Trăn trở của giáo viên miền núi trước thềm năm mới
PV: Thầy có thể chia sẻ lí do tại sao thầy lại quyết định chọn ngành sư phạm và đam mê với nó?
Thầy Phạm Thanh Linh: Khi còn là một học sinh trường THPT Bắc Kạn - một ngôi trường của tỉnh miền núi với quá nhiều khó khăn nhưng ở đó tôi vẫn cảm nhận được sự nhiệt huyết và tình yêu mà những người thầy, người cô dạy cho tôi.
ADVERTISING
Thầy Phạm Thanh Linh
cùng học sinh của mình
Chính những thầy ấy đã gieo vào lòng tôi ước mơ trở thành một người giáo viên. Tôi mơ ước một ngày nào đó được đứng trên bục giảng và giảng dạy tại nơi mà tôi đã lớn lên, được truyền cho các em học sinh những đam mê mà tôi đang có.
Khi đã là sinh viên khoa Toán của trường ĐH Sư phạm Hà Nội tôi luôn cố gắng trau dồi chuyên môn cũng như nghiệp vụ với hi vọng sau này sẽ là người vững tay chèo trong những chuyến đò đưa thế hệ trẻ cập bến tương lai.
PV: Thời gian qua, vấn đề lương cho giáo viên, thưởng Tết cho giáo viên rất thấp so với những ngành khác trong khi đóng góp lại lớn. Thầy suy nghĩ thế nào về điều này?
Thầy Phạm Thanh Linh: Đây cũng là câu hỏi mà trước đó khá nhiều người hỏi tôi. Đúng là lắm lúc mỗi chúng ta đều bị cuốn vào dòng đẩy của “cơm áo gạo tiền”, chúng ta lo cho từng bữa ăn cho các con, lo cho bố mẹ già ốm đau…
Với đồng lương it ỏi thì chưa đủ trang trải cuộc sống đương nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình tự học, tự nghiên cứu vươn lên của một người giáo viên.
Nhưng bản thân tôi thiết nghĩ vẫn còn một nỗi lo lớn hơn nữa đó là sự phát triển toàn diện giáo dục. Chính vì vậy, vấn đề lương thấp sẽ không ảnh hưởng đến tình yêu và nhiệt huyết của tôi với nghề giáo mà nó chỉ là một thử thách mà tôi buộc phải vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
PV: Với rất nhiều giải thưởng mà thầy đạt được, thầy đã phải vượt qua những khó khăn thế nào?
Thầy Phạm Thanh Linh: Xuất thân trong một gia đình thuần nông, để hai anh em tôi cùng học đại học cha mẹ đã phải chạy vạy và làm lụng rất vất vả. Mỗi khi về thăm nhà nghe hàng xóm kể lại bố mẹ tôi đã thức cả đêm để băm nộm giao cho các nhà hàng, vì họ nghe thấy tiếng băm dao thớt hàng đêm là lòng tôi lại đau quặn lại vì thương cha mẹ. Tôi tự nhủ sẽ cố gắng học thật giỏi để khỏi phụ công cha mẹ tôi.
Tôi công tác ở trường huyện khoảng 10 năm, ở trường huyện, hoàn cảnh các học sinh đều rất khó khăn vì vậy mà phong trào học cũng không được tốt. Tôi nhớ năm đó mới về công tác, nhà trường giao cho ôn đội tuyển thi học giỏi môn Toán khối 11, việc tìm nguồn học sinh ôn cũng khó chứ đừng mơ có giải.
Trong số các em tôi chọn tôi phát hiện một cậu học trò có tố chất rất thông minh, nhưng bạn ấy bị nghiện game. Buổi đầu tiên dạy học tôi đã không dạy gì về mặt kiến thức cả tôi đã dạy cả nhóm cách tư duy toán, cách tự học mong gieo vào lòng các em niềm đam mê toán học, đợi các học sinh khác về tôi đã tâm sự với em học sinh đó rất nhiều về cuộc sống và ước mơ tương lai.
Kết quả là học sinh này đã tiến bộ rất nhanh, tôi nhớ mỗi sáng lên lớp, cậu ta cũng cầm một gói xôi đứng sẵn ở cổng trường với tờ bài tập trên tay chưa giải được hỏi thầy và chia sẻ những phần kiến thức mới mà cậu ta tự học được.
Và không phụ công thầy một năm sau đó cậu ta đã đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh và lọt vào vòng thi chọn quốc gia, khi thi đại học cậu ta đã đỗ vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Có thể với một số người thì việc ôn luyện đạt giải khuyến khích môn Toán cấp tỉnh là rất bình thường, nhưng với tôi vào thời điểm đó và hoàn cảnh các trường huyện khó khăn thì nó là nguồn động lực giúp thầy trò chúng tôi tiếp tục tự học, tự bồi dưỡng để mong một ngày có kết quả tốt hơn.
PV: Với ngành sư phạm, điều gì khiến thầy còn trăn trở nhất?
Thầy Phạm Thanh Linh: Với ngành sư phạm, điều mà tôi băn khoăn, trăn trở nhất là sự đổi mới toàn diện giáo dục trong thời gian tới. Bên cạnh đó tôi cũng mong trong thời gian không xa giáo dục miền núi sẽ tiến kịp miền xuôi.
Tôi có nhớ một câu nói rất nổi tiếng
‘‘ Những ước mơ không chết;
Chừng nào bạn còn nuôi dưỡng nó bằng niềm đam mê. ’’
Tôi muốn gửi gắm tới các đồng nghiệp là hãy tin tưởng vào sự nghiệp giáo dục nước nhà, sự nghiệp trồng người đầy gian khổ nhưng sẽ mang lại cho chúng ta những trái ngọt trong tương lai.
Trước thềm năm mới Mậu Tuất 2018 tôi xin gửi tới tất cả các bạn bè, đồng nghiệp, gia đình và các em học sinh thân yêu lời chúc sức khỏe, may mắn và thành công.
Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện, năm mới chúc thầy thật nhiều sức khỏe để tiếp tục thực hiện những đam mê!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.