Văn Phú Invest: Thế chấp đất vàng 138B Giảng Võ, ông Tô Như Toàn có “tiền trảm, hậu tấu”?
Theo nguồn tin riêng của PV Hoà Nhập, ngày 28/12/2017, ông Tô Như Toàn người đại diện pháp luật của công ty TNHH MTV Văn Phú Giảng Võ (Công ty Văn Phú Giảng Võ), đã ký hợp đồng thế chấp số 201/2017/HĐTC-ĐS/IVBTL-VPGV tại Ngân Hàng TNHH Indovina - Chi Nhánh Thiên Long với tổng giá trị khoản vay là 600 tỷ đồng, trong đó khoản vay hạn mức trị giá 330 tỷ đồng và khoản vay trung hạn trị giá 270 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản vay này là toàn bộ các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị Quyền sử dụng đất và quyền sở hữu Tài sản gắn liền với đất (diện tích 9.031 m2) tại địa chỉ số 138B phố Giảng Võ, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP.Hà Nội (được nhận sau khi hoàn thành “Dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới trường Đại học Y tế Công cộng tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội” theo hợp đồng BT số 25/HĐBT ngày 22/07/2011và hợp đồng BT số 15/HĐBT ngày 29/06/2015) với giá trị định giá là 1.699.765.155.000 VNĐ (bằng chữ: Một nghìn sáu trăm chín mươi chín tỷ bảy trăm sáu mươi lăm triệu một trăm năm mươi lăm nghìn đồng chẵn) theo Biên bản định giá Tài sản bảo đảm ngày 28/12/2017.
Khu đất 138B Giảng Võ hiện nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty TNHH MTV Văn Phú Giảng Võ.
Việc doanh nghiệp vay vốn kinh doanh là điều hết sức bình thường chỉ cần doanh nghiệp luân tuân thủ tính minh bạch, đảm bảo lợi ích của cổ đông và nhà đầu tư theo điều lệ công ty và pháp luật, đặc biệt với những công ty đại chúng (CTĐC) như VPI thì tính minh bạch và tuân thủ luôn được đề cao hàng đầu, bởi những quyết định này có thể ảnh hưởng lợi ích đến hàng chục, thậm chí hàng trăm cổ đông khác của doanh nghiệp.
Thế nhưng, theo những thông tin và tài liệu PV Hoà Nhập có được cho thấy nghi vấn “tiền trảm, hậu tấu”, “vừa đá bóng và thổi còi” của ông Tô Như Toàn là có, bởi khi ông Toàn ký hợp động thế chấp khu đất 138B Giảng Võ với ngân hàng trước khi có sự phê duyệt của Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty VPI.
Bởi theo điều lệ của công ty VPI ban hành ngày 18/4/21017, quy định rõ về trách nhiệm của HĐQT công ty.
Cụ thể, Theo điểm k, khoản 3, Điều 27, HĐQT “Quyết định việc cấp vốn cho các công ty con, công ty phụ thuộc và liên kết dưới hình thức các khoản vay để hỗ trợ chiến lược phát triển kinh doanh của công ty, bao gồm cả việc phát triển các dự án bất động sản, trừ trường hợp bị pháp luật cấm”.
Và điểm l, khoản 3, Điều 27, HĐQT “Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ, thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, giao dịch bảo đảm và bồi thường và các hợp đồng khác có giá trị dưới 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất của công ty”.
Chiểu theo những khoản mục theo quy định của Điều lệ công ty VPI thì khoản vay 600 tỷ của công ty Văn Phú Giảng Võ phải được sự nhất trí và thông qua của HĐQT công ty mẹ VPI.
Nhưng trong thực tế, nội dung văn bản số 273/2017/CBTT-VPI ngày 29/12/2017 của VPI gửi tới Uỷ ban chứng khoán nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội về công bố thông tin cho thấy, ngày 29/12/2017, HĐQT của VPI mới ban hành Nghị quyết số 2912/2017/NQ-HĐQT, nêu rõ: Thông qua việc Công ty TNHH Đầu tư Văn Phú Giảng Võ được phép vay vốn ngân hàng để tài trợ vốn lưu động cho Công ty TNHH Đầu tư Văn Phú Giảng Võ và tài trợ dự án Đầu tư xây dựng Khu hỗn hợp tại địa chỉ 138B Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.
Và trong Điều 4 của bản nghị quyết ngày 29/12/2017 mới thông qua việc giao cho ông Tô Như Toàn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty thay vặt cho Công ty ký toàn bộ các văn kiện, chứng tờ liên quan đến việc thế chấp, cầm cố với Ngân hàng, đồng thời giám sát việc tổ chức thực hiện các nội dung được thông qua tại Nghị quyết này theo quy định của Công ty, quy định của pháp luật.
Không hiểu vì lý do gì mà ông Tô Như Toàn đã đặt HĐQT nói riêng và cổ đông nói chung của VPI vào “sự đã rồi” bởi ngày 28/12/2017 ông Toàn đã ký hợp đồng thế chấp với ngân hàng với vai trò là người đại diện cho Công ty Văn Phú Giảng Võ (công ty con thuộc sở hữu 100% của VPI) và đến ngày 29/12/2017, HĐQT của công ty VPI mới họp và ra Nghị quyết giao cho ông Toàn chịu trách nhiệm việc này.
Điều này cũng khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu có phải ông Tô Như Toàn làm Chủ tịch HĐQT, kiêm đại diện pháp lý cho nhiều công ty (cả công ty mẹ, công ty con), nên ông Toàn quên mất vai trò giám sát của HĐQT của VPI hay không?
Ông Tô Như Toàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPI phát biểu tại ĐHCĐ 2018 |
Được biết, ông Tô Như Toàn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty VPI, công ty mẹ và sở hữu 100% vốn góp tại công ty Văn Phú Giảng Võ và ông Toàn cũng là đại diện pháp lý của công ty Văn Phú Giảng Võ. Phải chăng, việc cá nhân ông Toàn và các thành viên trong gia đình sở hữu số lượng lớn cổ phần của VPI, nên ông Toàn mới có thể “tự tin” ký hợp đồng vay vốn 600 tỷ, lớn hơn 1,5 lần vốn điều lệ của công ty Văn Phú Giảng Võ, khi chưa thông qua HĐQT của VPI.
Theo công bố vào thời điểm 31/12/2017, ông Toàn đang sở hữu 25%, công ty CP đầu tư THG Holdings cũng do ông Toàn làm Giám đốc sở hữu 23,44%, vợ và con gái ông Toàn sở hữu 5% của VPI.
Việc một cá nhân giữ quá nhiều vai trong CTĐC cũng chính là những bất cập cần được điều chỉnh cho phù hợp với thông lệ quốc tế và tăng tính giám sát và minh bạch của CTĐC, vì vậy Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng với CTĐC có hiệu lực từ ngày 1/8/2017.
Nội dung Nghị định 71/2017/NĐ-CP có một số điểm chính: về cơ cấu thành viên HĐQT CTĐC niêm yết phải đảm bảo 1/3 tổng số thành viên HĐQT là thành viên độc lập HĐQT; quy định về chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc, nhằm tách biệt chức năng giám sát và chức năng điều hành, tránh hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” tại doanh nghiệp; một cá nhân không được là thành viên HĐQT của quá 5 doanh nghiệp.
Tuy quy định, Chủ tịch HĐQT không được kiêm Tổng Giám đốc chưa được áp dụng ngay năm 2017, nhưng việc tách bạch quyền lợi, nghĩa vụ của hai chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc CTĐC cũng là để tránh hiện tượng mâu thuẫn lợi ích cục bộ. Không ít trường hợp khi nắm giữ cả hai chức danh, các vị chủ tịch kiêm tổng giám đốc đã dồn lợi ích cho các công ty sân sau vốn là nơi họ có cổ phần chi phối thông qua việc ký kết các hợp đồng mua bán, vay, cho vay, thế chấp, giao dịch đảm bảo, phân phối sản phẩm, nguyên vật liệu hay chuyển nhượng các tài sản, dự án không theo giá thị trường, gây thiệt hại cho CTĐC.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.