AHLLVTND phi công Nguyễn Văn Bảy đã ra đi
Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Văn Bảy |
Nguyễn Văn Bảy tên thật là Nguyễn Văn Hoa là con thứ sáu trong gia đình. Do người Nam Bộ hay gọi theo thứ tự nên dần cái tên Nguyễn Văn Bảy thành tên chính. Ông sinh tại huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp).
Khoảng năm 1953, do không chịu lấy vợ theo ý gia đình, ông bỏ theo bộ đội, trở thành du kích khi 17 tuổi. Năm 1954, ông tại ngũ trong đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam tập kết ra miền Bắc.
Năm 1960, ông được chuyển binh chủng từ bộ binh sang không quân, theo học lớp lái máy bay phản lực ở Liên Xô. Trước đó, do học chưa hết lớp 3, được vào học ở Trường bổ túc văn hóa Lạng Sơn và được phổ cập một lèo từ lớp 4 lên lớp 10. Ban đầu ông học lái máy bay Yak-52, sau đó chuyển dần lên Mig-15, Mig-17. Tháng 4 năm 1965, lớp đào tạo hoàn thành tốt nghiệp trở về nước, đáp máy bay xuống sân bay Gia Lâm.
Trong thời gian 1965-1968, ông Bảy tham chiến trên mặt trận không đối không và bắn hạ tổng cộng 7 máy bay Mỹ gồm hai chiếc F-105 và năm chiếc F-4, được xếp hạng "Aces" (Ách) và trở thành Đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Tháng 4 năm 1966, ông tổ chức đám cưới với bà Trần Thị Niên là đồng hương, học sinh miền Nam tập kết ở sân bay Cát Bi. Sau đám cưới 45 phút thì chú rể lại lên máy bay xuất kích.
Phi công Nguyễn Văn Bảy (bên phải). Ảnh tư liệu |
Ngày 01/01/1967, ông được tuyên dương AHLLVTND Việt Nam. Khi được tuyên dương, mang cấp bậc Thượng úy, Đại đội phó Đại đội 1 không quân, thuộc Trung đoàn 923, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân.
Thời gian sau đó, ông dần được thăng lên hàm Đại tá và giữ nhiều chức vụ trong Quân chủng như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân.
Năm 1975, ông chỉ huy tiếp quản sân bay Cần Thơ và tham gia điều hành các sân bay khác ở miền Nam như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ và chỉ huy không quân làm nhiệm vụ tại Campuchia.
Năm 1989, nghỉ hưu, ông làm Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Không quân tại TPHCM. Năm 1990, ông chuyển về xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc, sống cảnh điền viên cùng gia đình. Đến năm 2009, thì gia đình ông chuyển về quê là ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp làm nghề nông.
Về với nghề nông, ông làm đủ mọi công việc với ruộng đồng, vườn cây áo cá, thật bình dị thân thương. Người anh hùng phi công năm ấy giờ quanh năm sống vui giữa miệt vườn với đầm sen, ao cá, trong ngôi nhà nhỏ giống hệt một lán trại, ông suốt ngày mài miệt trên vườn, ngụp lặn dưới ao cá, chẳng lúc nào ngơi.
Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Văn Bảy những năm tháng cuối đời |
Phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bẩy – Một kỳ tích có một không hai trong lịch sử, mãi mãi sáng ngời phẩm chất Anh hùng cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, của Dân tộc Việt Nam Anh hùng.
Theo thông tin từ Quân chủng Phòng không - Không quân, chương trình lễ tang được thực hiện như sau: Từ 9h sáng 24-9 đến hết ngày 25-9, Ban tổ chức và gia đình sẽ tổ chức lễ viếng Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Văn Bảy tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM). Đến 5h sáng 26-9, tổ chức lễ truy điệu và di quan linh cữu Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Văn Bảy về quê nhà tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp).
Lễ viếng tại quê nhà sẽ được tổ chức từ 12h ngày 26 đến 10h30 ngày 27-9. Lễ an táng, đưa ông về yên nghỉ trong lòng đất mẹ, nơi ông sống những ngày vui thú điền viên lúc tuổi già diễn ra trưa cùng ngày.
Xin nghiêng mình kính cẩn vĩnh biệt Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Văn Bảy./
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.