Ân Thi (Hưng Yên): Sức bật từ nông thôn mới
Nằm ở phía Đông của tỉnh Hưng Yên, huyện Ân Thi được biết đến là một huyện có truyền thống lịch sử văn hoá, văn hiến với nhiều di tích như: đền thờ Đế Thích ở xã Cẩm Ninh, đền thờ Đạo Đức Thiên Tôn ở xã Hồng Vân, đền thờ Phạm Ngũ Lão ở xã Phù Ủng…. Trước kia, Ân Thi vốn chỉ là huyện sản xuất nông nghiệp, chịu sự ảnh hưởng rất lớn của thời tiết, khí hậu. Nhưng nhờ sự sáng tạo, cần cù trong lao động, sản xuất kinh doanh với ưu thế tuyến đường QL.38 đi qua đã tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân, hộ gia đình phát triển.
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh uỷ Hưng Yên về Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2030, UBND huyện Ân Thi đã ban hành Kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020, đồng thời thành lập, kiện toàn, phân công nhiệm vụ và ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới toàn huyện. Trong quá trình thực hiện, mô hình tổ chức chương trình được thực hiện từ cấp huyện, xã, thôn. Cùng với đó, việc thành lập Ban chỉ đạo, các tổ chuyên môn và Văn phòng điều phối nông thôn mới đã góp phần nâng hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời triển khai nhiệm vụ để các cấp, các ngành và UBND các xã thực hiện. Đến nay, huyện Ân Thi đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt kế hoạch đề ra.
Đường giao thông được nhân dân đóng góp xây dựng ở thị trấn Ân Thi |
Để đạt được thành tích đó, UBND huyện Ân Thi đã chỉ đạo các Phòng, Ban chuyên môn của huyện phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới của tỉnh, Chi Cục phát triển nông thôn tỉnh, Liên minh HTX tỉnh…tổ chức trên 30 lớp tập huấn về công tác xây dựng nông thôn mới cho hơn 1000 người là thành viên Ban chỉ đạo, tổ giúp việc… Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong huyện. Không những vậy, công tác tuyên truyền cũng được xác định là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới. Thời gian này, các cấp, các ngành trong huyện đã tổ chức trên 300 hội nghị tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng văn hoá, nhà văn hoá, bảo vệ môi trường, làm đường bê tông… Nhờ đó, nhân dân trong huyện đã tham gia ủng hộ tiền, hiến đất thổ cư, đất sản xuất nông nghiệp để làm đường giao thông nông thôn, nạp vét kênh mương… Điển hình, xã Bắc Sơn có 138 hộ dân đã hiến 1500m² đất thổ cư với số tiền khoảng 3 tỷ đồng. Cũng thông qua tuyên truyền, đông đảo nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới”; phụ nữ thi đua thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch”; nhiều công trình được nhân dân đóng góp hàng ngàn ngày công lao động.
Một góc nông thôn mới tại xã Đào Dương, huyện Ân Thi |
Trong giai đoạn 2016-2019, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Ân Thi đã huy động được 1.069.449 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới.Trong đó: 31.427 triệu đồng từ Ngân sách Trung ương; 236.524 triệu đồng từ Ngân sách cấp tỉnh; 88.767 triệu đồng từ Ngân sách cấp huyện; 592.081 triệu đồng từ vốn góp của nhân dân, ngoài ra là các nguồn kinh phí khác.
Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư làm mới, mở rộng với tổng chiều dài trên 885km, cơ bản được cứng hoá đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; xây dựng trên 400km kênh mương tưới tiêu mới. Toàn huyện Ân Thi có 36/63 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được tăng cường đầu tư theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá.
Xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới |
Không những vậy, 20/20 xã trong huyện có nhà văn hoá, trong đó có 14/20 nhà văn hoá xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành công việc cũng được thực hiện, các thôn đều có hệ thống loa truyền thanh. Hiện nay, huyện Ân Thi có khoảng 500 trang trại, gia trại lớn nhỏ, trong đó 58 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT với giá trị hàng hoá bán ra đạt trên 1 tỷ đồng.
Công tác y tế, giáo dục được quan tâm chỉ đạo, công tác vệ sinh môi trường, thug om rác thải hoạt động hiệu quả, 122.123 làng được công nhận “Làng văn hoá”, cán bộ, công chức xã trên địa bàn huyện có trình độ đạt chuẩn theo Thông tư 04/2004 và Thông tư 06/2012 của Bộ Nội vụ…
Trao đổi với PV Hoanhap.vn, ông Mai Xuân Giới- Chủ tịch UBND huyện Ân Thi cho biết, để đạt được thành tích như ngày hôm nay là cả sự nỗ lực, đóng góp của tập thể nhân dân, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành từ TW đến địa phương, sự đồng lòng, đoàn kết, thống nhất trong toàn huyện. Đến nay, diện mạo nông thôn mới đã có nhiều đổi thay, nhiều công trình được xây dựng mới khang trang, mạng lưới giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh. Ông Mai Xuân Giới cũng cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị - xã hội tích cực tham gia thực hiện tốt hơn nữa phong trào, kịp thời biểu dương và nhân rộng các cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến, phát huy tối đa nội lực của dân, doanh nghiệp trên địa bàn để huyện Ân Thi.
Có thể thấy, bằng những việc làm cụ thể, hướng đi phù hợp, huyện Ân Thi đã về đích NTM theo đúng lộ trình, đời sống của người dân cũng được cải thiện rõ rệt, phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2020.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.