Tin tức kinh tế, tài chính ngày 8/8/2021: Đầu tư bất động sản không kiếm lời nhiều như trước đây
Giá vàng hôm nay 8/8: Dự báo trượt xuống 47 triệu đồng/lượng
Sáng 8/8, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào là 56,3 triệu đồng/lượng và bán ra 57 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng so với cuối tuần qua.
Giá vàng thế giới phiên cuối tuần lao dốc xuống 1.763,6 USD/ounce, giảm 50,7 USD so với cuối tuần qua. Hiện vàng thế giới tương đương 48,96 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Như vậy tổng cộng trong tuần này, kim loại quý thế giới bốc hơi gần 1,2 triệu đồng/lượng, cao hơn gần 5 lần mức giảm của SJC. Vì vậy hiện mỗi lượng vàng miếng SJC cao hơn thế giới trên 8 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch kỷ lục mặc dù thị trường trong nước hầu như không có giao dịch.
Giá vàng giảm mạnh sau khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ trong ngày 6.8 cho thấy số lượng việc làm gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm khiến nhà đầu tư cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm các chương trình hỗ trợ kinh tế sớm hơn.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, nhận định trên Reuters rằng phần lớn số việc làm đạt được trong báo cáo là từ lĩnh vực khách sạn và giải trí có mức lương thấp hơn, vốn không làm tăng lạm phát, theo đó làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một hàng rào chống lại sự gia tăng về giá cả. Ông dự báo giá vàng có thể giảm xuống còn 1.700 USD/ounce trong thời gian tới. Tuy nhiên thị trường vẫn sẽ thấy lượng hỗ trợ khổng lồ được bơm vào nền kinh tế toàn cầu và điều đó vẫn sẽ hỗ trợ cho vàng. Nếu kim loại quý trượt xuống mức 1.700 USD/ounce thì quy đổi tương đương tại Việt Nam là 47,2 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).
Trước đó, khi vàng vẫn giữ trên ngưỡng 1.800 USD/ounce, ngân hàng đầu tư có tiếng là Credit Suisse nhận định giá vàng đang ở vùng trung lập và bị ngăn cản ở ngưỡng trung bình 200 ngày ở mức 1.820 USD/ounce. Vàng cần vượt qua ngưỡng này và sau đó là ngưỡng 1.834 USD/ounce để bước vào một xu hướng tăng giá. Khi đó ngưỡng kháng cự mới sẽ là 1.917 USD/ounce. Cũng theo Credit Suisse, nếu vàng xuống dưới ngưỡng 1.755 USD thì có thể sẽ thử lại ngưỡng hỗ trợ quan trọng là 1.682 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua...
Chứng khoán tuần từ 9-13/8: Áp lực điều chỉnh?
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), phiên cuối tuần qua (6/8), chỉ số VN-Index vẫn chưa thể vượt được vùng cản 1.350 điểm và đảo chiều giảm điểm. Thanh khoản phiên này tăng so với các phiên trước và cao hơn mức trung bình 50 phiên gần nhất, cho thấy nhà đầu tư đang tranh thủ chốt lời ngắn hạn sau nhịp hồi phục khá nhanh. Dự kiến VN-Index sẽ tiếp tục bị cản và có thể điều chỉnh. Tuy nhiên, nhịp điều chỉnh nếu có chỉ mang tính chất cân bằng lại thị trường sau khi hoàn thành nhịp hồi phục.
“Do vậy, nhà đầu tư tạm thời nên cân đối lại danh mục, chốt lời đối với các vị thế ngắn hạn hoặc các cổ phiếu đang chịu áp lực cản lớn. Đồng thời, nhà đầu tư tranh thủ tìm kiếm cơ hội đầu tư để giải ngân khi thị trường cân bằng và ổn định trở lại”, VDSC khuyến nghị.
Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư đã thể hiện ở chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp đầu tuần qua. Trong phiên cuối tuần, VN-Index đã có lúc chạm ngưỡng 1.350 điểm cùng với diễn biến tăng trên diện rộng. Tuy nhiên, áp lực bán bất ngờ tăng mạnh trong nửa cuối thời gian của phiên giao dịch cuối tuần đã kéo chỉ số rời xa ngưỡng kháng cự quan trọng này.
Trong tuần khối ngoại diễn biến khá tích cực khi mua ròng cả 5 phiên với tổng giá trị hơn 2.400 tỷ đồng. VHM dẫn đầu danh sách mua ròng với giá trị đạt gần 1.000 tỷ đồng, bỏ xa vị trí thứ 2 và 3 là STB và SSI với giá trị mua ròng lần lượt đạt 602 và 522 tỷ đồng. Chiều bán ròng, VIC là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 340 tỷ đồng.
Theo Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, sau nhịp hồi phục gần 120 điểm trong 3 tuần, VN-Index đang gặp kháng cự ngắn hạn tại ngưỡng 1.350. Trong tuần sau khả năng thị trường sẽ chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của chỉ số là vùng 1.300 - 1.310 điểm.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, VN - Index đã hồi phục đáng kể từ vùng đáy ngắn hạn 1.250 điểm, ngay cả trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế vẫn đang tiếp tục bất ổn và những diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư tại Việt Nam.
VCBS nhận định chỉ số chung sẽ tiếp tục xu hướng dao động tích lũy trong vùng 1.300 - 1.350 điểm trong những tuần tới và trước mắt thì ngưỡng kháng cự gần nhất là 1.350 điểm.
Theo đó, công ty chứng khoán này khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc chốt lời một phần cổ phiếu đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng, để bảo toàn thành quả, đồng thời chuyển sang nắm giữ các cổ phiếu vốn hóa trung bình chưa tăng mạnh trong giai đoạn trước đó.
Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh giảm trong phiên để tiếp tục gia tăng tích lũy các cổ phiếu mục tiêu có tiềm năng tăng trưởng tốt và nền tảng tài chính lành mạnh trong năm 2021.
Có góc nhìn lạc quan, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vẫn cho rằng, phiên điều chỉnh nhẹ cuối tuần qua (6/8) có thể không gây ảnh hưởng nhiều đến xu hướng tăng của thị trường về vùng 1.350-1.380 điểm trong tuần tới.
Trở lại diễn biến thị trường tuần qua, kết thúc tuần giao dịch từ 2 - 6/8 , VN-Index tăng 31,4 điểm lên 1.341,45 điểm; HNX-Index tăng 10,61 điểm lên 325,46 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với tuần trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất, với trung bình khoảng 23.800 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên.
Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 21% lên 102.714 tỷ đồng, tương ứng khối lượng tăng 25,7% lên 3.249 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 53,6% lên 16.704 tỷ đồng, tương ứng khối lượng tăng 50,2% lên 668 triệu cổ phiếu.
Thị trường hồi phục giúp cho toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng. Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) tuần qua, cổ phiếu thuộc ngành bất động sản tăng mạnh. Cụ thể, các mã trụ cột như: NVL tăng 3,4%, VHM tăng 5,2%, VIC tăng 5,7%. Các mã thuộc ngành chứng khoán cũng bứt phá. Theo đó, HCM tăng 3%, SSI tăng 3,3%, VND tăng 8,7%, VCI tăng 9,2%.
Nhóm cổ phiếu thuộc ngành hàng không diễn biến tích cực với HVN tăng 0,9%, ACV tăng 1,2%, VCJ tăng 3,9%. Cổ phiếu của các doanh nghiệp bán lẻ hàng công nghệ cũng có mức tăng mạnh. Các mã đầu ngành nhóm này là FRT tăng 3,9%, DGW tăng 4,2%, MWG 4,5%.
Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin trên đà tăng trưởng với FPT tăng 2,8%, CMG tăng 6,7%. Các nhóm tiện ích cộng đồng, nguyên vật liệu, dầu khí, ngân hàng, hàng tiêu dùng, dược phẩm và y tế, công nghiệp đều có diễn biến tích cực.
Nếu nhìn vào kết quả giao dịch cả tuần thì có vẻ như sự tích cực đang chiếm ưu thế. Dù vậy, những diễn biến của thị trường trong phiên cuối tuần đã khiến nhiều công ty chứng khoán hoài nghi về đà hồi phục tiếp tục của chỉ số.
Thực tế, diễn biến trong phiên cuối tuần qua của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng nằm trong xu hướng chung của các thị trường chứng khoán châu Á.
Cựu cán bộ ngân hàng Vietinbank chiếm đoạt hơn 385 tỷ đồng như thế nào?
Cơ quan điều tra (Bộ Công an) vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển VKSND Tối cao đề nghị truy tố Huỳnh Tấn Luật (48 tuổi, nguyên Trưởng phòng giao dịch Trần Hưng Đạo, Vietinbank chi nhánh 1) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đây là kết quả điều tra lại vụ án sau khi bị Tòa phúc thẩm trả hồ sơ.
Theo kết luận, qua quen biết, một khách hàng được giới thiệu đến Vietinbank nơi Luật làm Trưởng phòng giao dịch để gửi hàng trăm tỷ đồng. Do số tiền gửi lớn, từ tháng 10/2011, Vietinbank chi nhánh 1 đồng ý Luật giao dịch tại nhà khách hàng VIP này. Tin tưởng Luật nên khách hàng thường ký sẵn vào các giấy tờ, biểu mẫu chưa ghi nội dung để Luật thực hiện giao dịch cho mình.
Luật đặt vấn đề vay tiền của vị khách này để đáo hạn ngân hàng, kinh doanh... với cam kết trả lãi suất cao. Tổng số tiền vay là hơn 239 tỷ đồng và 8.687.000 USD. Luật đã trả cho khách 35 tỷ đồng tiền gốc. Đến cuối năm 2012, Luật còn nợ của khách hàng này hơn 204 tỷ đồng và 8.687.000 USD.
Luật trong lần ra tòa hồi tháng 6/2019. Ảnh: Thanh Niên
Từ 2006 đến 2014, Luật còn vay tiền của 12 người khác, tổng cộng là 162 tỷ đồng và 10.000 USD. Luật đã sử dụng gần 155 tỷ đồng vay để mua 21 tài sản, gồm nhiều bất động sản ở các tỉnh và xe hơi rồi nhờ người thân đứng tên, sau đó mất khả năng trả nợ.
Năm 2014, khi bị khách hàng kia đòi nợ, lợi dụng việc bà này trước đó ký vào các giấy tờ, Luật làm giả nhiều biên nhận thể hiện đã trả hết nợ và còn làm giả biên nhận thể hiện đã cho người này vay 82 tỷ đồng, gần 3.900 lượng vàng SJC rồi nhắn tin đòi nợ. Tháng 8/2014, Luật làm đơn tố cáo khách hàng này chiếm đoạt tiền của mình.
Luật thừa nhận chữ ký trên 9 tờ giấy thể hiện đã trả nợ cho bà Kiên là giả. Quá trình điều tra, 10 trong số 21 tài sản Luật mua đã được thu hồi, kê biên và trừ nợ cho khách hàng này để khắc phục hậu quả.
Tháng 6/2019, Luật bị TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt 20 năm tù. Tuy nhiên vị khách hàng nạn nhân kháng cáo, yêu cầu hủy án, làm rõ vai trò giúp sức của một số người thân trong gia đình Luật, đồng thời thu hồi thêm nhiều tài sản còn lại để khắc phục thiệt hại.
TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm tháng 11/2019 đã chấp nhận hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại.
“Vòng quay đầu tư bất động sản kiếm lời nhiều không còn nữa”
Chia sẻ cụ thể về giao dịch của nhà đầu tư bất động sản với VTV24 Money, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Chuyên gia tư vấn cao cấp GIBC cho biết theo quan sát nhóm vài chục nhà đầu tư cho thấy họ thực hiện tái cấu trúc lại nguồn vốn để đầu tư.
“Nhiều người trước đây mua nhiều loại sản phẩm bất động sản như đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm rồi chuyển đổi mục đích sử dụng rồi bán lại; họ chờ thời cơ, mua đất khắp nơi, xung quanh TP.HCM. Nhưng hiện nay họ phải tái cấu trúc danh mục lại. Thậm chí một số miếng đất ở khu vực thấy có sự thay đổi chậm, sốt đất không còn buộc họ phải rút vốn”, ông Nghĩa cho biết.
Theo vị này, hiện nay nhà đầu tưu điều chỉnh hành vi rất nhanh. Các đợt chào bán mới sản phẩm nhà đầu tư toan tính rất kỹ lưỡng, liệu dòng sản phẩm đó còn hấp dẫn hay không, mức tăng giá thế nào, vòng quay vốn, tỷ lệ thâm dụng ngân hàng ra sao… Thậm chí những nhà đầu tư trước đây thường dùng miếng đất này để đi vay đầu tư miếng đất khác giờ hầu như “nhát tay”.
“Nếu như trước đây họ có 2-3 sổ đỏ đem đi vay mua 1 sổ khác thì nay gần như nhát tay. Có những nhà đầu tư có những kinh doanh khác nhưng buôn bán khó khăn. Họ tìm cách rút bất động sản để nuôi mảng khác. Đang có những dịch chuyển về chất rất cao”, chuyên gia Nghĩa đề cập.
Ông Nghĩa nhấn mạnh tới việc sử dụng đòn bẩy trong đầu tư bất động sản, theo đó lượng nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, không dùng đòn bảy tài chính đầu tư bất động sản chiếm chưa tới khoảng 10% trên thị trường. Hầu như nhà đầu tư bất động sản dùng đòn bẩy tài chính, trong đó có dùng nguồn vốn từ đầu tư kinh doanh khác.
“Người sử dụng đòn bẩy một vài chục tỷ cho đầu tư thì bị áp lực, chắc chắn vòng quay của đầu tư cho bất động sản nay chậm hơn. Việc bỏ ra một vài tỷ để đầu tư 20-30% hợp đồng rồi bán ngay kiếm lời nhiều thì vòng quay này không còn nhanh nữa. Nhà đầu tư hiện nay cân đối bao nhiêu đầu tư cho dài hạn, bao nhiêu cho lượm tiền cắc ví dụ mua cho thuê lại hàng tháng, bao nhiêu đầu tư tài sản găm để chờ lên giá bán. Thay đổi này rất ghê gớm mà nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng sản phẩm tìm cách điều chỉnh hành vi đầu tư”, chuyên gia của GIBC cho biết.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.