thể tăng được mà chỉ giữ sắc xanh, chưa kể thanh khoản giảm mạnh.
Những thông tin được đánh giá là khá tốt cho thị trường đã tung ra phiên ngày 28/7 nhưng VN-Index gần như giậm chân tại chỗ. Cụ thể, VN-Index chỉ tăng 0,14 điểm (0,01%), lên 1.277,07 điểm; HNX-Index tăng 0,25 điểm (0,08%), lên 306,25 điểm; UPCoM-Index tăng 0,22%, lên 84,96 điểm.
Giá trị giao dịch khớp lệnh tại HOSE chỉ đạt 11.484 tỉ đồng, giảm gần 30% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 13.064 tỉ đồng.
Các chuyên gia cho rằng chính giai đoạn này là cơ hội để nhà đầu tư chọn lọc lại cổ phiếu để mua. Nhóm cổ phiếu được quan tâm vẫn là doanh nghiệp không ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid 19, thậm chí hưởng lợi; các ngành tài chính, thép, bất động sản vẫn được nhà đầu tư xem xét.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán BSC, dòng tiền đầu tư suy giảm, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực với thanh khoản suy giảm so với phiên trước. BVS dự báo VN-Index có thể vẫn chưa thoát khỏi khu vực tích lũy ngắn hạn hiện tại trong phiên tới.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS) cho rằng phiên này đã có sự giằng co mạnh mẽ giữa hai bên mua và bán. Tuy nhiên, thanh khoản thấp nhất tính từ đầu năm cho tới nay, cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư ở ngưỡng kháng cự 1.275 điểm.
Một công ty chứng khoán khác cho rằng trong phiên giao dịch ngày 29-7, sự giằng co có thể tiếp tục diễn ra tại vùng hỗ trợ 1.270 – 1.275 điểm, vùng kháng cự 1.280 – 1.285 điểm. Vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi, vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.
Trong kịch bản tích cực, xu hướng của thị trường có thể cải thiện nếu chỉ số VN-Index đóng cửa trên ngưỡng 1.280 điểm.
Ngân hàng muốn giảm cho vay mua nhà
Đây là thông tin được nhiều ngân hàng cho biết trong cuộc điều tra xu hướng tín dụng nửa cuối năm do Vụ Dự báo, thống kê của Ngân hàng Nhà nước thực hiện với 95% tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Theo cơ quan nghiên cứu của NHNN, nửa đầu năm nay, rủi ro tín dụng được các nhà băng nhận định tăng nhưng chậm hơn 6 tháng cuối năm 2020 ở tất cả lĩnh vực, trừ các khoản vay thuộc lĩnh vực kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; chứng khoán và du lịch được đánh giá rủi ro tăng mạnh hơn.
Trong đó, mức độ rủi ro của các khoản vay kinh doanh du lịch tiếp tục được nhiều nhà băng đánh giá tăng cao thứ 2 chỉ sau vay đầu tư, kinh doanh bất động sản trong giai đoạn này. Điều này có nguyên nhân chính từ việc ngành du lịch vẫn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19.
Trước tác động khó lường của dịch, rủi ro tín dụng cũng được dự báo tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm nay và sẽ giảm nhẹ vào năm 2022.
Các ngân hàng sẽ thắt chặt tiêu chuẩn cho vay mua nhà để ở trong nửa cuối năm nay. Ảnh: Nam Khánh.
Mặt bằng rủi ro ghi nhận tăng trong nửa đầu năm nay nhưng nhóm 17 ngân hàng thương mại trọng yếu (70% quy mô hệ thống ngân hàng) cho biết vẫn có xu hướng nới lỏng hơn tiêu chuẩn tín dụng đối với các khách hàng doanh nghiệp và giữ nguyên tiêu chuẩn với khách hàng cá nhân.
Về cuối năm, các ngân hàng dự kiến nới lỏng hơn tiêu chuẩn tín dụng đối với hầu hết nhóm khách hàng. Trong đó, ưu tiên nới lỏng đối với nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa, áp dụng với hầu hết lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.
Trong khi đó, dòng vốn tín dụng ngân hàng dự kiến vẫn thắt chặt với lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán; kinh doanh bất động sản; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; và đầu tư kinh doanh du lịch.
Lãnh đạo các ngân hàng cho biết cơ sở để nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng nửa cuối năm nay với một số khách hàng là nhờ triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan và chính sách, định hướng của Chính phủ, NHNN cùng với năng lực tài chính của các ngân hàng được cải thiện.
Ngoài nhóm lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các ngân hàng cũng dự kiến thắt chặt hơn đối với hoạt động cho vay mua bất động sản để ở.
Ngược lại, các khoản vay trong lĩnh vực tiêu dùng dự kiến được nới lỏng hơn trong nửa cuối năm nay và giữ ổn định với hoạt động cho vay qua thẻ tín dụng.
Chia sẻ về cơ cấu tín dụng, các ngân hàng cho biết lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu và cho vay phục vụ nhu cầu đời sống là 3 lĩnh vực chính tạo động lực tăng trưởng tín dụng của hệ thống nửa đầu năm nay, cũng như dự kiến cả năm nay và năm 2022.
Cũng trong báo cáo của cơ quan dự báo thống kê NHNN, các ngân hàng đều cho rằng nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng đã tăng trong nửa đầu năm nay và dự báo tiếp tục tăng trong nửa cuối năm ở tất cả đối tượng, loại tiền, kỳ hạn và lĩnh vực, ngoại trừ nhu cầu tín dụng cho đầu tư, kinh doanh du lịch giảm.
Vốn ngoại vào bất động sản giảm mạnh có đáng lo?
Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Số liệu của đơn vị này cho thấy, trong 18 ngành lĩnh vực thu hút đầu tư, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư 5,49 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Và tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ. Trong đó, với lĩnh vực bất động sản mặc dù vẫn giữ thứ tự cao nhưng Việt Nam không có dự án mới, có vốn khủng đổ vào bất động sản như các năm trước. Điều này khiến vốn ngoại giảm mạnh thời gian qua.
Lượng vốn FDI vào bất động sản Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 1,17 tỷ USD, giảm hơn 1,6 tỷ USD, tương đương khoảng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Các đối tác tiềm năng phần lớn đến từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong năm 2020, dù bối cảnh đại dịch song Việt Nam vẫn có một số dự án bất động sản được nhà đầu tư ngoại tăng vốn như Khu đô thị trung tâm Tây Hồ Tây. Tuy nhiên, trong 6 tháng qua, không có nhiều đại dự án tăng thêm vốn, chỉ có những dự án cấp mới, chờ kế hoạch khởi công.
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc thiếu các dự án lớn, dự án tạo động lực cho tăng trưởng của các nền kinh tế chú trọng vào FDI như Việt Nam có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển của các nền kinh tế này trong ngắn hoặc trung hạn, nhất là trong bối cảnh các dự án đầu tư công đình trệ, đầu tư của khu vực tư nhân còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Đính, việc nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản giảm mạnh đã được dự báo từ trước, khi dịch COVID - 19 bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, nước ta và nhiều quốc gia khác cũng đang duy trì lệnh "đóng cửa"."Vì vậy, không mấy ngạc nhiên khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài Việt Nam giảm mạnh, trong đó có bất động sản. Tuy nhiên, việc sụt giảm này chỉ là tạm thời vì thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chờ đợi cơ hội để đầu tư vào Việt Nam".
Các chuyên gia của Savills Việt Nam nhấn mạnh, dù việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà ở đang bị tác động tiêu cực trong ngắn hạn vì cách ly xã hội. Song các nhà phát triển bất động sản vẫn đang chuẩn bị các dự án mới để đáp ứng nhu cầu của khách trong và ngoài nước khi mức cầu phục hồi với kỳ vọng Việt Nam vẫn là một trong những thị trường có mức lợi tức cho thuê cao và giá bất động sản thấp nhất trong khu vực.
Bộ NN-PTNT thúc biện pháp lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp
Ngày 28.7, Bộ NN-PTNT có văn bản gửi các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đề nghị quan tâm một số biện pháp cấp bách để lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất trong nông nghiệp.
Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ẢNH: LÂM VIÊN
Văn bản cho hay, bộ này đã nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản và trồng trọt về việc không duy trì được sản xuất, ứ đọng sản phẩm do việc lưu thông giống, thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm qua các chốt kiểm tra gặp nhiều khó khăn.
Đến nay, nhiều tỉnh, thành đã ban hành danh mục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhưng còn thiếu một số hàng hóa, vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; việc đăng ký cấp giấy chứng nhận cho xe vận chuyển theo “luồng xanh” còn khó khăn. Nhiều chốt kiểm tra chưa có làn ưu tiên cho xe luồng xanh nên mất nhiều thời gian cho việc khai báo, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, thực phẩm tươi sống.
Để đảm bảo phục vụ kịp thời người tiêu dùng, duy trì sản xuất, chủ động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đơn vị và chính quyền các cấp song song việc kiểm soát phòng chống dịch, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, nhanh chóng phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng như: giống, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi; vật tư thiết bị phục vụ duy trì sản xuất; sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm tươi sống như con giống, thịt, trứng, sữa, thủy hải sản, rau, củ, quả... Hướng dẫn kịp thời, cấp giấy phép cho xe vận chuyển theo luồng xanh nhanh nhất từ khi làm xong thủ tục đăng ký; những chốt kiểm soát dịch bệnh cần bố trí làn đường ưu tiên cho xe luồng xanh, tránh ách tắc giao thông, nếu đi chung với các loại phương tiện khác sẽ mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến sản xuất, đặc biệt là chất lượng sản phẩm tươi sống.
Đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, Bộ NN-PTNT đề nghị xây dựng những trạm trung chuyển hàng hóa vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa. Trong danh mục hàng hóa thiết yếu, dẫn quy định tại khoản 3, điều 4 của luật Giá, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương đưa giống, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi vào danh mục hàng hóa thiết yếu, vì đây những hàng hóa phục vụ cho duy trì sản xuất hiện tại và lâu dài.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.