UBTVQH nhất trí ban hành chính sách hỗ trợ người dân
Quang cảnh phiên họp
Như tin đã đưa, ngày 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành phiên họp bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Tại phiên họp, UBTVQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Báo cáo nêu rõ, theo dự báo sẽ có từ 2 đến 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm do tác động của COVID-19. Đại dịch cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Do vậy, thực hiện chủ trương vừa quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội, Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng (bao gồm trực tiếp từ ngân sách nhà nước, gián tiếp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội) hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau trong khoảng thời gian tối đa là 3 tháng.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Báo cáo của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và các ý kiến phát biểu tại phiên họp thể hiện sự nhất trí cao với sự cần thiết của việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đề nghị của Chính phủ.
Các thành viên UBTVQH cũng phân tích, làm rõ một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền quyết định các giải pháp do Chính phủ đề xuất, qua đó đề nghị Chính phủ làm rõ từng nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, chính quyền địa phương, UBTVQH và của Quốc hội để thực hiện theo những trình tự, thủ tục phù hợp.
Về những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì cần báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ giao các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung luật, trình Quốc hội theo thủ tục rút gọn.
Đối với các biện pháp thuộc thẩm quyền, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai, gấp rút đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ và thuận tiện trong việc tiếp cận, bảo đảm được hưởng đầy đủ quyền lợi đối với các chính sách này. Chỉ đạo hướng dẫn tổ chức thực hiện một cách công khai, minh bạch; kiểm tra, kiểm toán, giám sát chặt chẽ để hạn chế tối đa các sai sót, sơ xuất.
Về đối tượng thụ hưởng, ý kiến của các thành viên UBTVQH nhấn mạnh đến việc bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ đúng đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch bệnh.
Một số thành viên cho rằng phạm vi đối tượng hỗ trợ theo báo cáo của Chính phủ còn chưa rõ ràng, khó xác định và đề nghị cần rà soát, quy định cụ thể, chặt chẽ để bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong hỗ trợ, không gây cách hiểu khác nhau, lúng túng trong triển khai thực hiện. Chẳng hạn như cần làm rõ các tiêu chí xác định cụ thể mức độ giảm sâu thu nhập do dịch bệnh; xác định đối tượng lao động tự do; hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ để bảo đảm công bằng, không bỏ sót nhưng cũng không để chính sách bị lợi dụng.
Bên cạnh đó, cần thống nhất nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho cá nhân hay hộ gia đình để bảo đảm sự công bằng do có sự khác nhau về số nhân khẩu trong mỗi hộ. Việc xác định đối tượng được hỗ trợ cần đặt trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội, quan tâm đồng đều đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đang phải đối mặt với thiên tai như hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, mưa đá ở vùng miền núi phía Bắc...
Về mức hỗ trợ, ý kiến của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội và một số thành viên băn khoăn về việc chia 2 mức là 1,8 triệu đồng và 1 triệu đồng đối với nhóm đối tượng là người lao động do mức chênh lệch giữa hai nhóm khá lớn và việc phân biệt đối tượng chủ yếu dựa vào tiêu chí có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động mà chưa căn cứ vào nguyên tắc giảm sâu thu nhập, mất việc làm và bảo đảm mức sống tối thiểu…
Về quy mô và nguồn lực hỗ trợ, nhiều ý kiến tại phiên họp đề nghị cân nhắc việc sử dụng 3.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động do hiện nay là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, việc thực hiện các hoạt động đào tạo là chưa phù hợp.
Các ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn tác động của chính sách đến đời sống dân cư và khả năng cân đối nguồn lực ngân sách nhà nước để bảo đảm an toàn cân đối vĩ mô, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước đứng trước rất nhiều khó khăn do giá dầu thô giảm mạnh, hoạt động xuất, nhập khẩu giảm, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn…
Bên cạnh đó, khi huy động, sử dụng các quỹ trong lĩnh vực an sinh xã hội phải bảo đảm nguyên tắc tính tới dài hạn, ổn định vĩ mô và tính chủ động do các quỹ này chính là một trong những điểm tựa vững chắc cho cả quốc gia trong trường hợp đại dịch có thể kéo dài.
Về nguồn lực ở các địa phương, các ý kiến tại phiên họp cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ, đồng thời, đề nghị Chính phủ có hướng dẫn các địa phương thực hiện rõ ràng để tránh chồng chéo do hiện nay đã có những địa phương chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ của mình.
Ngoài ra, cần đánh giá khả năng đáp ứng nguồn lực của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, mưa đá, gió lốc…
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau khi các chính sách được ban hành, các ngành, các cấp cần chủ động, tổ chức thực hiện ngay, bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế đến mức thấp nhất “độ trễ” của chính sách khi đi vào cuộc sống.
Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực. UBTVQH mong rằng các chính sách này ra đời sẽ tiếp nối, lan toả mạnh mẽ hơn nữa tinh thần “tương thân tương ái” trong cộng đồng xã hội. Từ đó sẽ tiếp tục khơi dậy nghĩa cử cao đẹp, lòng nhân ái trong xã hội đối với hoạt động thiện nguyện để sẻ chia, giúp đỡ những đồng bào còn khó khăn trong suốt thời gian chống dịch cũng như sau khi dịch bệnh kết thúc, phát huy truyền thống quý báu “tương thân tương ái” từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển khẳng định UBTVQH nhất trí với việc cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Thống nhất các nguyên tắc hỗ trợ như báo cáo của Chính phủ đã xác định, trong đó UBTVQH nhấn mạnh nguyên tắc tập trung hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp của đại dịch COVID-19; bảo đảm công bằng, đúng đối tượng và hợp lý; công khai, minh bạch, chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân.
UBTVQH đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ các tác động của các chính sách được đề xuất, nhất là những tác động liên quan đến thu, chi ngân sách, bảo đảm cân đối các nguồn lực theo thứ tự phù hợp, bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng quy trình, thủ tục.
Việc xác định đối tượng và mức hỗ trợ cần được quy định cụ thể, làm rõ các tiêu chí, tránh bị lợi dụng hoặc trục lợi chính sách. Một số vấn đề liên quan đến việc xác định và hỗ trợ hộ cận nghèo hay lao động tự do nên tính đến việc giao cho các địa phương trên cơ sở nguồn lực của mình và thực tế để tự cân đối. Việc thực hiện chính sách tín dụng cần cân nhắc việc cho vay mà không có tài sản đảm bảo, tránh việc dẫn đến những rủi ro. Thống nhất thời gian hỗ trợ được thực hiện không quá 3 tháng, nếu trong trường hợp phải kéo dài thì cần báo cáo UBTVQH.
Trên cơ sở kết quả của phiên họp, UBTVQH giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với các bộ, ngành của Chính phủ để tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp, hoàn chỉnh nghị quyết để ban hành, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, khả thi, đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ chuẩn bị những nội dung cần báo cáo về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 thời gian qua để báo cáo, xin ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.