10 năm băng rừng lội suối để tìm đồng đội

2017-04-21 14:06:00 0 Bình luận
Có một cựu chiến binh, từ 10 năm nay âm thầm băng rừng lội suối tìm hài cốt đồng đội, từ đó, đã tiếp lửa cho cả một tập thể cùng tham gia.

Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, nhưng di chứng của nó vẫn như vết thương âm ỉ trong lòng, đó là những chiến sĩ còn nằm đâu đó dưới lòng đất. Có một cựu chiến binh, từ 10 năm nay âm thầm băng rừng lội suối tìm hài cốt đồng đội, từ đó, đã tiếp lửa cho cả một tập thể cùng tham gia.

41 năm, ký ức còn nguyên

Vượt gần 200 cây số, chúng tôi về thôn Sơn Hiệp, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước gặp ông Vũ Đình Luật, 63 tuổi, quê Hưng Yên, người thương binh già đã 10 năm nay băng rừng lội suối tìm đồng đội còn đang nằm đâu đó ở những chiến trường xưa.


Ông Luật (mặc quân phục) và đồng đội trong những hành trình tìm đồng đội


Nét bao dung của người cựu binh già thể hiện ngay giây phút đầu tiên gặp, khi chưa biết chúng tôi là ai, ông đã vồn vã: “Mời các anh vào nhà, chắc từ xa đến rồi. Trời nắng nóng thế này, chắc mệt lắm”, như quen từ lâu lắm, khiến chúng tôi thấy thân tình như người quen từ lâu.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 người thân là liệt sỹ, năm 1969, chàng trai Nguyễn Đình Luật mới học xong lớp 10, do học giỏi nên được tuyển thẳng vào khoa Lý của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng Luật từ bỏ giấc mơ giảng đường đại học, viết đơn tình nguyện đi bộ đội.

"Sau ngày huấn luyện, tôi được điều về Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ, là tiền thân của Tiểu đoàn pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân, nổi tiếng với câu khẩu hiệu “Nhằm thẳng quân thù mà bắn. Tháng 5/1971, trong một trận chiến, đơn vị tôi bị máy bay ném bom, oanh tạc, bom dội xuống, xới tung đất đá, vùi hết người xuống. Trận ấy, tôi may mắn hơn đa số đồng đội khi chỉ bị thương. Vì thế, sau đó tôi vẫn cùng đoàn quân giải phóng đi đến chặng cuối là Sài Gòn ngày 30/4/1975”, ông Luật kể.

Sau chiến tranh, ông Luật trở về đời thường, dự định tiếp tục giấc mơ giảng đường năm xưa nhưng vết thương cũ khiến ông không thể. Và, cứ mỗi lần vết thương tái phát, đau nhức, trong giấc ngủ chập chờn, hồi ức lại ùa về, ông lại nhớ đồng đội, những người đã ngã xuống.

Năm 2000, gia đình ông Luật chuyển vào Bình Phước lập nghiệp, vào đây, gần chiến trường xưa hơn, ông lại càng nhớ ký ức nhiều hơn. Năm 2005, ông bắt đầu những tháng ngày âm thầm vượt rừng, lội suối, đi tìm đồng đội, trong đó có người anh họ tên Nguyễn Thế Truyền, hy sinh năm 1972.

Kể từ đó, ông Luật lăn lộn khắp nơi, tìm đến các đơn vị, tìm gặp những cựu binh cũ, hễ nghe 1 thông tin nhỏ là ông tìm gặp tận nơi, đến năm 2011, ông đã tìm được hài cốt người anh họ và một số đồng đội khác ở nghĩa trang Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Và, chuyện ông nhiều năm đi tìm đồng đội đã khiến những cựu binh khác đồng lòng chia sẻ, họ họp lại, cùng góp sức với ông.


Từ năm 2005, ông Luật bắt đầu những tháng ngày âm thầm vượt rừng, lội suối, đi tìm đồng đội


Để “hợp pháp hóa” việc làm nhân văn này, năm 2012, sau khi có tờ trình gửi Hội cựu chiến binh tỉnh Bình Phước và được khuyến khích, đội cựu chiến binh truy tìm hài cốt liệt sĩ thất lạc được thành lập với 5 thành viên ban đầu. Đội tìm kiếm này chỉ nhận được sự hỗ trợ duy nhất là tinh thần, mọi thứ khác họ phải tự túc.

Nói về người chồng từ hơn chục năm nay, cứ “ăn cơm nhà, vác từ và hàng tổng”, bà Mai Thị Ẩn, vợ ông Luật bảo: “Bao năm nay, nếu đi trong tỉnh thì sáng ổng xách xe đi, tối về. Ngoài tỉnh thì có khi mấy ngày, cả tuần mới. Kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng tôi vẫn chấp nhận, chắt bóp, dành dụm, lo cho những chuyến đi dài của ông ấy.

Tôi sinh ra trong gia đình liệt sỹ, thấu hiểu sự khó khăn của những thân nhân liệt sỹ khác, nên ủng hộ hết mình. Ban đầu tôi lo sức khỏe ông ấy không tốt, nhưng sau đó, thấy càng đi ổng càng khỏe nên cũng yên tâm. Tôi hiểu ra, đó chính là món ăn tinh thần lớn, giúp ổng khỏe hơn”.

Hạnh phúc tăng dần theo năm tháng

Năm 2013, trong lần lên huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, qua thông tin từ người dân, tổ tình nguyện đã tìm thấy một nghĩa địa. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Định tiến hành khai quật và tìm được 74 bộ hài cốt. Qua nhiều bước kiểm tra, xác định đây chính là phần mộ của các liệt sỹ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Sau đó, được quy tập và chôn cất tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Bình Định.

1 năm sau, tổ cùng Đội K72 (thuộc QK7, chuyên tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia) tiếp tục tìm được 20 hài cốt liệt sỹ tại ấp Cần Lê, thuộc xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh.


Nhiều đồng đội của ông đã được tìm thấy, trở về giữa vòng tay của người thân, đồng đội khác tại nghĩa trang liệt sĩ
 
 
 
 
 
 
 
 


“Cho đến nay, phối hợp với các cơ quan chức năng, chúng tôi đã góp phần tìm kiếm được 113 hài cốt liệt sỹ. Các phần mộ ngoài hài cốt, đều có di vật đầy đủ. Cơ quan chuyên môn sau khi ghi nhận, lấy mẫu giám định để tìm thân nhân, đã quy tập các anh về nghĩa trang liệt sỹ của tỉnh. Cứ mỗi lúc tìm được hài cốt một đồng đội, niềm vui, hạnh phúc của chúng tôi lại tăng lên”, ông Luật hồ hởi nói.

Tại sân bay Phước Bình, thị xã Phước Long, người dân phát hiện một ngôi mộ vô danh. Sau đó, ngôi mộ này được di chuyển đi một nơi khác để chôn cất. Nắm được thông tin này, năm 2014, Đoàn đã phối hợp với cơ quan chức năng khai quật để xác minh thông tin. Cùng với việc phát hiện hài cốt khi chôn có dép râu, tiếp tục thẩm định nhiều nguồn tài liệu khẳng định đây là mộ liệt sỹ. Sau đó quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ, trả lại tên gọi cho người lính đã hy sinh.

Thời điểm chúng tôi gặp ông Luật, đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đang phối hợp với cơ quan chức năng thẩm định một ngôi mộ vô danh được chôn cất tại xã Long Hà, huyện Phú Riềng.

“Coi vậy chứ việc xác định đúng hài cốt liệt sĩ không đơn giản chút nào. Nếu ngôi mộ không đủ di vật. Khi thẩm định, đánh giá phải cực kỳ cẩn thận, chắc chắn bằng khoa học, độ tin cậy tuyệt đối. Vấn đề đối sánh giữa tài liệu của ta và địch cũng cần làm một cách nghiêm túc, truy đến cùng nguồn gốc của các hài cốt. Tuyệt đối không để xảy ra sự nhầm lẫn”, ông Luật nói.

Lúc chia tay, ông Luật tiễn chúng tôi ra tận cổng, ánh mắt ưu tư, ông bảo: “Nhiệt huyết trong người lính như ngọn lửa cháy mãi chẳng bao giờ tắt. Tôi ước ao một ngày nào đó trên đất nước chúng ta, tất cả những đồng đội của tôi sẽ được tìm thấy, trở về trong vòng tay yêu thương của người thân. Nhưng, cuộc sống còn quá nhiều vất vả, lo mai mốt sức khỏe kém đi, rồi thêm khó khăn về kinh tế sẽ ngăn cản những bước chân chúng tôi tiếp tục tìm kiếm đồng đội”.

“Tính đến nay, Đoàn CCB tình nguyện này đã quy tập 113 hài cốt liệt sĩ, được Bộ Tư lệnh Quân khu 7, UBND, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước tặng bằng khen, giấy khen. Tập thể Đoàn CCB tình nguyện tỉnh được Trung ương Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tặng bằng khen. Đoàn đã khảo sát và tham gia khai quật 238 điểm, trực tiếp đóng góp hơn 800 ngày công thăm dò, tìm kiếm và cùng các đơn vị chức năng địa phương đào bới, khai quật, trong đó phải kể đến công lao đóng góp lớn của ông Luật”, Đại tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội K72, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Sơ duyệt lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Lực lượng Quân đội, Công an cùng các khối khác đã tiến hành sơ duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại sân vận động tỉnh Điện Biên.
2024-05-03 14:57:17

Phú Quốc, Tây Ninh đông khách du lịch hàng đầu Nam bộ trong ngày nghỉ lễ đầu tiên

Nam bộ có khá nhiều điểm đến hấp dẫn trong kỳ nghỉ lễ kéo dài năm nay, nhưng Phú Quốc và Tây Ninh được ghi nhận là hai điểm đến đón đông đảo du khách bậc nhất bởi lợi thế về khí hậu, cảnh quan và trải nghiệm hấp dẫn
2024-05-03 11:05:59

Hàng trăm ngàn người háo hức ngắm pháo hoa, vui chơi tại quảng trường biển Sầm Sơn

Lễ khánh thành Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn đã diễn ra tối 27/4, trong khuôn khổ đêm khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2024. Hơn 300 ngàn người dân, du khách đã tham gia sự kiện, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật sôi động và chiêm ngưỡng màn pháo hoa tưng bừng tại quảng trường biển hiện đại, quy mô bậc nhất Việt Nam.
2024-05-03 09:43:01

Hải Phòng trưng bày tư liệu ‘Cát Bi - Điện Biên Phủ: bản hùng ca chiến thắng’

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 4 và tháng 5, Bảo tàng Hải Phòng trưng bày tư liệu chuyên đề “Cát Bi rực lửa - Điện Biên Phủ bản hùng ca chiến thắng”.
2024-05-03 08:34:17

Nữ giám đốc khuyết tật biến đất hoang thành vườn cây thảo dược

Không chỉ vượt qua nhiều nghịch cảnh trong cuộc sống, chị Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tâm Ngọc giờ đây còn giúp đỡ được nhiều người khuyết tật khác.
2024-05-03 06:30:00

Ông Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến khi kiện toàn được chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa XV theo quy định.
2024-05-02 18:49:22
Đang tải...