Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2017 đang có lợi thế
Gặp mặt các tân sinh viên nhập học đợt 3 Trường CĐN cơ điện Hà Nội |
Nhận thức về học nghề đã có chuyển biến
Khi được hỏi về tình hình tuyển sinh của trường năm 2017, Thầy Đồng Văn Ngọc , Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội phấn khởi, tính đến thời điểm này hệ cao đẳng nhà trường đã tuyển được khoảng 1.000 sinh viên hệ cao đẳng. Đạt 100% kế hoạch đề ra, đặc biệt các nghề nằm trong danh mục các nghề trọng điểm và các nghề hiện xã hội có nhu cầu đã thu hút đông học sinh đăng ký nhập học. Cũng theo thầy Đồng Văn Ngọc, sở dĩ có được kết quả như vậy là do nhà trường đã có sự chủ động trong công tác tuyển sinh, như việc cử cán bộ, giáo viên xuống các huyện, trường THPT tuyên truyền về công tác học nghề... Đặc biệt đối với các em học các nghề trọng điểm nhà trường cam kết bảo đảm đầu ra cho học sinh. “Nếu học sinh còn băn khoăn về vấn đề việc làm đối với những nghề này, đích thân hiệu trường sẽ cam kết nếu không tìm được việc làm cho sinh viên Hiệu trưởng sẽ hoàn trả lại học phí cho các em”, thầy Đồng Văn Ngọc khẳng định.
Cùng chia sẻ tín hiệu vui từ công tác tuyển sinh, ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghiệp Hà Nội cho biết, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh đối với hệ cao đẳng nhà trường tuyển khoảng trên 1000 sinh viên, hệ trung cấp và sơ cấp khoảng 500 học sinh, chỉ tiêu này bằng năm ngoài. "Mặc dù năm nay công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này chúng tôi đã tuyển gần đủ chỉ tiêu hệ cao đẳng, trong đó các nghề như cắt gọt kim loại, công nghệ ôtô, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, hàn... thu hút rất đông học sinh đăng ký theo học" - ông Vinh nói.
Đầu ra rộng mở
Theo các chuyên gia, hiện nay thị trường lao động Việt Nam vẫn đang trong tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Tâm lý thích học đại học càng khiến thị trường lao động thêm mất cân bằng. Theo thầy Đồng Văn Ngọc, thực tế nhân lực về kỹ thuật và công nghệ cao đang rất thiếu hụt. Song việc tuyển sinh những ngành nghề này không hề dễ, nhiều học sinh vẫn nghĩ rằng học cơ khí đồng nghĩa với những công việc nặng nhọc, vất vả, mà không biết, ngành nay đang bước vào tự động hóa. “Đầu ra những ngành kỹ thuật vô cùng rộng mở, với ngành Cơ khí của trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, trường cam kết giới thiệu việc làm cho sinh viên với mức lương tối thiểu là 7 triệu đồng/tháng sau khi ra trường”, thầy Ngọc cho biết.
Ngoài ra, tại trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, những ngành đào tạo chất lượng cao như Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Cơ điện tử, Hàn, Công nghệ cơ khí (Cắt gọt kim loại), sinh viên đều được ký cam kết có việc chậm nhất trong vòng 6 tháng sau khi ra trường. Ngay trong quá trình đào tạo, nhà trường đã liên kết với các đơn vị tuyển dụng, đưa sinh viên đến thực tập, làm quen với môi trường, văn hóa doanh nghiệp và giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho rằng, lợi thế của các trường nghề là đào tạo ra những nhân lực có thể đáp ứng ngay yêu cầu của các doanh nghiệp. Thị trường lao động có nhu cầu tuyển lượng lớn lao động lành nghề, nhưng nhiều học sinh học hết chương trình phổ thông vẫn còn dửng dưng với việc học nghề. Đây là nghịch lý vốn tồn tại từ nhiều năm nay. Tại trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, đến học kỳ thứ 2, nhiều sinh viên đã đi làm bán thời gian. Đến khi ra trường, doanh nghiệp đến đặt hàng nhà trường cũng không còn nhân lực để đáp ứng. "Để phục vụ nhu cầu nhân lực hiện nay, trường đang đổi mới các chương trình theo hướng tăng tính thực hành, ngoại ngữ, tin học với sinh viên, đảm bảo đúng theo tiêu chí đào tạo nghề của Bộ LĐ-TB&XH" - ông Khải chia sẻ.
Theo đó, Bộ đề nghị các Sở LĐ-TB&XH tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng trên địa bàn, góp phần đào tạo nguồn nhân lực lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Đối với các sở, ban, ngành địa phương cần phối hợp triển khai tốt công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về học nghề, lập nghiệp, phổ biến các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người học nghề.
Bên cạnh đó, cũng cần cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động theo từng ngành nghề, trình độ đào tạo để định hướng cho người học và xã hội có sự lựa chọn ngành, nghề phù hợp. Chỉ đạo các doanh nghiệp tại địa phương tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực, chủ động triển khai công tác tuyển sinh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; ưu tiên địa bàn tuyển sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các đối tượng chính sách, nhóm yếu thế trong xã hội. Tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp sử dụng lao động, tạo điều kiện để học sinh- sinh viên đã tốt nghiệp ra trường có việc làm và thu nhập ổn định; giới thiệu những gương điển hình về học nghề, lập nghiệp để người học có lựa chọn ngành, nghề phù hợp.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.