Trực Chính vượt khó xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định - Ảnh: Hồ Thanh
Trực Chính là xã thuần nông, cách trung tâm huyện Trực Ninh 3 km, có diện tích 575,79 ha, dân số 6.335 người với 1.905 hộ dân ở 4 thôn. Từ một xã nghèo, có thu nhập thấp nhưng bằng sự nỗ lực, đồng thuận, Trực Chính đã giải được bài toán vừa hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu, có lĩnh vực nổi trội vừa tiệm cận khu vực đô thị, phù hợp với quy hoạch phát triển chung của huyện.
Bà Trịnh Thị Nga, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Trực Chính chia sẻ: Khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM xã Trực Chính mới chỉ đạt 7 tiêu chí. Trước khó khăn này, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã ban hành các nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện các tiêu chí chưa đạt như hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, giáo dục, môi trường. Do làm tốt công tác tuyên truyền, cả hệ thống chính trị đều thông suốt về quan điểm, chủ trương, mục tiêu, giải pháp, tạo nên sự đồng thuận trong cách nghĩ, cách làm. Trong đó nhất quán phương châm chỉ đạo “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ; người dân làm chủ thể, nhà nước định hướng, hướng dẫn tổ chức và hỗ trợ thực hiện; lấy thôn làm địa bàn chỉ đạo thực hiện NTM”. Năm 2015, Trực Chính được UBND tỉnh Nam Định công nhận xã đạt chuẩn NTM và năm 2020 được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Ngay sau đó, Trực Chính tiếp tục huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng các tiêu chí, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành để xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Xã tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng sản xuất nông nghiệp, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, mở rộng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nhờ vậy mức thu nhập bình quân của người dân trong xã từ 54 triệu đồng/người (năm 2020) đã tăng lên 83,69 triệu đồng/người (năm 2023). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2023 giảm còn 0,77%. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95,76%. Tỷ lệ dân số được quản lý theo dõi sức khỏe đạt 98,58%.
Vùng quê Trực Chính (Trực Ninh, Nam Định) từng ngày đổi mới theo hướng bền vững, khang trang, sạch đẹp - Ảnh: Hồ Thanh
Được biết, tổng nguồn kinh phí đã huy động xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2010-2023 của xã Trực Chính là 175 tỷ 107 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách trực tiếp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM chiếm 31,9% (riêng ngân sách xã chiếm 20,1%). Bên cạnh nguồn vốn lồng ghép, vốn doanh nghiệp, vốn tín dụng, vốn khác, nguồn vốn do nhân dân đóng góp chiếm 23,5%. Cũng nhờ vậy, các hạng mục công trình phục vụ sản xuất, giao thông, phúc lợi xã hội, thiết chế văn hóa đều từng bước được hoàn thiện, đủ điều kiện xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
100% cán bộ, công chức, tổ công nghệ cộng đồng của xã, của thôn ở Trực Chính (Trực Ninh, Nam Định) được bồi dưỡng, tập huấn các nội dung về chuyển đổi số - Ảnh: Cơ sở cung cấp.
Ông Mai Văn Trường, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Trực Chính cho biết: Trong xây dựng NTM kiểu mẫu, Trực Chính chọn chuyển đổi số là lĩnh vực nổi trội. Đến hết năm 2023, Trực Chính có 100% cán bộ công chức xã, tổ công nghệ số cộng đồng của các thôn được bồi dưỡng, tập huấn về về chuyển đổi số và an toàn thông tin. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến và hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt 99,26%. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được phố biến kiến thức kỹ năng số đạt 78,1%. Có thể nói, việc triển khai truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông của xã Trực Chính đã góp phần từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở, đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin theo hướng kịp thời, chính xác, hiệu quả. Bên cạnh đó, Trực Chính đã xây dựng thành công mô hình thôn thông minh tại thôn Dịch Diệp, nơi có trên 1.120 nhân khẩu, 370 hộ dân. Trên địa bàn thôn có “Tổ công nghệ số cộng đồng”, 5 điểm camera an ninh, một điểm Wifi miễn phí có đường truyền kết nối Internet. Xã có 3 sản phẩm tiêu biểu là Tinh bột củ sen, Trà củ sen, Tinh bột sắn dây do người dân sản xuất đã được giới thiệu, quảng bá trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoặc trên sàn thương mại điện tử. Nhà Văn hóa thôn thông minh Dịch Diệp của xã được trang bị đầy đủ thiết bị truyền hình, loa thông minh, mạng Wifi miễn phí... Nổi bật nhất là UBND xã Trực Chính đã lắp đặt bảng tin điện tử công cộng tại cổng ra vào trụ sở UBND xã, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, các hoạt động chỉ đạo, điều hành tại địa phương. Người dân Trực Chính đều hài lòng với kết quả xây dựng NTM, luôn đồng thuận trong nhận thức, cách nghĩ, cách làm, mong muốn được tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí NTM kiểu mẫu theo hướng bền vững, góp phần cùng Trực Ninh phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao trong quý I năm 2025.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.