Ân Thi (Hưng Yên): Nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng
Dự án mở rộng QL38 nằm trong Dự án Quản lý tài sản Đường bộ Việt Nam (VRAMP) với tổng mức đầu tư dự án là 301,5 triệu USD, do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ, với mục đích thiết lập cơ sở tài chính và sắp xếp thể chế bền vững trong việc quản lý và nâng cấp hệ thống đường bộ và phát triển kinh tế các khu vực miền Bắc và Miền Trung Việt Nam. Cùng với đó, chính sách tái định cư được chuẩn bị để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và khôi phục cuộc sống cho những người bị ảnh hưởng bởi dự án VRAMP. Mục tiêu chính của chính sách là sự hài hòa giữa các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư của Chính phủ Việt Nam và chính sách tái định cư không tự nguyện của Ngân hàng Thế giới.
Được xác định là một dự án trọng điểm, Dự án VRAMP đoạn đi qua địa phận huyện Ân Thi được thực hiện tại các xã: Quảng Lãng, Hoàng Hoa Thám, Quang Vinh, Tân Phúc, Bãi Sậy, Phù Ủng và thị trấn Ân Thi. Tổng diện tích thu hồi phục vụ dự án là trên 23,81 ha với chiều dài khoảng 14,22 km. Với việc tập trung lực lượng, chủ động thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân, ngay từ thời điểm năm 2015, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Ân Thi đã cùng với UBND các xã, thị trấn triển khai và giải phóng mặt bằng xong phần đất nông nghiệp tại các xã: Quang Lãng, Phù Ủng và thị trấn Ân Thi với chiều dài 8,93 km, diện tích 21,04 ha, liên quan đến 673 hộ gia đình. Việc tích cực tuyên truyền, coi trọng quyền lợi chính đáng của người dân, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án VRAMP đã có những kết quả tích cực. Sau khi được UBND huyện Ân Thi và các xã, thị trấn tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, về cơ bản các hộ gia đình thuộc diện thu hồi đất, bị ảnh hưởng đều đồng thuận cao với chủ trương triển khai dự án. Đại đa số các gia đình đều đồng tình, ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các phòng, ban chuyên môn của huyện Ân Thi tiến hành thực hiện đầy đủ các bước từ khâu kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, chuẩn bị cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư theo quy định.
Các ban ngành trong huyện tuyên truyền công tác GPMB tại xã Phù Ủng |
Cùng với đó, huyện Ân Thi đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý đất đai, xác minh lại toàn bộ hiện trạng tuyến đường đi qua trên địa bàn huyện. Đồng thời, các ngành, đoàn thể, các xã có đất nằm trong khu vực triển khai dự án đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu về chủ trương của Nhà nước và các chính sách bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng nên các hộ dân luôn tích cực phối hợp, sẵn sàng bàn giao mặt bằng khi Nhà nước thực hiện thu hồi.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp phải một số vướng mắc do nhận thức của một số người dân còn hạn chế. Cụ thể: tại đoạn 2, xã Phù Ủng, với chiều dài 822m, đã giải phóng và bàn giao đất của 155/157 hộ gia đình cho dự án, riêng chỉ còn 2 gia đình chưa chấp hành nhận tiền bồi thường, hỗ trợ do sử dụng đất có nguồn gốc là đất nuôi trồng thủy sản. Mặc dù được tuyên truyền, vận động, giải thích nhưng vẫn không chấp hành, UBND huyện phải thực hoàn thiện hồ sơ, thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất. Hay như tại xã Bãi Sậy, có một trường hợp hộ gia đình duy nhất không nhận tiền hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Đáng nói, theo thông tin từ UBND huyện Ân Thi, phần diện tích đất này có nguồn gốc là đất UBND xã Bãi Sậy giao trái thẩm quyền năm 1995. UBND xã Bãi Sậy không còn hồ sơ, tài liệu; hộ gia đình này cũng không cung cấp được giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất. Đặc biệt, toàn bộ phần đất này cũng nằm trong hành lang an toàn giao thông. Được biết, từ tháng 11/2017 đến nay, UBND huyện Ân Thi, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Ân Thi, các phòng ngành của huyện, UBND xã Bãi Sậy, các ban, ngành, đoàn thể xã Bãi Sậy đã có ít nhất 7 lần làm việc với gia đình, đồng thời mời các sở, ngành có liên quan của tỉnh Hưng Yên về trao đổi, đối thoại với gia đình nhưng không có hiệu quả.
Công tác GPMB phục vụ dự án VRAMP qua địa bàn huyện Ân Thi |
Ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Ân Thi khẳng định: Quan điểm nhất quán của lãnh đạo huyện là luôn tôn trọng quyền lợi chính đáng của các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án trên cơ sở những quy định hiện hành của pháp luật. Đối với các hộ không hiểu, không phối hợp gây cản trở việc triển khai dự án, cơ quan sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền, thuyết phục; đồng thời cũng chủ động chỉ đạo UBND xã xây dựng phương án tổ chức giải tỏa, hỗ trợ thi công với những hộ cố tình làm chậm dự án. Đến nay, việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã cơ bản hoàn thành và bàn giao xong đất cho Ban quản lý Dự án 3 để thực hiện dự án.
Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của huyện Ân Thi nói riêng và tỉnh Hưng Yên nói chung. Do vậy, những việc làm nói trên của UBND huyện Ân Thi, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện là rất cần thiết để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tiến độ bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.