Tin tức miền Tây 11/5: Xét xử "đại án" đánh bạc ở An Giang
Xét xử "đại án" đánh bạc ở An Giang
TAND tỉnh An Giang ngày 11/5 mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Tổ chức đánh bạc", "Đánh bạc" đối với 62 bị cáo. Đây là vụ án do ông Đinh Văn Nơi trực tiếp chỉ đạo triệt phá khi còn giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh An Giang (nay ông là Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh).
Bị cáo Nguyễn Thị Thủy Liên được xem là “bà trùm” đường dây đánh bạc
Ở vụ án này, Nguyễn Thị Thủy Liên (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) được xác định có vai trò chủ mưu. Hồ sơ thể hiện ngày 5/6/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang ra lệnh khám xét khẩn cấp 11 chỗ ở của các đối tượng có hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên địa bàn TP Long Xuyên và các huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới của tỉnh An Giang. Kết quả điều tra, cơ quan chức năng xác định tổng số tiền các bị cáo xác nhận đánh bạc với nhau là hơn 966 tỉ đồng thông qua giao dịch ngân hàng. Trong đó, xác định phơi số lô đề trên 407 tỉ đồng.
Trong ngày đầu tiên, tòa dành phần lớn thời gian thẩm tra lý lịch và công bố cáo trạng. Dự kiến phiên tòa kéo dài đến ngày 24/5.
Đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng ĐBSCL
Ngày 11/5, tại TP Cần Thơ diễn ra Hội thảo “Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng ĐBSCL”.
Quang cảnh hội thảo.
Theo Vụ Công tác Dân tộc địa phương - Ủy ban Dân tộc, ĐBSCL có 43 DTTS, đồng bào DTTS chiếm 7,58% dân số toàn vùng, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer (trên 1,1 triệu người), sống đan xen với dân tộc Kinh ở 9 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang… Với 21 tham luận tại hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi về thực trạng KT-XH vùng đồng bào DTTS khu vực ĐBSCL; giải pháp nhằm phát huy giá trị văn hóa dân tộc Khmer trong phát triển KT-XH vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các chính sách đào tạo theo dạng “cử tuyển” cho người dân tộc vùng ĐBSCL; vai trò của MTTQVN trong việc tham gia phát triển KT-XH, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh xã biên giới, giai đoạn 2021-2025; giải pháp, chính sách thúc đẩy đồng bào dân tộc Khmer phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nâng cao đời sống… Hội thảo cũng bàn nhiều giải pháp cụ thể giúp đồng bào DTTS phát triển KT-XH, như: hoàn thiện chính sách vĩ mô về phát triển nguồn nhân lực nữ người dân tộc Khmer; giảm nghèo trên phương diện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; giảm nghèo thông qua du lịch trên phương diện sinh kế và văn hóa xã hội…
Phát biểu tại hội thảo, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN, nhấn mạnh, hội thảo có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dành cho đồng bào DTTS trên cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Từ đó, giúp MTTQVN các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, hoạt động phối hợp với HĐND, UBND trong việc tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 của Thủ tướng Chính phủ… Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN đề nghị Ban tổ chức hội thảo tổng hợp các ý kiến, giải pháp và báo cáo tới các cấp ủy đảng, chính quyền và MTTQVN các tỉnh ĐBSCL để chắt lọc đưa các giải pháp phát triển KT-XH bền vững đối với đồng bào DTTS vào nghị quyết của Đảng, nghị quyết HĐND, kế hoạch của UBND, Chương trình hành động của MTTQVN các tỉnh vùng ĐBSCL và triển khai thực hiện một cách hiệu quả.
Cần Thơ muốn làm cầu Ô Môn hơn 9.180 tỉ từ nguồn vốn trung ương
UBND TP Cần Thơ vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp đề nghị xem xét, có ý kiến thống nhất quan điểm về việc đầu tư cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu nằm trên tuyến hành lang liên vùng.
Dự kiến cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu có tổng mức đầu tư hơn 9.187 tỉ đồng, khi hoàn thành, dự án sẽ tạo ra một tuyến đường vận chuyển tốt và an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường cho khu vực dân cư có tuyến đi qua. Ảnh minh họa: CHÂU ANH
Trước đó, tháng 2/2023, UBND TP Cần Thơ có Tờ trình gửi Bộ KH&ĐT cùng Bộ Tài chính đề xuất đầu tư xây dựng cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối TP Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp.
Theo Tờ trình, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 9.187 tỉ đồng, trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị hơn 5.950 tỉ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 291 tỉ đồng. UBND TP Cần Thơ cũng đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA vay từ Chính phủ Nhật Bản khoảng 7.276 tỉ đồng, còn lại hơn 1.911 tỉ đồng sử dụng từ ngân sách TP và các nguồn vốn hợp pháp khác
Ngày 1/4, tại cuộc họp Ban điều phối chung các dự án Mekong DPO, Bộ KH&ĐT có ý kiến chưa thống nhất đưa dự án cầu Ô Môn vào danh mục các dự án tham gia chương trình; dự án sẽ được xem xét đầu tư trong giai đoạn tiếp theo.
Ngày 10/4, Bộ Tài chính có Công văn góp ý các đề xuất dự án của UBND TP Cần Thơ dự kiến sử dụng vốn vay Nhật Bản. Trong đó, Bộ này cho biết việc xây dựng cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu thuộc địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp mang tính chất liên vùng.
“Theo quy định tại tiết a khoản 1 Điều 36 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương bao gồm việc đầu tư cho dự án, bao gồm cả các dự án có tính chất liên vùng, khu vực của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, cơ quan Trung ương. Do vậy, việc đầu tư dự án 2 này thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương” - Bộ tài chính trả lời đề xuất đầu tư cầu Ô Môn của UBND TP Cần Thơ.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính, UBND TP Cần Thơ đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp có ý kiến thống nhất quan điểm đầu tư dự án cầu Ô Môn sử dụng nguồn vốn trung ương.
Theo Tờ trình của UBND TP Cần Thơ, dự án cầu Ô Môn có tổng chiều dài khoảng 5,4km, thiết kế có quy mô bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, vận tốc 80km/giờ.
Dự án có điểm đầu giao với Quốc lộ 54, cách bến phà Phong Hòa - Ô Môn khoảng 2,7km về phía thượng nguồn sông Hậu (thuộc tỉnh Đồng Tháp). Điểm cuối giao với đường tỉnh 920 quy hoạch (thuộc địa phận phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ).
An Giang: Tạm giữ 10 tấn tỏi Trung Quốc đang trên đường đi tiêu thụ
Theo thông tin Cục Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang, ngày 10/5, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh An Giang khám phương tiện đối với ô tô tải biển kiểm soát 67C-043.73 do ông N.V. Q điều khiển khi đang tại lề đường Lý Thái Tổ, khóm Xuân Hòa, phường Tịnh Biên, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Hiện trường và tang vật vụ việc.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện phương tiện đang vận chuyển 500 bao tương đương 10 tấn củ tỏi tươi, do Trung Quốc sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, với tổng trị giá hàng hóa khoảng 143 triệu đồng.
Làm việc với lực lượng chức năng, người điều khiển phương tiện đã xuất trình được: Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô; Giấy chứng nhận kiểm định; Giấy phép lái xe (Hạng C); Hợp đồng vận chuyển hàng hóa; hóa đơn bán hàng do Công ty TNHH XNK H.P, địa chỉ: 119/1, QL1A, tổ 4, khu phố 1, phường Thạnh Xuân, Q12, TP. Hồ Chí Minh xuất bán cho bà L.T.M.T (Tịnh Biên, An Giang); Tờ khai hàng hóa nhập khẩu (Thông quan) ngày 05/5/2023 và Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu.
Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng lập biên bản và tiến hành niêm phong, tạm giữ tang vật để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Khởi động 2 dự án giao thông hơn 2.000 tỷ, vực dậy vùng trũng ở Bạc Liêu
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bạc Liêu (Ban QLDA), đơn vị này đang triển khai thực hiện 2 danh mục dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2020 - 2025 của tỉnh.
Đoàn công tác của Bộ KH&ĐT cùng lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu khảo sát thực địa tại dự án Xây dựng tuyến đường từ thị trấn Phước Long đi Ba Đình hồi cuối tháng 4/2021
Cụ thể, 2 dự án khởi công mới là dự án Xây dựng đường Phó Sinh - Cạnh Đền và dự án Xây dựng đường Phước Long - Ba Đình, đi qua địa bàn của 2 huyện Hồng Dân và Phước Long.
Đây là 2 dự án trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu, nhằm tạo tính liên kết vùng, nguồn vốn hỗ trợ phần lớn từ vốn Trung ương.
Cụ thể, tuyến đường Phước Long - Ba Đình (điểm đầu cầu Phước Long 2 và điểm cuối Ngã Ba Đình) có tổng vốn đầu tư 1.470 tỷ đồng (Trung ương hỗ trợ 1.200 tỷ đồng, còn lại vốn của tỉnh).
Quy mô dự án: chiều dài trên 28km và 29 cây cầu, mặt đường 7m, nền đường 11m, xây dựng đạt chuẩn đường cấp IV đồng bằng.
Tuyến đường này đi qua địa bàn huyện Phước Long 5,6km và huyện Hồng Dân 22,4km. Dự kiến, tiến độ thực hiện dự án tại hiện trường đạt khoảng 35% vào cuối năm 2023, thông xe vào năm 2025 (sau thời gian chờ lún 12 tháng).
Dự án đường Phó Sinh - Cạnh Đền (điểm đầu là cầu Phó Sinh 2 và điểm cuối là ngã Ba Cạnh Đền) đã được triển khai xây dựng. Dự án có chiều dài 15km và 13 cây cầu, quy mô đường cấp IV đồng bằng, mặt đường 7m, nền đường 9m, tổng mức đầu tư trên 700 tỷ đồng.
Trong đó, con đường qua địa bàn huyện Phước Long 6km, qua huyện Hồng Dân 9km, Trung ương hỗ trợ 100% vốn. Dự kiến đến cuối năm 2023, nhà thầu sẽ thi công đạt 45% tổng khối lượng.
Hai dự án cùng có mốc thời gian hoàn thành và bàn giao vào năm 2025. Đồng thời, 2 dự án này sẽ kết nối vào cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Khi thông tuyến, cùng với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, hệ thống hạ tầng giao thông khu vực sẽ hoàn chỉnh.
Ông Lương Quý Thái, Phó giám đốc Ban QLDA cho biết, 2 dự án trên hoàn thành và đưa vào sử dụng giúp cho việc vận chuyển hàng hóa từ Phước Long, Hồng Dân về Cần Thơ rút ngắn được thời gian khoảng hơn 1 giờ so với đường thủy. Sức cạnh tranh của hàng hóa sẽ tăng cao - thay vì trước đây chủ yếu phải vận chuyển bằng đường thủy.
“Hơn nữa, theo quy hoạch giao thông - vận tải, địa bàn 2 huyện Phước Long và Hồng Dân hiện được xem là “vùng trũng” về giao thông đường bộ, đầu tư hạ tầng còn ít.
Do đó, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Bạc Liêu ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông tại các huyện này đồng bộ với giao thông cả tỉnh”, ông Thái thông tin thêm.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, đây sẽ là những trục giao thông huyết mạch kết nối vùng phục vụ đắc lực cho lưu thông, trung chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội của Bạc Liêu và các tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, góp phần đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030 là 1 trong những đột phá quan trọng được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định rõ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.